"Vết nhơ online" bủa vây cộng đồng

ANTD.VN - Đọc sách “Thiện, ác và smartphone”, rất nhiều người sẽ giật mình và bừng tỉnh. Bởi chỉ với công cụ đơn giản là một chiếc điện thoại di động, chúng ta có thể đã hoặc đang lao vào một “cơn bão” nhấn chìm ai đó trên mạng Internet bằng những lời phán xét, buộc tội thậm chí nhục mạ vô căn cứ. 

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

Tàn nhẫn giải khuây mang hình dạng nút “share”

Độc giả đã từng biết đến Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang với những bài bình luận sắc sảo, đầy tính học thuật qua cuốn sách “Bức xúc không làm ta vô can” hẳn sẽ khó  bỏ qua “Thiện, ác và     smartphone”. Cuốn sách không dừng lại ở một tập tiểu luận mà nó đã bước sang một thể nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề không mới, ai cũng biết, nhưng chưa có ai đề cập một cách thẳng thắn, đó là: “Mạng xã hội và Internet đang được sử dụng như một phương tiện để người ta tấn công và làm nhục người khác”.

Đọc 3 chương đầu của cuốn sách, độc giả không khỏi rùng mình khi tác giả đề cập đến gốc tích của sự căm ghét, tức giận và sự làm nhục người khác. Hóa ra những cuộc làm nhục công cộng từ ta sang Tây đã có lịch sử hàng nghìn năm, từ bôi nhựa, dính lông, cạo đầu bôi vôi cho đến bắt đeo gông diễu phố cho đến đóng dấu lên mặt… 

“Mạng xã hội và Internet đang được sử dụng như một phương tiện để người ta tấn công và làm nhục người khác”

Ngày nay, những tưởng xã hội đã tiến lên văn minh, những tưởng con người đã thôi không trừng phạt người khác bằng những hành vi man rợ, vô nhân tính, thì “những trận đòn giữa chợ không mất đi, chúng được bổ sung bằng những trận ném đá trên mạng” và “vết xăm trên mặt được thay thế bởi vết nhơ online”. Đó là khi một nữ sinh bị bắt đeo biển: “Tôi là người ăn trộm” đứng trước cửa hiệu sách. Một người đàn ông ăn trộm gà quần áo tả tơi bị trói giật cánh khuỷu, ngồi bệt, mồm ngậm một cái chân gà - những sự trừng phạt ấy sẽ đeo đẳng họ đến suốt đời. 

 “Chủ nghĩa tự xử”, “làm nhục mua vui” hay “tàn nhẫn giải khuây”… là những thuật ngữ được tác giả sử dụng để miêu tả về một xã hội ngày càng lún sâu vào căm ghét và tự do xúc phạm con người. Nó tồn tại như một chứng bệnh mà chúng ta không hay biết. Nhưng nguy hiểm hơn, nó có thể gián tiếp hủy hoại một con người. Giữa tháng 6-2015, nữ sinh T. (15 tuổi), ở Đồng Nai, bị bạn trai tung clip sex lên mạng.

Chỉ trong hai ngày, có hàng trăm hàng nghìn lượt “like” (thích), “share” (chia sẻ). Cùng với đó là những lời thóa mạ, đay nghiến bất chấp việc bố mẹ T. khẩn thiết van xin cộng đồng mạng “hãy tha cho cháu”, đám đông hung hãn tiếp tục lao vào, truy tìm, khui ra trang Facebook của T. và bạn trai, tung ra những lời bình phẩm ác ý về cơ thể cô bé. Hai ngày sau, T. uống thuốc diệt cỏ tự tử. Câu chuyện đau lòng này cho thấy sức mạnh ghê gớm của mạng xã hội và những nhân dạng méo mó ẩn sau những bàn phím vô hình. Ở trên mạng, tàn nhẫn giải khuây nhiều khi chỉ mang hình dạng của nút “share”. 

Xã hội cần một “dự án trắc ẩn”

Trong cuốn sách này, độc giả có thể bất ngờ khi tác giả - Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang kể về câu chuyện của chính bản thân mình, khi là nạn nhân của những lời lẽ miệt thị, nhục mạ. Tất cả bắt nguồn khi một bài phỏng vấn anh với một cái tên khá khiêu khích “Phương Tây - Một giấc mơ hời hợt” (chủ yếu nói về chuyện ở Tây - ở ta) bị lan truyền trên Internet, lập tức đã gây ra một “cơn bão” trên mạng.

Rất nhiều lời bình luận nặng nề, độc địa mang tính chất thóa mạ được tung ra. Tác giả đã miêu tả trạng thái của mình khi đó như thế này: “Tôi cố gắng không thay đổi sắc mặt trước hai đứa con và tiếp tục chuyện trò với chúng, nhưng gặp khó khăn để tập trung. Tôi thấy mình như vừa bị tát nhiều cái, cả hai mắt tôi phải hơi nheo lại để nhìn cho rõ. Choáng váng, hoa mắt, sau này tôi mới biết, cũng là những cảm giác đặc trưng của mà người bị làm nhục cảm thấy”. 

Nhưng cũng rất may là tác giả không tìm cách đẩy độc giả đến bến bờ tuyệt vọng bằng những câu chuyện về cái ác, sự căm ghét và trừng phạt. Là một chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã mở ra một con đường thoát cho xã hội đang chìm lún vào sình lầy của những hình thức bạo lực vô hình bằng cách đưa ra những giải pháp cụ thể.

Không đổ lỗi cho nạn nhân, sử dụng ngôn ngữ bất bạo lực, không lăng nhục người lăng nhục… - tác giả đề cao sự điềm tĩnh và tỉnh táo trong mỗi cá nhân khi đứng trước một sự việc, để giã từ cái gọi là “văn hóa làm nhục” đang bủa vây cộng đồng. Và cao hơn, tác giả cũng khuyến khích mỗi người “kiểm điểm” mình bằng “dự án trắc ẩn”, đó là làm một cử chỉ tử tế, dừng lại một lời nói có thể gây tổn thương và hóa giải một cơn cáu giận. Khi quyết định tha thứ, hòa giải và trở thành người tốt, bạn đã góp thêm cho đời một cái cây xanh tốt để những người xung quanh có thể tìm tới tới trú ẩn. 

Hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh đẹp được truyền đi trên các trang mạng và sóng truyền hình thế giới sau trận chung kết Euro 2016 mùa hè năm ngoái: “Một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng”. Như thế, cậu bé Bồ Đào Nha đã trở thành một cái cây xanh tốt.