Vết cắt trong lòng nước Pháp

ANTĐ - Nước Pháp giàu có và hoa lệ nhưng không phải là với tất cả. Những thống kê mới nhất cho thấy nước này đang phải đối mặt với tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt.  

Tuần hành phản đối cuộc sống đắt đỏ ở Pháp

Theo khảo sát của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế Pháp (Insee), chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm giàu và nghèo nhất vùng Ile-de-France - vùng đô thị gồm 8 tỉnh trong đó có Thủ đô Paris - đang giãn rộng. Tại đây, 10% số hộ giàu nhất có thu nhập cao hơn 7,5 lần so với 10% số hộ nghèo nhất. Khoảng cách này tăng lên so với mức chênh lệch 7,2 lần vào năm 2004 và cao hơn nhiều so với mức trung bình tại các tỉnh. Riêng tại nội đô Paris, mức chênh lệch hiện nay lên tới 11,6 lần so với 10,4 lần vào năm 2000. 

Không chỉ vùng Ile-de-France, kể từ năm 2008, số người nghèo cũng tăng mạnh ở một số vùng khác như Champagne-Ardenne, Languedoc-Roussillon, Picardie và Nord-Pas-de-Calais. Khoảng 13,3% người dân vùng Ile-de-France sống dưới mức nghèo khổ (thu nhập trung bình 964 euro/tháng), trong khi tỷ lệ này trên toàn nước Pháp là 14,1%.

Người ta có thể đổ lỗi cho tình trạng trên do sự sa sút của nền kinh tế Pháp. Thực tế trong vòng 20 năm qua, kinh tế Pháp đã bị mất khả năng cạnh tranh, nợ công vẫn ở mức rất cao, lên tới 90,2% GDP trong năm 2012. Hiện nay, số tiền mà nước Pháp dùng để thanh toán nợ còn cao hơn cả mức ngân sách dành cho giáo dục. Tháng 11 năm ngoái, Công ty đánh giá mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P đã quyết định hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Pháp từ mức AA+ xuống mức AA.

Đang ở tư thế của một cường quốc, Pháp trở thành một điểm yếu của nền kinh tế châu Âu. Ủy ban châu Âu (EC) đang yêu cầu Pháp giảm mức thâm hụt ngân sách từ trên 4% GDP như hiện nay xuống 3% GDP theo quy định của Liên minh châu Âu nhưng Paris chưa đủ sức để chấp nhận. Các số liệu thống kê được công bố cho thấy kinh tế Pháp trong quý III/2013 giảm 0,1%. Các dự báo cho tương lai đã hạ mức tăng trưởng năm 2013 của nền kinh tế Pháp xuống còn 0,1% so với 0,2% trước đó.

Hệ quả là số người thất nghiệp ở Pháp tiếp tục tăng lên. Số liệu thống kê chính thức của Bộ Lao động Pháp công bố ngày 26-12-2013 cho thấy số lượng người đăng ký tìm việc của nước này đã tăng thêm 17.800 lên 3,29 triệu người trong tháng 11-2013. Như vậy là trái với cam kết của Tổng thống F. Hollande, khủng hoảng thất nghiệp kéo dài nhiều năm của Pháp vẫn chưa được ngăn chặn.

Nếu tình trạng trên không sớm được cải thiện, nước Pháp có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn xã hội như hồi năm 2006. Do thất nghiệp và nghèo đói, nhiều thanh niên – phần lớn là dân nghèo, thất nghiệp và có nguồn gốc nhập cư – đã đổ ra đường đập phá trong suốt 3 tuần, thể hiện sự giận dữ của họ đối với một hệ thống chính trị, khiến nước Pháp rung chuyển.

Trước mắt, để giảm bớt căng thẳng xã hội, trong thông điệp năm mới, Tổng thống Pháp F. Hollande đã đưa ra sáng kiến “thỏa ước trách nhiệm”. Ông F. Hollande tuyên bố chính phủ sẽ giảm bớt các khoản đóng góp bắt buộc đối với các doanh nghiệp, qua đó giảm chi phí lao động. Đổi lại, các doanh nghiệp phải gia tăng việc thu dụng lao động, tăng cường đối thoại xã hội để tránh gây căng thẳng trong quan hệ chủ - thợ và phân hóa xã hội. Nỗ lực này liệu có xóa mờ được “vết cắt” trong lòng xã hội Pháp?