Vì ai Đông Nam Á mua sắm hơn 40 tỷ USD vũ khí năm 2016?

ANTĐ - Những biến động trong tình hình địa-chính trị khu vực, đặc biệt là căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ đã khiến các quốc gia Đông Nam Á phải nỗ lực tăng cường quân bị.

Một thông tin quốc phòng đáng lưu ý là trong năm 2016, ngân sách chi cho vũ khí của các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ gia tăng đột biến do biến động trong tình hình địa-chính trị khu vực, đặc biệt là căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ.

Trong thập niên qua, các nước châu Á-Thái Bình Dương không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự, trong đó đặc biệt chú trọng đến chi phí mua sắm trang, thiết bị quân sự.

Ở khu vực này có nhiều nước nằm trong top các nước có ngân sách quốc phòng cao nhất thế giới như Trung Quốc với khoảng hơn 150 tỷ USD mỗi năm, ngoài ra có nhiều nước chi tiêu quốc phòng ở mức 2 con số như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia, UAE..

Chiến đấu cơ Su-30 và Su-27 của Indonesia

Đặc biệt là khu vực Đông Nam Á với chủ yếu là những nước nghèo cũng buộc phải “thắt lưng buộc bụng” các lĩnh vực khác để tăng cường quân bị, đối phó với những vấn đề an ninh mới phức tạp và tranh chấp chủ quyền đang không ngừng leo thang căng thẳng.

Bộ phận báo chí của Triển lãm vũ khí "Quốc phòng và An ninh 2015", khai mạc hôm 2-11 tại Bangkok (Thái Lan) cho biết, theo dự kiến của các chuyên gia, chi tiêu cho vũ khí và thiết bị quân sự tại khu vực Đông Nam Á năm 2016 sẽ vượt quá con số 40 tỷ USD.

Thông báo viện dẫn đánh giá của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI), cho biết, chi phí cho nhu cầu quốc phòng ở châu Á đang phát triển nhanh chóng, mà Đông Nam Á cũng không phải là ngoại lệ.

Theo báo cáo, chi phí mua sắm mới và nâng cấp vũ khí của 11 nước Đông Nam Á (ngoại trừ Myanmar và Brunei), đã tăng từ 14,4 tỷ USD trong năm 2004 lên 35,5 tỷ USD năm 2015. Dự kiến, đến năm 2016 con số này sẽ vượt quá 40 tỷ USD.

Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông để yêu sách chủ quyền phi lý

Thời gian qua, những vấn đề phức tạp về an ninh trong khu vực, đặc biệt là những tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông với Trung Quốc đã khiến các nước Đông Nam Á phải nỗ lực tăng cường quân bị trước những yêu sách chủ quyền vô lý và sức ép cực lớn trên biển của hải quân Trung Quốc.

Đặc biệt là một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia đang phải nỗ lực hiện đại hóa lực lượng tàu nổi, tàu ngầm, máy bay đánh biển để ngăn chặn những cuộc hành quân xa hàng ngàn km của không/hải quân Trung Quốc, áp sát các khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền phi lý ở cực nam của Biển Đông.

Thậm chí một nước nghèo và ngân sách quốc phòng ít ỏi như Philippines cũng phải “gồng mình” mua sắm chiến đấu cơ, máy bay trực thăng, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ, tên lửa chống hạm… để nâng cao sức mạnh, bảo vệ chủ quyền trước những yêu sách ngày càng ngang ngược và phi lý của Trung Quốc.