Vết trượt

ANTĐ - Những cơn mưa của tháng ông Ngâu bà Ngâu trút nước sầm sập. Tôi phóng như bay trên đường. Tự nhiên thấy trong lòng nóng như lửa đốt. Lâu rồi không về qua nhà bố mẹ, những cú điện thoại thường xuyên hơn.

Ngẫm lại thấy mình làm thế cũng không phải nhưng công việc hàng ngày, rồi gia đình con cái vẫn cứ là lý do biện minh cho việc ít lui tới tổ ấm lớn của chính mình. Bước chân vào nhà, rũ chiếc áo mưa sũng nước, tôi nghe tiếng bố mẹ nói mà thấy còn to hơn sấm nổ ngoài trời: Chị Huệ vỡ nợ, hai bác bán nhà chuyển đi rồi. Hóa ra đây là điều khiến tôi nóng ruột. 

Bác Đặng với gia đình tôi vốn không phải là anh em ruột. Bố tôi và bác làm cùng một cơ quan. Những ngày đầu đến Hà Nội, mẹ tôi không có việc làm, bác xin cho mẹ tôi làm công nhân tại một xí nghiệp nhỏ để mong gia đình tôi ổn định. Hai nhà thân nhau, rồi kết nghĩa anh em vì cả hai bác và bố mẹ tôi đều không có họ hàng thân thuộc ở đây. Là người lính trở về từ chiến trường, bác Đặng lập gia đình muộn, rồi muộn mằn mãi, hai bác mới có được chị Huệ, 8X đời đầu - chúng tôi vẫn đùa thế. Chị là niềm tự hào của bố mẹ, cao ráo, xinh xắn, học khá giỏi. Không năm nào chị không giành được giải thưởng của các kỳ thi học sinh giỏi. Bố mẹ tôi vẫn luôn lấy chị làm tấm gương bắt chúng tôi phải noi theo. Học giỏi như vậy nhưng chị không là một con mọt sách, chị sống chan hòa, cởi mở với mọi người nên chị em tôi ai cũng quý chị. Chị dạy tôi hát karaoke, dạy em tôi những điệu nhảy trẻ trung và cả sự dũng cảm khi thấy em tôi hay bị bắt nạt. Hai nhà cạnh nhau nên có gì chúng tôi cũng tâm sự, chia nhau từng quả dâu da xanh chua chát. 

Rồi cả ba chúng tôi đỗ đại học, mỗi người một nghề. Chị vào Đại học Bách khoa rồi về làm cho một cơ quan Nhà nước. Thu nhập không cao nhưng được cái ổn định. Rồi chị lấy chồng, vì chị là con một nên gia đình chị đã thuyết phục được Thắng, chồng chị ở rể. Hạnh phúc viên mãn hơn khi anh chị có bé gái đầu lòng.

Cũng như bao thanh niên khác ở lứa tuổi chị, bạn bè cũ tìm nhau, offline diễn ra thường xuyên hơn. Chị Huệ thuộc diện khá giả so với những người đồng trang, nên chẳng buổi nào vắng mặt. Cuộc gặp gỡ với nhóm bạn lần thứ 3 thì xuất hiện Minh Hùng, mối tình đầu thơ ngây của chị. Kỷ niệm cũ ùa về, ngày ấy mẹ Minh Hùng cũng rất quý chị, nhưng rồi chỉ một chút hờn giận trẻ con đã khiến chị và anh xa nhau. Giờ ngoảnh lại, cũng đã gần 10 năm, ai cũng yên bề gia thất. Họ mừng cho nhau và hỏi thăm nhau về cuộc sống. Minh Hùng thông tin anh đang tham gia sàn vàng cùng mẹ, rủ chị tham gia cùng. Nhìn Minh Hùng sang trọng với nhà cao cửa rộng, xe hơi đời mới, chị tin người bạn cũ đã thành công. Và chị cũng tin với khả năng của mình, sẽ thành công như vậy.

Chị về bàn với chồng tham gia sàn vàng. Thời điểm đó, đầu tư qua sàn vàng đang rất có lãi. Chị mừng vì số vốn ít ỏi mà chị tích cóp được đã lên thêm được một chút, chị sẽ có cơ hội mua sắm thêm vật dụng trong nhà, xa hơn nữa có thể cho con đi du học nước ngoài, bố mẹ có cuộc sống tốt hơn khi về già. Rồi từ những khoản đầu tư nhỏ ban đầu, chị động viên bố mẹ tham gia. Chồng chị cũng ủng hộ chị trong phi vụ làm ăn lớn này. Mọi việc dường như đang thuận chèo mát mái thì sàn vàng có dấu hiệu đi xuống. Cũng như chứng khoán, nó khiến con người ta giàu lên nhanh chóng thì cũng khiến người ta thất bại nhanh chóng. Khi bố mẹ tôi biết chuyện, gia đình chị đã cầm cố nhà, vay ngân hàng 350 triệu đồng để lao theo sàn vàng.

Bi kịch xảy ra. Anh Thắng chồng chị Huệ sau khi khuyên vợ bỏ sàn vàng không thành đã sinh ra quẫn chí, anh lao vào cờ bạc, rượu chè, lô đề và cũng bắt đầu vay nợ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của mình. Những tối vắng nhà của anh Thắng thường xuyên hơn vì cứ về đến nhà là nghe bố mẹ vợ ca cẩm con rể bất tài để con gái vất vả, ngoài giờ hành chính còn phải lăn lộn ở sàn vàng đến 12h đêm mới được nghỉ. Nghe nhiều anh chán, hơn một lần anh bàn với chị Huệ ra ngoài thuê nhà ở riêng nhưng chị không đồng ý. Áp lực đè lên anh nhiều hơn đồng nghĩa với những đêm say của anh nhiều hơn. Kết cục là vợ chồng anh chị  đành dứt áo ra đi với lời hứa sẽ trả nợ cho bố mẹ. Sau đó, hai bác quyết định bán nhà, rời xa gia đình tôi ra một vùng ngoại ô Hà Nội, mua một căn nhà nhỏ hơn. Khoản chênh lệch dành một phần để trả nợ và để dưỡng già. 

Tạnh mưa, không khí dường như thoáng đãng hơn. Tôi chào bố mẹ ra về, hít một hơi dài. Cuộc sống của tôi cũng không đơn giản, cũng còn lắm khó khăn, nhưng bài học của chị Huệ đã khiến tôi tâm niệm: Hãy bằng lòng với những gì mình có.