VFF: Khán giả phải là thượng đế!

ANTĐ - Một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại cuộc họp của Ban chiến lược VFF diễn ra hôm nay, đó là cách ứng xử của những nhà tổ chức đối với khán giả hâm mộ tại V-League.
Khán giả bỏ tiền mua vé vào sân xem trận đấu, họ phải là "thượng đế"

Bất cứ một nhà kinh doanh nào khi dấn thân vào thương trường đều nằm lòng khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế”, bởi đơn giản không có khách hàng thì không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển. Bóng đá dù có đặc thù riêng nhưng cũng là một ngành kinh doanh và nó chỉ có thể hái ra tiền nếu biết cách xây dựng mối quan hệ bền vững và thu hút khán giả đến sân xem các trận đấu. Tại các nước có nền bóng đá phát triển có một nguyên tắc bất di bất dịch là đội bóng phải gắn chặt với người hâm mộ. Không có khán giả thì không thể phát triển thương hiệu, không thể thu hút sự đầu tư và tạo ra các nguồn thu để nuôi sống cho đội bóng.

Thế nhưng, đáng tiếc là đã trải qua hơn một thập kỷ khoác chiếc áo mang tên chuyên nghiệp, nhưng bóng đá Việt Nam chưa bao giờ đối xử với khán giả - cũng chính là khách hàng của mình- như là thượng đế. Thậm chí, nhiều đội bóng còn không cần quan tâm tới các CĐV của mình nhiều hay ít, có mong muốn đến sân xem đội nhà thi đấu hay không. Thay vào đó, họ chỉ chăm chăm tìm cách kiếm lợi từ những phần ngoài bóng đá và sẵn sàng lợi dụng cả sự đam mề và tình cảm của khán giả để đạt được mục đích riêng của mình. 

Họ quá phụ thuộc vào túi tiền của các ông bầu và khi những ông bầu này cảm thấy không còn lợi ích gì khi đầu tư cho bóng đá nữa, hay chỉ đơn giản là không còn máu mê với bóng đá nữa, đã dẫn đến hệ quả hàng loạt CLB phải giải thể hoặc bị “bức tử”. Thực tế, trong lịch sử 14 năm tồn tại của mình, V-League đã lần lượt chứng kiến tới 9 CLB bị xoá trên trên bản đồ bóng đá quốc nội. Gần đây nhất, một trung tâm đào tạo trẻ nổi tiếng lắm tiền nhiều của là Viettel cũng bất ngờ tuyên bố “xoá sổ” bởi đầu tư cho bóng đá bất ngờ không còn nằm trong kế hoạch của lãnh đạo đơn vị bảo trợ. Đó là những bài học nhãn tiền đáng để cho những người thực sự muốn làm bóng đá phải suy ngẫm.

Vì vậy, tại cuộc họp của Ban chiến lược VFF, những nhân vật cốn cán của tổ chức này đều tán thành với quan điểm cần phải đặt khán giả vào vị trí đúng nghĩa là một thượng đế. Muốn vậy, điều đầu tiên những nhà tổ chức, các CLB cần phải làm đó là chăm chút để nâng cao chất lượng cho “sản phẩm” bóng đá của mình, làm sao có thể thuyết phục các khách hàng- khán giả sẵn sàng bỏ tiền túi để vào sân thưởng thức.

Những khách hàng đặc biệt của bóng đá cần phải được hưởng sự chăm sóc và những điều kiện
tiện nghi khi vào sân thưởng thức trận đấu

Thế nhưng, đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ. Bởi theo nhận xét của Phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, hiện tại cơ sở vật chất tại nhiều sân bóng ở V-League vẫn còn không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu cũng như chưa có các hoạt động để thu hút sự quan tâm của khán giả. Ông Tuấn cho rằng, cũng giống như các ngành giải trí khác, nếu muốn khán giả đến xem thì ngoài chất lượng nội dung cuốn hút của chương trình, nhà tổ chức còn cần phải đảm bảo sự tiện nghi và môi trường thoải mái cho khán giả của mình. Nhiều đội bóng hiện nay chỉ hô hào khán giả vào sân cổ vũ và tổ chức bán vé thu tiền mà không chú trọng đến công tác chăm sóc cho những khách hàng đặc biệt của mình, trong đó điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống ghế ngồi và các dịch vụ đi kèm khác. Cá biệt, có sân cho đến giờ còn không có nổi một cái nhà vệ sinh, khiến các “thượng đế” khi có nhu cầu cần giải quyết không còn cách nào khác ngoài đứng... “dựa tường”.

Ngoài việc thống nhất các giải pháp nâng cao chất lượng V-League, trong đó có vấn đề về phục vụ khán giả nêu trên, Ban chiến lược VFF cũng đề ra nhiều chương trình hoạt động nhằm phát triển bóng đá nữ, futsal, bóng đá phong trào. Công tác đào tạo tạo trẻ cũng dành được sự quan tâm đặc biệt với mục tiêu trước mắt là phần đấu xây dựng từ 1 đến 2 Học viện bóng đá theo mô hình của HAGL Arsenal JMG.