Vi khuẩn, ký sinh trùng, virus: Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm

ANTD.VN - Ngộ độc thực phẩm gây ra bởi vi khuẩn, ký sinh trùng và virus. Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm như vi khuẩn E. coli, Listeria, salmonella…

Vi khuẩn, ký sinh trùng, virus: Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm ảnh 1Ngộ độc thực phẩm nếu không được xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe

Các nguyên nhân phổ biến của ngộ độc thực phẩm là khi bạn ăn thực phẩm chưa chín hoặc quá trình chế biến thực phẩm không đảm bảo. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong những ngày nắng nóng, bạn cần lưu ý những nguyên tắc sau:

Rửa tay bằng xà phòng

Bàn tay có thể dễ dàng lây lan vi khuẩn xung quanh nhà bếp và thức ăn. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm, nhất là thời điểm trước khi ăn, trước khi nấu ăn để ngăn ngừa vi khuẩn và mầm bệnh lây lan, rửa tay lại một lần nữa sau khi đã nấu xong.

Giữ nhiệt độ tủ lạnh dưới 5 độ C

Các chuyên gia y tế khuyến cáo tủ lạnh nên được duy trì ở nhiệt độ dưới 5 độ C. Mỗi loại thực phẩm sẽ có thời gian sử dụng nhất định khi bảo quản trong tủ lạnh, chẳng hạn thịt gà chỉ được sử dụng từ 1 đến 2 ngày, thịt đỏ từ 3 đến 5 ngày, trứng từ 3 đến 5 tuần… Ngoài ra, tránh để quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Ngoài ra, để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, sử dụng thức ăn thừa trong tủ lạnh trong vòng 2 ngày để tránh thực phẩm mất dinh dưỡng và ngăn ngừa ngộ độc. 

Không ăn thực phẩm quá hạn 

Bạn nên vứt bỏ những thực phẩm quá hạn ngay cả khi nó trông tươi ngon và không có mùi. Mỗi loại thực phẩm đều có khung thời gian an toàn riêng, vì vậy trước khi mua hoặc sử dụng các loại thực phẩm cần chú ý hạn sử dụng. Những thực phẩm quá hạn tốt nhất là nên bỏ đi để tránh ăn phải đồ ôi thiu, chất đã bị biến đổi.

Không cất thực phẩm trong cốp xe

Việc để thực phẩm trong cốp xe, cho dù là rất ngắn, thì cũng không nên, vì nhiệt độ cao cộng không gian kín dễ khiến vi khuẩn nhanh chóng sinh sôi.

Chế biến tách biệt giữa thực phẩm sống và chín

Nếu để thức ăn sống bị lẫn hoặc dính vào thức ăn đã chín, thức ăn rất dễ bị nhiễm bẩn, gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, chế biến và để riêng biệt rất quan trọng, nên lưu ý sử dụng thớt thái thực phẩm sống và chín riêng biệt.

Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên

Để loại bỏ thức ăn tồn đọng, để lâu ngày, việc vệ sinh tủ lạnh cũng sẽ loại bỏ được các vi khuẩn có hại được sản sinh khi để thức ăn lưu cữu lâu ngày, đồng thời phá hủy môi trường sống của các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.

Bọc kín thức ăn khi cho vào tủ lạnh

Dùng màng bọc thực phẩm hoặc hộp nhựa đậy kín thức ăn khi cho vào tủ lạnh. Điều này sẽ tránh tủ lạnh có mùi và ngược lại thức ăn không bị nhiễm khuẩn nếu tủ lạnh có vi khuẩn gây hại. 

Xử lý khi ngộ độc thực phẩm

Thông thường các triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện sau khi ăn khoảng 3-4 giờ. Khi thấy có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm, hãy lập tức tiến hành các bước sơ cứu sau đây: Hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể; Bù nước; Không uống thuốc cầm tiêu chảy. Nếu tình trạng ngộ độc nặng, ngay sau khi sơ cứu đưa người bệnh đến trung tâm y tế gần nhất để kịp thời xử lý.