Vị giám khảo già và những khúc hát mãi xanh

ANTĐ - Đấy là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Mỗi khi nhắc tới ông, người đời có thể nhớ tới những ca khúc nổi tiếng ông đã viết. Còn tôi, những ngày này nhớ đến ông bởi vóc dáng gầy và cách trò chuyện rất hóm trong cuộc thi “Tiếng hát mãi còn xanh” - một sân chơi hiếm hoi ở Việt Nam dành cho những… thí sinh già. 

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trao giải cho ca sĩ Mai Khôi 
trong chương trình Bài hát Việt

Già nhất là giám khảo

Những thí sinh già như thế mà vẫn cần có một vị giám khảo… nhiều tuổi hơn để có thể sẻ chia, đồng cảm. Và người được chọn là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – người bấy lâu nay được ví là “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam”. Cứ ngỡ tuổi cao, ông chỉ “trụ” được mùa đầu. Không ngờ, năm nay ở tuổi 90 (ông sinh năm 1924) nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vẫn vững vàng với những nhận xét, chia sẻ rất hóm, rất chân tình với các thí sinh.

Nhạc sĩ tuổi 90 nước mình may mắn vẫn còn nhiều, nhưng người còn hoạt động sôi nổi thì rất hiếm. Người sẵn sàng chấp nhận ngồi “ghế nóng” lại càng ít. Trẻ khỏe, ăn sóng nói gió như nhạc sĩ Trần Tiến cũng còn phải sớm nói lời từ biệt, thế mới thấy nhạc sĩ của “Ở hai đầu nỗi nhớ” cầm cự được ở một sân chơi phát sóng trên truyền hình như thế là rất đáng ngưỡng mộ. Hơn nữa, ông luôn giữ được phong độ và sự duyên dáng đầy tinh tế.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm sự: “Sân chơi này tuy không thời thượng, nhưng lại tạo cơ hội cho những người cao tuổi như tôi vẫn có thể lạc quan, yêu đời và tự tin thể hiện bản thân mình”. “Nhờ Tiếng hát mãi xanh, tôi được nhiều người biết đến hơn. Khi khán giả nhận ra tôi, thay vì gọi “ông Phan Huỳnh Điểu” thì họ lại kêu: Ôi! Ông giám khảo Tiếng hát mãi xanh!”. Và biệt danh này khiến ông xúc động, vui và hào hứng tiếp tục làm giám khảo chuyên môn cho chương trình. 

Điều đặc biệt, với những lời nhận xét “thẳng ruột ngựa” đậm chất Quảng quê hương, nhưng lại không thiếu chất hóm hỉnh, hài hước khiến khán giả rất thích thú. Chẳng hạn ông nhận xét: “Không phải hát mà là hú, hét”, “Mặt anh rất thư sinh, dù mặc đồ dân tộc nhưng tiết mục vẫn chưa ra chất dân tộc”... Nói thẳng nhưng chân tình, vì thế khán giả cũng không “nỡ lòng nào” giận ông. Mỗi khi ông chải tóc mượt, thắt caravát và khoác bộ áo vest lên người để đến trường quay, rất rõ ràng, ông xác định: đây là sân chơi mang tính chất phong trào quần chúng, yếu tố chuyên môn cũng quan trọng nhưng không phải là trên hết, không thể ép thí sinh vào đúng “niêm luật” như các cuộc thi “chính quy” khác. Mọi người đến với nhau để cất cao tiếng hát, để vui vẻ, để hướng tới niềm vui sống khi tuổi đã về chiều. Bởi vậy, ông chỉ nhận xét sao để họ biểu diễn hay hơn, phù hợp hơn chứ không đi sâu vào chuyên môn. 

Tuy vậy, để đến được với sân chơi nhiều ý nghĩa ấy, nhạc sĩ không ít lần phải vượt qua những cơn bạo bệnh, với những trận ốm thập tử nhất sinh, cả với chứng đau khớp dai dẳng từ nhiều năm nay. Thế nên, buổi chấm thi nào ông cũng được vợ “hộ tống” đến trường quay, chăm sóc, chờ đợi ông ghi hình xong lại cùng trở về với căn nhà có giàn hoa giấy thân thương ở đường Thất Sơn (Quận 10 – TP.HCM).

Những khúc hát còn xanh

Được mệnh danh là ″con chim vàng″ của nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu là cánh chim đầu đàn thuộc thế hệ tiêu biểu của nền âm nhạc nước nhà thế kỷ 20. Những ca khúc của ông nhiều thế hệ thuộc lòng, nhiều người hát, hát ở nhiều nơi, song như nhạc sĩ Trần Hiếu nhận xét, để thể hiện các ca khúc của Phan Huỳnh Điểu là đều không dễ dàng đối với các ca sĩ. Không đao to búa lớn, rất nhẹ nhàng dung dị, song ca sĩ luôn phải đầu tư và làm việc một cách nghiêm túc để có thể truyền tải hết tinh thần và thông điệp nhạc sĩ đã gửi gắm trong các nhạc khúc của mình.

Sáng tác của ông là những bản nhạc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi sự hăng say lao động và tình yêu đôi lứa chờ đợi, thủy chung. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ những năm 40 của thế kỷ 20, trong nhóm tân nhạc. Sau “Trầu cau”, sáng tác của ông được biết rộng rãi là “Đoàn Giải phóng quân” (1945). Sau này, ông còn viết nhiều tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp âm nhạc của mình, như: “Nhớ ơn Hồ Chủ tịch”, Mùa đông binh sĩ”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh), “Những ánh sao đêm”, “Bóng cây Kơ-nia” (thơ Ngọc Anh), “Anh ở đầu sông em cuối sông” (thơ Hoài Vũ), “Sợi nhớ sợi thương” (thơ Thúy Bắc), “Thuyền và biển” (thơ Xuân Quỳnh)… Ngoài ra, ông cũng là tác giả của các ca khúc cho thiếu nhi như: “Nhớ ơn Bác”, “Đội kèn tí hon”... Đó là những bài hát nhiều người thuộc.