Vì một ASEAN ổn định và phát triển

ANTĐ - Các thành viên ASEAN hơn lúc nào hết đang mong muốn có một môi trường hoà bình và ổn định để phục vụ mục tiêu phát triển vì cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của người dân.
Vì một ASEAN ổn định và phát triển ảnh 1
Phủ Thủ tướng Brunei - nơi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22


Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 với chủ đề “Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta” đã khai mạc ngày 24-4 tại Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước ASEAN sẽ bàn thảo và quyết định các vấn đề nhằm đẩy mạnh hợp tác, xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết nội khối, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác cũng như trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Việc lấy “Người dân của chúng ta - Tương lai của chúng ta” làm chủ đề của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 cho thấy các thành viên của hiệp hội đã đặt con người vào trung tâm của tiến trình phát triển cũng như hợp tác nội khối trong tương lai. Vì người dân, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn không có cách nào khác là làm cho cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp, thịnh vượng hơn.

Hướng tới mục tiêu lâu dài là sự thịnh vượng của cả hiệp hội cũng như từng quốc gia thành viên, ASEAN đã nỗ lực đẩy mạnh việc thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), một trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN cùng với 2 trụ cột khác là Cộng đồng An ninh-Chính trị và Cộng đồng Văn hoá-Xã hội. Hình thành vào năm 2015, AEC nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong “Tầm nhìn ASEAN 2020” về hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hoá, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020. 

Tuy nhiên, để xây dựng thành công một AEC thịnh vượng thì điều tối quan trọng, ngoài việc thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế, là phải có một môi trường hoà bình và ổn định trong khu vực ASEAN. Với vai trò cũng như ý nghĩa đó, các thành viên ASEAN lo ngại sâu sắc về tình hình phức tạp, bất ổn trên biển Đông thời gian qua, đặc biệt là do đòi hỏi chủ quyền cùng các hành động gây sức ép đòi chủ quyền của Trung Quốc.

Chính vì thế, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ trao đổi các biện pháp nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông. ASEAN một lần nữa khẳng định lại cam kết giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ 

(UNCLOS); tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đi đôi với thúc đẩy việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông của ASEAN và Tuyên bố chung ASEAN-TQ kỷ niệm 10 năm DOC. 

Cùng với việc thống nhất lập trường để “ASEAN trở thành một mặt trận thống nhất trong vấn đề biển Đông”, lời của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, các nhà lãnh đạo hiệp hội nên trao đổi để mở cuộc đàm phán chính thức về COC với Trung Quốc càng sớm càng tốt. COC với những ràng buộc mang tính pháp lý sẽ hiệu quả hơn hẳn DOC cũng như những cam kết, thoả thuận trước đó giữa ASEAN và Trung Quốc để đảm bảo hoà bình, ổn định, an toàn hàng hải và an ninh trên biển Đông.