Vì lợi nhuận, nên cũng khó tránh khỏi…

ANTĐ - Sau khi phòng khám Maria bị tạm đình chỉ vì có nhiều sai phạm trong việc sử dụng bác sĩ người Trung Quốc khám chữa bệnh “chui”, các phòng khám đông y Trung Quốc còn lại trên địa bàn Hà Nội đã tỏ ra cảnh giác hơn, hoạt động khá cầm chừng và thận trọng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2012, toàn thành phố chỉ có 8 cơ sở hành nghề y tư nhân có yếu tố nước ngoài (bác sĩ người Trung Quốc) được cấp phép hoạt động, trong đó có 4 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh, 3 cơ sở chẩn trị y học cổ truyền và 1 phòng khám đa khoa. Thế nhưng chỉ cần khảo sát dọc đoạn đường Giải Phóng dễ dàng nhận thấy, số phòng khám có treo biển hoặc sử dụng nhân viên, bác sĩ người Trung Quốc khám chữa bệnh đã vượt nhiều lần con số được cấp phép kể trên. Điều đó cũng có nghĩa, số phòng khám đông y Trung Quốc hoạt động “chui” trên địa bàn Hà Nội là rất phổ biến. 

Sáng 19-7, trong vai người bệnh chúng tôi tìm đến phòng khám đông y Trung Quốc ở địa chỉ 9… đường Giải Phóng, Hà Nội. Sau khi bỏ ra 40.000 đồng mua sổ khám bệnh, tôi được dẫn vào phòng một bác sĩ người Trung Quốc. Lấy lý do vào khám bệnh là gần đây cảm thấy ợ chua khi ăn, người có cảm giác mệt mỏi, tôi được người đàn ông tự xưng là bác sĩ người Trung Quốc bắt mạch rồi không cần chiếu chụp xét nghiệm gì, lập tức chẩn đoán tôi bị viêm dạ dày. Nhân viên y tá người Việt dịch lại cho tôi rằng: “bác sĩ nói là anh bị viêm dạ dày, liệu trình điều trị cái này là hơi đắt đấy anh nhé, thuốc uống 250.000 đồng 1 ngày, uống ít nhất 7 ngày là khỏi…”. 

Tiếp tục vào phòng khám khác ở 4… đường Giải Phóng, trên biển phòng khám có ghi chữ Trung Quốc nên khi vào tôi mạnh dạn hỏi “đây có phải là phòng khám đông y Trung Quốc không?”, dường như nghi ngờ nên nhân viên phòng khám có vẻ thận trọng “phòng khám chỉ chữa những bệnh mãn tính, anh phải vào BV khám rồi có đơn của bác sĩ ra đây chúng tôi sẽ điều trị theo đơn”. Hỏi tiếp “nếu muốn bác sĩ Trung Quốc khám có được không?”, một nhân viên phòng khám trả lời “bác sĩ Việt cũng có, bác sĩ người Trung Quốc cũng có…”.

Đáng chú ý, trong danh sách 4 bác sĩ người Trung Quốc được Bộ Y tế cấp phép hành nghề khám chữa bệnh tại Hà Nội, không có bác sĩ nào đăng ký hoạt động tại 2 phòng khám nói trên.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân - Sở Y tế Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế của nhà nước nên cơ quan chức năng không có quyền từ chối các nhà đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước đăng ký thành lập phòng khám. Tuy nhiên, phòng khám mở ra thì doanh nghiệp chủ quản của phòng khám đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của mình, có sự giám sát của cơ quan chức năng. Sự thực thì nhờ các mô hình xã hội hóa y tế này đã góp phần làm đa dạng hóa loại hình dịch vụ y tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Dù vậy, vì lợi nhuận nên cũng khó tránh khỏi có nhiều phòng khám hoạt động “chui”, hoặc đăng ký một đằng làm một nẻo, vi phạm quy định hành nghề.