Tổ chức mùa giải bóng đá mới:

VFF cầu thị trước ý tưởng của các “ông bầu”

ANTĐ - Sớm thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF); kiện toàn lại bộ máy tổ chức, điều hành giải; mọi hoạt động diễn ra minh bạch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam… Đó là những vấn đề nhận được sự tán thành và quyết tâm thực hiện của cả lãnh đạo VFF lẫn 28 ông chủ CLB trong cuộc họp bàn tổ chức mùa giải 2012, diễn ra vào hôm nay 29-9 tại Hà Nội.

Người hâm mộ đang rất hy vọng tư duy mới sẽ làm thay đổi bộ mặt bóng đá Việt Nam


Bản đề án lịch sử

Không có những bài thảo luận rườm rà, sáo rỗng, cũng chẳng bầu trưởng giải, trưởng Ban trọng tài như dự kiến, thay vào đó là việc tập trung đóng góp ý kiến cho dự thảo thành lập Công ty VPF được khởi xướng bởi chủ tịch HN.ACB, Nguyễn Đức Kiên. Bản dự thảo được xây dựng dựa trên những yếu kém trong công tác điều hành các giải đấu quốc nội, mà nguyên nhân sâu xa được chỉ ra là do sự trì trệ từ chính bộ máy vận hành VFF. Từ đó, ý tưởng thành lập VPF, tương tự như mô hình các nền bóng đá khác đã và đang áp dụng hiệu quả. Theo đó, VFF sẽ không còn “độc quyền” mà sẽ phải hợp tác cùng các ông chủ đội bóng tổ chức các giải đấu trong nước.

Đồng nghĩa với việc không còn BTC giải như trước đây, thay vào đó là mô hình công ty với số vốn điều lệ dự tính là 21.875.000.000 đồng, trong đó 35,5% cổ phần thuộc VFF, số còn lại chia đều cho ông chủ các đội bóng. Tại đây, mọi quyết định của VFF sẽ chịu sự giám sát của các cổ đông còn lại và chỉ có hiệu lực thi hành khi được ít nhất một nửa CLB chấp thuận. Sau khi thành lập, công ty VPF chịu trách nhiệm tổ chức và tự chủ về tài chính. Từ mùa giải 2012 các CLB không phải đóng lệ phí hàng năm và căn cứ vào kết quả hoạt động, thu chi tài chính minh bạch công khai, các CLB và VFF được chia lãi hàng năm theo tỷ lệ góp vốn.


Để trọng tài không đánh cược “nồi cơm” của chính mình

Một trong những yếu tố giúp giải đấu thành công là công tác trọng tài, giám sát trận đấu. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, trước hết cần đề cao tính minh bạch trong tiêu chí và quy trình tuyển chọn nhằm chọn ra những trọng tài vừa giỏi chuyên môn lại có tâm huyết, và có riêng chế độ thưởng phạt phân minh. Đóng góp về vấn đề này, Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết: “Cần cải thiện chế độ đãi ngộ cho trọng tài. Mức đề nghị là 30 triệu đồng/tháng và dần tới 50 triệu đồng/tháng. Thu nhập cao, chắc chắn trọng tài sẽ có động lực làm việc tốt hơn và hạn chế được tình trạng “đi đêm”. Bởi đơn giản chẳng trọng tài nào dám đánh cược “nồi cơm” (khoảng 400 triệu/mùa) để dính tiêu cực, lại còn mang tiếng không hay cho bản thân và gia đình. Trọng tài ‘sạch” thì xem như trận đấu và cả giải đấu đã thành công tới 90%”.

Gãi đúng chỗ ngứa

Ngay sau khi công bố, bản dự thảo đã nhận được sự ủng hộ của 100% đại biểu góp mặt, bởi theo họ, bản dự thảo vừa “gãi đúng chỗ ngứa” của BĐVN, lại vừa mang tính khả thi cao. Về phần mình, thay mặt VFF, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đánh giá cao bản đề án và ủng hộ “cả hai tay”. “Việc phát triển BĐVN không chỉ tôi mà rất nhiều lãnh đạo VFF đã trăn trở từ lâu, song phải đến hôm nay mới có thể thở phào khi được đọc bản đề án của anh Nguyễn Đức Kiên. Tôi hoàn toàn ủng hộ thành lập Công ty VPF và sẽ đưa mô hình này ra xem xét, thông qua tại đại hội thường niên, dự kiến diễn ra từ 25 đến 28-10 tới.

Bên cạnh đó, VFF sẽ thống nhất với các chủ đội bóng khẩn trương bầu Tổ công tác để thống nhất các điều khoản, quy chế của bản đề án. Ngoài ra, Tổ công tác sẽ có nhiệm vụ khảo sát mô hình tổ chức giải đấu tại các nền thể thao phát triển trong khu vực, châu lục và cả quốc tế, qua đó sửa đổi và bổ sung sao cho phù hợp với tình hình BĐVN hiện tại”, ông Hỷ nói. Cũng theo người đứng đầu VFF, sẽ cố gắng phối hợp với các CLB để mau chóng cho ra đời VPF mùa giải tới. Trong trường hợp không kịp, buộc phải bầu trưởng giải và cách tổ chức, điều hành giải cơ bản như năm trước nhưng chỉ là tạm thời, bởi mô hình hoạt động theo VPF mới mang tính bền vững.

Động thái trên cho thấy thái độ cầu thị sâu sắc từ phía VFF. Bên cạnh đó, điều đáng ghi nhận khác là không những ủng hộ tuyệt đối mà nhiều ông chủ CLB lẫn quan chức VFF đều đóng góp ý kiến tâm huyết cho “đứa con” VPF vẫn đang còn ở kỳ thai nghén.


Mất cả núi tiền vẫn đá… láo

Chủ tịch HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức phân tích: “Cách đây chừng 5 năm, các trận đấu giữa HAGL và các đội bóng mạnh, khán giả đến xem chật kín sân. Song vài năm trở lại đây, con số này giảm một cách thảm hại. Chẳng ví đâu xa, các đội bóng Thái Lan mỗi năm đầu tư khoảng 1 triệu USD, còn ở Việt Nam con số này là gấp 5, song lượng khán giả đến với   V-League và Thái League chênh lệch ngược lại”. Trong khi đó, Chủ tịch ĐTLA Võ Quốc Thắng cho rằng, cần phải cải thiện đội ngũ trọng tài nhằm theo kịp trình độ phát triển của bóng đá nước nhà. “Ngoài việc nâng chế độ đãi ngộ, theo tôi cần có một hệ thống đào tạo bài bản cho trọng tài về cả chuyên môn lẫn đạo đức. Nhiều trọng tài rõ ràng “có vấn đề” song các anh chỉ dám kỷ luật treo còi 2,3 trận rồi đâu lại vào đấy, bảo sao trọng tài dám “đi đêm’, làm liều. Bầu Thắng bức xúc: Một đất nước với hơn 80 triệu dân, chẳng lẽ không đào tạo nổi 50 trọng tài tử tế”.

Một vấn đề khác gây bức xúc nhiều năm qua là tình trạng các cầu thủ được “thổi giá” cao ngất ngưởng, từ đó nảy sinh tâm lý ngộ nhận vào khả năng của mình và nảy sinh nhiều tiêu cực. Theo ông Nguyễn Văn Đệ (Chủ tịch CLB Thanh Hóa), nguyên nhân sâu xa đến từ chính các ông bầu. “Nhiều ông bầu đua nhau “vứt tiền qua cửa sổ” chỉ để chứng tỏ cái ngông của mình, khiến nhiều cầu thủ rơi vào ngộ nhận. Chả trách nhiều đội bóng bỏ ra cả núi tiền, có hàng đống “sao” vậy mà thành tích vẫn bi bét vì cầu thủ đá không hết mình, thậm chí đá láo để được phá hợp đồng do tiền họ cầm cả rồi, làm gì còn động lực mà cống hiến”, ông Đệ bức xúc. Cũng theo phân tích của chủ tịch đội bóng xứ Thanh, nhiều ông bầu mải mê làm ăn mà quên đi việc giáo dục đạo đức cho cầu thủ. Rồi cái gì cũng phó mặc cho HLV trưởng, dẫn đến việc chuyên môn đều phụ thuộc 100% vào HLV và thậm chí, đây là tiền đề để HLV cùng “cò” cầu thủ tự thổi giá cầu thủ, lũng đoạn thị trường chuyển nhượng. “Các anh làm vậy là tự hại mình. 28 ông bầu thì cũng có người xấu, người tốt, song tôi nghĩ, nếu cùng ngồi lại với nhau, chắc chắn mọi chuyện sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt”, ông Đệ nói.

Với sự đồng lòng quyết chí giữa VFF và các đội bóng, người hâm mộ có thể phần nào kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho BĐVN.

Điều hành giải bằng mô hình công ty

Lãnh đạo VFF lạc quan qua những trao đổi cởi mở và thẳng thắn với báo chí quanh việc thành lập tổ chức điều hành V-League mới mang tên Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).
- PV: Thưa ông, theo ông thì khó khăn nhất trong việc thành lập công ty này là gì?
- Ông Lê Hùng Dũng - Phó Chủ tịch VFF: Tìm ra hướng đi mới cho bóng đá Việt Nam luôn là một gánh nặng cho VFF. Thực ra việc thành lập công ty không mới. Nhưng điều băn khoăn của VFF là không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Tiếp đó, là phải được các cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Việc đổi mới sẽ mang lại không ít khó khăn. Tôi lấy ví dụ nếu đứng trên góc độ tình cảm, chúng ta nhìn những trận đấu “có mùi”, có tiêu cực nhưng đôi khi không biết làm thế nào. Có người đề xuất lập ra Ban Đạo đức, trừ điểm mà không cần bằng chứng… nhưng đều không có đủ yếu tố pháp lý, gây tranh luận và bất đồng, mất đoàn kết lớn trong nội bộ.
- Nhưng liệu Công ty VPF có làm ảnh hưởng đến vai trò của VFF?
- Trong nhiều năm qua, chúng ta từng không biết làm sao để xử lý trước các vấn đề như tiêu cực, không có khán giả... Còn bây giờ, mọi thứ đã có phương hướng cụ thể. Việc lập ra công ty này, theo tôi sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của VFF cả. Ngược lại, nó còn giúp VFF giảm đi phần nào gánh nặng để tập trung nguồn lực về tài chính và cả nhân lực của mình cho đào tạo trẻ và các ĐTQG.
- Ông hình dung ra những khó khăn nào khi bóng đá Việt Nam lần đầu tiên áp dụng mô hình này?
- Chúng tôi đã, đang và sẽ làm việc hết sức để xác định trước mọi tình huống có thể xảy ra khi mùa giải diễn ra, những sự kiện trong sân và ngoài sân, chuyển nhượng cầu thủ… Bộ phận pháp chế của VFF có kinh nghiệm trong vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ lắng nghe ý kiến từ các CLB nhằm có những giải pháp khả dĩ nhất cho từng vấn đề.
- Trong trường hợp công ty làm ăn có lãi, thì số tiền ấy sẽ thuộc về tổ chức nào?
- Tôi nghĩ sẽ phải có thảo luận giữa VFF và công ty về vấn đề này. Tôi nghĩ VFF phải có tối thiểu 20%, bởi nếu phía công ty lấy hết thì VFF lấy đâu nguồn đầu tư cho đào tạo trẻ.
- Giám đốc điều hành Công ty VPF có phải là người của VFF, và liệu ông ta sẽ có quyền như Trưởng giải?
- Với 35,5% cổ phần thuộc về VFF thì VFF hài lòng rồi còn ông Giám đốc đó là ai không quan trọng nữa. Chủ tịch HĐQT của công ty trong tương lai sẽ quyết định vị trí Giám đốc điều hành (GĐĐH). Thậm chí không trừ khả năng có thể sẽ là người nước ngoài, nếu người đó có cách làm việc và điều hành chuyên nghiệp. Việc thuê GĐĐH giỏi chẳng phải chuyện hiếm của bóng đá thế giới. Còn về quyền hạn, tất cả sẽ có quy chế nhưng tôi cho rằng GĐĐH có quyền xử lý như Trưởng giải.