Vết gió và "cuộc chơi" nơi đô thị

ANTĐ - Ở phần bìa cuối cuốn “Vết gió” của nhà văn Đỗ Phấn có lời chỉ dẫn “hãy đọc chậm”. Bởi nếu đọc nhanh, người đọc dễ bị cuốn vào guồng quay khốc liệt, đầy rẫy thủ đoạn, lừa lọc của cuộc sống hối hả nơi đô thị, mà bỏ quên một thành phố với những dấu vết lịch sử  gần như đã lùi vào dĩ vãng… 

Vết gió và "cuộc chơi" nơi đô thị ảnh 1

Mổ xẻ cuộc sống thị dân

Không phải lần đầu tiên nhà văn Đỗ Phấn đi sâu vào đề tài cuộc sống thị dân. Trước đó, người đọc đã từng thấy ông bóc tách hiện thực thành phố, nơi ông đang sống với những tác phẩm như “Chảy qua bóng tối”, “Gần như là sống”, “Rụng xuống ngày hư ảo”… Ở “Vết gió”, cái hiện thực đó có phần được đẩy lên mức độ khốc liệt hơn.

Câu chuyện xoay quanh 2 nhân vật, Thúy - một chủ cửa hàng làm tóc, sắc sảo và có nhan sắc, Tuấn - mối tình của cô từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, chủ một công ty xuất nhập khẩu rượu bia khá thành đạt. Những bước ngoặt của cuộc sống đã đẩy 2 người đến những ngã rẽ khác nhau, nơi mỗi người quẩn quanh trong chuỗi mê cung của tiền bạc, danh vọng và những mối quan hệ xã hội phức tạp, rối rắm... Để rồi 10 năm sau, khi mỗi người đã nếm đủ những ai oán, thù hận, đau khổ…, một ngày họ lại tìm thấy nhau. 

Nói như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, trong “Vết gió”, người ta thấy Đỗ Phấn đã “nhập cuộc từ trong ra”. Trái ngược với những diễn biến dồn dập của câu chuyện, tác giả từ tốn “giữ nhịp”, chậm rãi, nhẩn nha lột tả, gọt giũa từng chi tiết với sự tỉnh táo, sắc sảo của mình. Bằng cách đó, tác giả không đứng ngoài mà tham dự vào đầy đủ những diễn biến của cuộc chơi đô thị, nơi những cuộc săn tìm cổ vật lén lút và bí hiểm, những thương vụ buôn bán rượu đầy bất trắc, những người nhập cư vật lộn với tham vọng làm giàu để có thể tồn tại nơi đô thị phồn hoa… Đan xen với đó là ngòi bút sắc sảo, phơi bày những mối quan hệ phức tạp, rối ren, nơi con người chìm đắm trong những cuộc phiêu lưu tình ái táo bạo, đầy hoan lạc… 

Vết gió và "cuộc chơi" nơi đô thị ảnh 2

Tiểu thuyết “Vết gió”

Nuối tiếc đô thị cổ

Có lẽ nếu chỉ theo dõi mạch chính của “Vết gió”, nhiều người dễ bi quan bởi suy nghĩ, xã hội đảo điên thế sao, con người ta vì hám lợi mà dễ dàng bán đứng, làm hại nhau đến thế sao? Nhưng ở cuốn sách này, Đỗ Phấn không tập trung phơi bày cái xấu, mà đã xử lý nút thắt ấy theo một cách rất riêng. Bỏ qua những bộn bề của đô thị, cuối một chương lại được “cài” thêm những đoạn tư liệu tản mạn về lịch sử thành phố, về thời xa xưa của Hà Nội.

Tưởng chừng như chẳng liên quan, nhưng kỳ thực “phần phụ đề” ấy lại khiến người đọc cảm thấy vô cùng thú vị bởi nó khai phá những điều mà ai cũng tưởng là rành rẽ về thành phố mà chúng ta đang sống. Từ biểu tượng trang trí nổi tiếng của khách sạn Horison (đã đổi tên thành Pullman Hà Nội), hóa ra lại là chiếc ống khói của nhà máy gạch Đại La ngày trước. Đến những phố Hàng Bè, Hàng Buồm, Cầu Gỗ sầm uất ngày nay vốn là chứng tích cho mạng lưới giao thông thủy cổ xưa rất rối rắm của Hà Nội, rồi việc Hồ Tây hôm nay hóa ra là một “báu vật để dành” của lũ trẻ Hà thành dè sẻn thăm thú mỗi năm vài lần, cái thời cách đây hơn bốn chục năm về trước… 

Đỗ Phấn cũng có những miêu tả rất thú vị về lịch sử bia hơi, với những hàng bia lấy tích kê, chỉ tuột đôi dép làm “ghế” ngồi hay những cây cột điện sắt tán đinh ri vê được bọn trẻ sử dụng như một đơn vị đo chiều dài chạy thi… Những dấu tích thân thương của đô thị xa xưa khiến độc giả cảm thấy bớt ngột ngạt, chán chường trước thực tại xã hội đang trong cơn chao đảo dữ dội vì mải chạy theo những giá trị vật chất, phù phiếm vinh hoa. 

Nhưng không vì thế mà nhà văn vơi bớt những lo âu trước hiện trạng đô thị đang méo mó cả về hình dạng lẫn cái cốt bên trong, đang bóp nghẹt và đẩy dần những giá trị xưa cũ vào dĩ vãng.

Thời của chợ búa rông dài không còn nữa. Thời của công nghệ sinh học. Thời của đất đai nhộn nhạo bán mua. Thời của bùng nổ cư dân đô thị. “Cái đông đúc của thành phố ngày một trương phình lên như một quả bóng chứa đầy khí nhẹ. Con người như những phân tử khí kích thước chỉ 0,1 nanomet luôn tìm cách thoát ra” - nhà văn chua chát bình phẩm. Và trong cái nhộm nhoạm, xô bồ của thành phố hôm nay, có lẽ không chỉ riêng Đỗ Phấn, những người dân từng sống trong không khí Hà Nội thuở trước, không khỏi xót xa khi ngoái nhìn…