Vì Mỹ, Cuba hủy thỏa thuận thường trú của tàu chiến Trung Quốc?

ANTĐ - Sau khi Mỹ-Cuba nối lại quan hệ, Bắc Kinh đã “ngậm quả đắng” vì Cuba đã không cho phép chiến hạm Trung Quốc thường trú tại hải cảng của nước mình.

Cuba từ chối cho chiến hạm Trung Quốc thường trú tại cảng

Theo các nguồn tin quốc tế, Cuba đã quyết định từ chối thỏa thuận đã ký kết với Bắc Kinh hồi nửa cuối năm 2014, về việc cho phép các chiến hạm Trung Quốc được thường trú trong các hải cảng của nước mình. Đây là “quả đắng” đầu tiên đối với Bắc Kinh sau khi Washington và La Habana bình thường hóa quan hệ.

Bình luận về vụ việc này, tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun số ra ngày 20-5 bình luận, Bắc Kinh càng cảm thấy cay đắng hơn bởi đề xuất ban đầu là do phía Cuba chứ không phải Trung Quốc. Ngay từ năm 2012, La Habana đã đề xuất với Bắc Kinh, triển khai các chiến hạm của hải quân PLA trong vùng biển Caribean, cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung giữa 2 bên.

Sáng kiến ​​này đã được khẳng định trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Cuba hồi tháng 7-2014, và sau đó công tác chuẩn bị cho việc triển khai các chiến hạm tối tân nhất của hải quân Trung Quốc tại đây đã được bắt đầu - tờ Yomiuri Shimbun cho biết.

Tuy nhiên, vào phút cuối, khi các bên đã phải bắt đầu các cuộc tham vấn làm việc về vấn đề này, Cuba đã thay đổi lập trường của mình. Trung Quốc đã thất vọng tràn trề bởi quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba do Tổng thống Obama đưa ra hồi cuối năm 2014 đã thay đổi tất cả.

Được biết, trước khi Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược “đánh chiếm châu Mỹ-Latin”, đẩy mạnh quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là Cuba - quốc gia bị Mỹ xếp vào danh sách "khủng bố" suốt 33, đồng thời chịu lệnh cấm vận trong hơn nửa thế kỷ qua. 
Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào các ngành công nghiệp Nickel, dầu mỏ, khoa học công nghệ, xây dựng các đặc khu kinh tế ven biển Cuba, đồng thời nâng cao kim ngạch thương mại song phương, đưa quan hệ giữa 2 nước lên một "tầm cao mới".

Trung Quốc ăn "quả đắng" vì việc Mỹ-Cuba bình thường hóa quan hệ 

Cuba nằm ở phía bắc Vùng Caribe, ở giao điểm của của ba vùng biển lớn là Biển Caribe, Vịnh Mexico và Đại Tây Dương. Sau khi có chỗ đứng vững chắc trên đất Cuba, các công ty Trung Quốc còn có khả năng vươn với các thị trường ở Caribean, Trung Mỹ và Mexico.

Trên danh nghĩa, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác kinh tế lớn thứ 2 của Cuba với kim ngạch thương mại song phương bình quân hàng năm là 3,7 tỷ USD, chỉ xếp sau Venezuela, nhưng nếu tính theo quốc gia thì Bắc Kinh mới là đối tác thương mại lớn thứ hai của La Habana.

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba, Tướng Alvaro López Miera (người đeo kính bên trái) tiếp đón Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - tướng Phòng Phong Huy, trong chuyến thăm Cuba ngày 18-5-2014

Theo thống kê chính thức, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước trong tám tháng đầu năm 2013 đã đạt tới 1,41 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đạt 960 triệu USD. Bắc Kinh đang từng bước nâng cao ảnh hưởng kinh tế của mình đối với Cuba nói riêng và châu Mỹ-Latin nói chung.

Khi Washington triển khai vòng vây đối với Nga và xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương chống Trung Quốc thì Moscow và Bắc Kinh cũng bắt đầu sử dụng các mối quan hệ này để gây sức ép ngược lại Washington, làm dấy lên mối lo ngại của người Mỹ về việc mất ổn định sân sau của mình.

Washington có lẽ cũng hiểu điều đó, nên các nỗ lực cải thiện mối quan hệ với các nước láng giềng bắt đầu được người Mỹ triển khai, mà đầu tiên là việc hòa giải với Cuba - một “đối thủ lâu đời”, được xem như bước đi đầu tiên nhằm tái xây dựng quan hệ hợp tác thân thiện với các nước trong cùng châu lục. 

Yomiuri Shimbun nhận định, chính "tiến bộ lớn đã đạt được trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ" đã thúc đẩy Cuba đến bước đi này, bởi ngoài việc ổn định tình hình Trung Đông, việc Mỹ tái xây dựng quan hệ với các nước châu Mỹ-Latin được coi là động thái ổn định "sân sau" để "tái xoay trục về châu Á", chống Trung Quốc.