Vĩ mô của vĩ mô

(ANTĐ) - Trong một phiên họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cách đây không lâu, khi bàn về lạm phát đã có ý kiến dự báo, mặt bằng giá mới sẽ được hình thành vào tháng 7 tới. Căn cứ vào mặt bằng này, lạm phát mới có “cơ may” để thoái lui vào những tháng còn lại. Còn theo một ủy viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Nghị quyết 11 của Chính phủ vào thời điểm tháng 7 cũng vừa hết độ trễ cần thiết và phát huy tác dụng.

Đặt kỳ vọng vào tháng 7 là có lý do. Đó chính là lúc mà Chính phủ mới sẽ hoàn thiện xong bộ máy điều hành. Chờ đợi bộ máy mới của Chính phủ có lẽ cũng là tâm trạng chung, bởi đây là bộ máy sẽ “tiếp sức” cuộc chiến chống lạm phát đòi hỏi tập trung trí tuệ, quyết tâm cao nhất đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và thách thức. Thời gian qua, khi phân tích về các nguyên nhân dẫn đến lạm phát, một số ủy viên trong các ủy ban của Quốc hội đã thẳng thắn nhận xét rằng, lỗi về điều hành khiến lạm phát tăng cao là có nhưng không thể lượng hóa được bao nhiêu phần trăm. Mặc dù nhiều ý kiến đều nhất trí đánh giá cao sự điều hành vĩ mô trong thời gian qua là kịp thời, quyết liệt theo cơ chế thị trường, đặc biệt là Chính phủ đã sẵn sàng chấp nhận giảm mức tăng trưởng GDP nhằm kiềm chế lạm phát có hiệu quả, song bản thân Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã từng thẳng thắn nhận định: “Lạm phát cao nguyên nhân chủ yếu là từ chủ quan”.

Đó là những nguyên nhân chủ quan như đầu tư công kém hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng… Thực tế, không phải Chính phủ chưa từng đề cập đến lạm phát tăng cao do nguyên nhân từ công tác điều hành. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã từng nhận xét rằng, trong thời kỳ lạm phát cao năm 2008, có lúc đã sơ hở trong việc theo dõi diễn biến của lạm phát, việc điều hành thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, nhất là giữa các bộ, ngành. Vấn đề điều hành bộ máy nhà nước thường được gọi là “vĩ mô của vĩ mô”. Trong bản báo cáo “Xây dựng một thế kỷ châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á vừa mới công bố, trong đó khuyến cáo nguy cơ về quản trị điều hành và năng lực thể chế, điểm yếu của hầu hết các nền kinh tế châu Á. Khu vực châu Á cần phải hiện đại hóa các hệ thống quản trị điều hành, đồng thời tái thiết thể chế của mình đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và nâng cao tính hiệu lực của các quy định và luật lệ.

Những vấn đề này không của riêng quốc gia nào. Những rủi ro kinh tế không phải của riêng Việt Nam mà nhiều nước khu vực đang phải đối đầu. Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong nhiều năm qua, tất nhiên đang phải đối mặt với một số thách thức, đáng quan tâm nhất là lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, bản báo cáo khẳng định rằng, những nền kinh tế đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam không thể rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình khi quyết tâm chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào nguồn lực vốn phụ thuộc vào lực lượng nhân công giá rẻ, tài nguyên và vốn đầu tư sang tăng trưởng bắt nguồn từ đổi mới cơ cấu kinh tế và năng suất cao. Nhóm tác giả báo cáo “Xây dựng một thế kỷ châu Á” chỉ rõ, các nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam phải xác định rõ mục tiêu tăng trưởng riêng của mình. Đó là tăng trưởng dựa vào sức sáng tạo và cải cách thể chế. Cải cách thể chế là một yếu tố hết sức cơ bản và cần thiết cho sự điều hành của Chính phủ trong việc chống lại lạm phát. Tăng trưởng dựa vào sức sáng tạo nên bắt đầu từ cải cách trong lĩnh vực giáo dục; khuyến khích đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ sạch nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là mục tiêu lâu dài trong công tác điều hành của Chính phủ. Chính tình hình khó khăn lại là cơ hội để cải cách mạnh mẽ, đổi mới, cơ cấu lại cơ chế, bộ máy điều hành “vĩ mô của vĩ mô”.