Kỷ niệm 69 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2016)

Vì lời hứa với đồng đội

ANTĐ - Tôi được nghe các cựu chiến binh Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Quân tăng cường Thủ đô dành những lời quý trọng, yêu mến đối với ông Nguyễn Văn Hân (72 tuổi). Họ cùng nhập ngũ ngày 27-7-1967, huấn luyện ở xã Đại Mạch, rồi vào chiến trường. Sau chiến tranh, họ may mắn gặp được nhau để hàn huyên chuyện xưa, nay. Câu chuyện ông Hân “rồ” ở thôn Thụy Hà, xã bắc hồng gần 20 năm trông coi Nghĩa trang Liệt sĩ xã mà không đòi hỏi chế độ gì được bắt đầu như thế khi các cựu chiến binh quây quần trong ngôi nhà của người Đại đội trưởng cũ - ông Nguyễn Văn Giảng.

Chuyện chiến trường xưa

Dáng người cao dong dỏng, gầy gầy, chỉ có đôi mắt to cương trực rất sáng, ông Nguyễn Văn Hân nhanh nhẹn lấy tất cả các kỷ vật ra cho chúng tôi xem. Thú vị nhất là tấm ảnh ông mặc áo capốt của Liên Xô (cũ) viện trợ, chụp chung với vợ. Sự tích chiếc áo, liên quan đến lần ông ra Bắc báo cáo thành tích dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Được phát chiếc áo này chống rét nên ông vẫn giữ làm kỷ niệm một thời oanh liệt. Hỏi, ông gầy gò, gió thổi bay, thế mà ở mặt trận Quảng Trị năm 1968, diệt Mỹ giỏi thế, ông cười, ký ức một thời gian khổ hy sinh anh dũng nhưng cũng đầy quang vinh hiện về: “Tháng 7-1967, tôi nhập ngũ lúc 22 tuổi, khi ấy đang là dân quân xã. Sau khi huấn luyện ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội và Tân Lạc, Hòa Bình, đầu xuân 1968, tôi vào chiến trường Quảng Trị, được phiên chế về Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320.

Anh Nguyễn Văn Mão người Quảng Bình là Đại đội trưởng giao cho tôi cây trung liên của lính bộ binh. Hè năm 1968, chúng tôi chiến đấu ác liệt với lính Mỹ và lính đánh thuê cho Mỹ ở trận Cửa Việt…

Những ngày khốc liệt này, cái chết luôn kề bên. 4 anh em chúng tôi ở xã cùng đi một đợt, cùng học một trường phổ thông gồm Nguyễn Đức Nhỡ (SN 1948), Nguyễn Văn Hạnh (SN 1949), Nguyễn Biên Giới (SN 1950) thì anh Hạnh, người thôn Quan Âm đã hy sinh ngay khi mới vào chiến trường tháng 2- 1968; nay chỉ còn 3 anh em. Chúng tôi đã ôm chặt nhau, dặn rằng nếu chúng mình còn sống, thì khi về quê hương, thương nhau, sống với nhau như anh em ruột. 

…Ngày 9 -5-1968, trên trận địa gần Cửa Việt, chỉ bằng khẩu trung liên, tôi diệt 7 lính Mỹ. Tôi được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận, sau đó vinh dự được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú. Nhưng trận chiến Cửa Việt ác liệt đã cướp đi các bạn thân thiết của tôi là Nguyễn Đức Nhỡ, người thôn Thụy Hà, ở Đại đội 5 và Nguyễn Biên Giới, người thôn Thượng Phúc, ở đơn vị vận tải, đều thuộc Trung đoàn 48, cùng hy sinh trong tháng 5-1968.

Nén đau thương, tôi chỉ biết tự hứa với lòng mình, nếu còn trở về, sẽ thắp hương cho các bạn tôi. Năm 1969, tôi được chọn là một trong những đại biểu của đoàn Dũng sĩ diệt Mỹ mặt trận Quảng Trị ra Quân khu Thủ đô kể chuyện đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đó là những tháng ngày đầy tự hào của thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Chúng tôi nói chuyện với lớp huấn luyện của Quân khu Thủ đô đóng tại thôn Tằng My, xã Nam Hồng và vô cùng cảm động khi được nhận chiếc áo capốt Liên Xô (cũ) viện trợ cho quân đội ta mà hồi đó là vô cùng quý giá, để chống rét. 

Trở vào chiến trường, tôi làm trinh sát (J16) của mặt trận Bình Trị Thiên, đi khắp Thạch Hãn, Gio Linh, sông Bồ, Phong Điền, Thành Cổ… trinh sát cho cán bộ lên sa bàn các trận đánh. Tháng 5-1971, tôi bị thương nặng khi địch mở trận càn Giăng Sơn Xiti, mảnh đạn găm vào sườn, vào sát đỉnh đầu.

Tôi được chuyển ra Quân y viện Z10 của Sư đoàn 320 ở Quảng Bình, nhưng anh em tưởng tôi hy sinh, đã làm thủ tục để báo tử. Bệnh không thuyên giảm, tôi được chuyển tiếp về Quân y Nam Hà điểu trị và an dưỡng. Gần một năm được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, tôi dần tỉnh ra, mới nhớ được mình ở đơn vị nào, quê ở đâu. Tôi về Đoàn an dưỡng 869 của Quân khu Thủ đô, sau đó chuyển sang Trại an dưỡng Tây Mỗ của Sở LĐ-TB&XH thành phố Hà Nội...”.

Bạn tôi nằm đấy

Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hân trở về quê hương với mức độ thương tật nặng 71% cùng những cơn đau buốt thần kinh hành hạ. Giữa những ngày xa rời bom đạn khốc liệt ấy, số phận đã mỉm cười khi cho ông gặp bà Trương Thị Chất, nữ dân quân phục vụ bộ đội tên lửa bảo vệ Sân bay Nội Bài ở xã Quang Minh, lúc ấy vẫn thuộc Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội) đã kết duyên cùng ông. Ông bà làm đám cưới cuối năm 1972 khi ông vẫn đang thuộc quân số của Trại an dưỡng Mỗ Lao.

Cưới xong, ông lại khoác balô về trại và chữa trị bệnh. Cứ thế, ông đánh vật với bệnh tật. Đến năm 1980, thương vợ một mình xoay xở trong cảnh mẹ chồng ốm, chồng điều trị ở xa, các con còn nhỏ, đứa lớn mới 7 tuổi, đứa thứ hai thì ốm mất, đứa thứ ba mới 3 tuổi, gia cảnh nheo nhóc, đơn vị cho ông phục viên để bà chăm sóc chồng theo đơn của bác sĩ.

 Về làng, bệnh tình không thuyên giảm, những cơn đau kịch phát khiến ông đập phá đồ đạc, la hét. Đã có lúc người làng gọi ông là Hân “rồ” là vì thế. Chính quyền xã cũng tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cho ông thuộc diện thương binh nặng, một miếng đất nhỏ sát chợ, để ông bán chè thuốc đỡ đần thêm cho vợ. Nhưng mỗi lần lên cơn đau thần kinh thì bát, cốc, chén, bàn ghế… đều tan hết.

Chỉ có vợ kiên nhẫn, lặng thầm chịu đựng, chữa chạy cho ông theo đơn thuốc của bác sĩ và thêm các bài thuộc dân gian kiên trì chữa trị, bệnh thuyên giảm rõ rệt. Ông Hân đã có thể giúp vợ việc nhà, tinh thần ổn định, tươi vui hơn. Và việc đầu tiên ông Hân nhớ ra chính là lời hứa với ba người bạn cùng học đã hy sinh ở Quảng Trị. 

 Năm 1994, ông Hân ra xã, đề nghị với ông Nguyễn Văn Bến, nguyên Chủ tịch xã rằng:

 - Cho tôi được trông nom nghĩa trang liệt sĩ xã. 

 - Làm thế nào được, anh bệnh tật thế kia, khi thần kinh không ổn định thì sao trông nom được? 

 Nghe ông Bến phản đối, ông Hân nói:

  - Tôi muốn giữ lời hứa với các bạn tôi, nếu tôi làm một năm mà không được thì tự tôi sẽ thôi. 

   Cuối cùng, chính quyền xã đồng ý cho ông Hân làm quản trang, nhưng làm được thời gian ngắn thì do sức khỏe quá yếu, ông lại bị tái phát bệnh nên phải nghỉ để điều trị bệnh. Cuối năm 1997, ông Hân bình phục hẳn, trở về với công việc tín nghĩa của mình là trông coi nghĩa trang liệt sĩ. Ngày ngày, ông Hân ra nghĩa trang dọn cỏ, trồng cây giữa các hàng mộ chí.

Ông Hân kể: “Khi ấy, nghĩa trang liệt sĩ chưa có cổng, các cháu nhỏ vào chơi, đùa nghịch, cây trồng tươi tốt rồi lại bị nhổ mất. Tôi kiên nhẫn trồng lại, rồi tìm mua thêm loại cây đẹp tô điểm cho khung cảnh trang nghiêm của nghĩa trang liệt sĩ”.

Cứ như thế, cây xanh tỏa hương hoa, từng ngôi mộ đều được quét vôi, ghi rõ họ tên, giữa các hàng mộ chí và xung quanh nghĩa trang, tất cả lối đi đều sạch sẽ. Cần cù, chịu khó, ông không đòi hỏi xã thù lao bất cứ hiện vật, tiền bạc gì. Ông Hân tâm sự: “Bạn mình nằm đấy, hàng ngày mình ra quét dọn, trò chuyện với bạn, thế là tôi thỏa tâm nguyện rồi”.

Nhưng có một điều khiến ông Hân vẫn canh cánh trong lòng, bởi trong 3 liệt sĩ, thì hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Đức Nhỡ đã được gia đình anh đưa về năm 1993, hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Biên Giới cũng được gia đình anh đưa về năm 2009. Riêng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hạnh vẫn chưa tìm được. Trong nghĩa trang, mộ Liệt sĩ Nguyễn Văn Hạnh vẫn là ngôi mộ gió. Nỗi đau hậu chiến tranh vẫn hiện lên như thế trong dòng chảy lặng lẽ của thời gian.

187 ngôi mộ trong Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bắc Hồng luôn được ông Nguyễn Văn Hân chăm sóc cẩn thận, chu đáo, như chính ngôi nhà của ông đang ở vậy. Những ngày trái gió trở trời, sức khỏe không được tốt thì vợ ông lại ra nghĩa trang làm thay công việc của ông, coi đó là việc nghĩa của vợ chồng.

Tháng 5-2015, trong Lễ tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/Tư của Bộ Chính trị: “ Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Văn Hân đã được nhận Giấy khen và được chọn là một trong những đại biểu xuất sắc của Huyện ủy Đông Anh về Lăng Bác báo công, được trao tặng Huy hiệu của Người khi viếng Bác. Ông Hân tâm sự: “Những phần thưởng đó là niềm tự hào của anh em thương binh chúng tôi, thực hiện lời Bác dạy.

Tôi được sống trở về đã là một điều may mắn”… Chúng tôi nghe chuyện ông kể, cảm nhận sâu sắc hơn hạnh phúc bình dị trong ngôi nhà của người thương binh năng 71% thật vô giá. Đi cùng ông ra Nghĩa trang Liệt sĩ xã Bắc Hồng, thắp nén hương thơm lên Đài Liệt sĩ và mộ anh Nhỡ, anh Giới, anh Hạnh, tôi hằng tin, các anh luôn luôn hiện hữu cùng với muôn người con dân đất Việt, bảo vệ cho đất nước trường tồn trong độc lập, tự do.