Vedan và bài học về bảo vệ môi trường

(ANTĐ) - Thời gian đã trôi qua hơn 2 năm kể từ khi vụ việc Vedan xả thải gây ô nhiễm kéo dài và nghiêm trọng đối với dòng sông Thị Vải được các lực lượng chuyên trách phát hiện và công bố rộng rãi trong công luận.

Vedan và bài học về bảo vệ môi trường

(ANTĐ) - Thời gian đã trôi qua hơn 2 năm kể từ khi vụ việc Vedan xả thải gây ô nhiễm kéo dài và nghiêm trọng đối với dòng sông Thị Vải được các lực lượng chuyên trách phát hiện và công bố rộng rãi trong công luận.

Nước thải công nghiệp của một doanh nghiệp xả thẳng ra sông, gây ô nhiễm môi trường

Nước thải công nghiệp của một doanh nghiệp xả thẳng ra sông, gây ô nhiễm môi trường

Đến nay vụ việc Vedan đã đi đến hồi cuối với một kết thúc mà phần thắng nghiêng về lẽ phải, sự đúng đắn và pháp luật được thực thi. Vedan phải chấp nhận đền bù toàn bộ thiệt hại cùng với việc khắc phục toàn bộ những sự cố đã xảy ra, đầu tư những trang thiết bị hợp chuẩn để bảo vệ và gìn giữ môi trường. Cũng trong khoảng thời gian đó, hàng nghìn người dân ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cùng dòng sông Thị Vải “oằn mình kêu khóc” bởi mức độ ô nhiễm trầm trọng do các nhà máy và khu công nghiệp hai bên bờ gây ra, hơn chục kilomet không loài sinh vật nào có thể tồn tại.

Đến được kết quả này là một thành công lớn của cơ quan chính quyền, công luận và người dân Việt Nam để công lý được thực thi. Tuy nhiên, vụ việc cũng để lại bài học cho nhiều phía. Ông Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng một số loại hình sản xuất thải nhiều chất hữu cơ, ngành hóa chất cơ bản, cao su… cần hạn chế và nếu cần thiết cấm đầu tư trong phạm vi như một biện pháp kiểm soát cũng như hạn chế tối đa các nguồn ô nhiễm, nhất là các nguồn ô nhiễm độc từ một số ngành nghề sản xuất.

Thực tế ngày càng có nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường hoặc kinh doanh thiếu đạo đức, chạy theo lợi nhuận, sản xuất rồi xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến sức khỏe cộng đồng. Để bảo vệ môi trường sống lẫn sức khỏe cộng đồng bởi những “doanh nghiệp đen”, cả xã hội phải vào cuộc, kiên quyết lên án với những hành động đó. Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần phải siết chặt khâu cấp phép đầu tư, công tác bảo vệ môi trường, xử lý thật nghiêm doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM đúc kết: “Vấn đề môi trường ở Vedan là một bài học nhãn tiền”. Từ đó để thấy quan điểm bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng khi xem xét cấp phép các dự án đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Và cũng từ vụ Vedan cho thấy một thực tế nhãn tiền, đó là ở bất kỳ lĩnh vực nào nếu không quản lý vấn đề môi trường chặt chẽ sẽ gây ra những ô nhiễm môi trường quan trọng. Đã đến lúc các cơ quan tham mưu phải thiết lập ngay hệ thống tự động theo dõi chất lượng môi trường cho tất cả các thành phố trên cả nước. Xem xét, công khai công bố các sản phẩm của các doanh nghiệp cố ý một cách trực tiếp hay gián tiếp gây ô nhiễm môi trường nhiều lần, không khắc phục trước công luận và người dân.

Sự đồng hành của công luận lẫn người dân cả nước dựa trên hệ thống luật pháp chặt chẽ sẽ tạo nên sức mạnh mang tính cảnh báo, răn đe, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường đối với bất kỳ nhà đầu tư, sản xuất nào cố tình không thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cần thiết xây dựng danh mục các ngành nghề cấm hoặc hạn chế đầu tư. Doanh nghiệp hủy hoại môi trường sẽ bị cấm hoạt động. Từ bài học của Vedan, mỗi doanh nghiệp phải xem lại việc phát triển kinh tế phải đi kèm trách nhiệm xã hội, từng bước hoàn thiện theo hướng xanh, sạch, bảo vệ môi trường vì lợi ích cộng đồng. Có vậy, doanh nghiệp mới tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng và sản phẩm của họ mới khẳng định thương hiệu bền vững.

Tam Đỗ

Không nhân nhượng hành vi tàn phá môi trường

(ANTĐ) - An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Chiến về các vấn đề xoay quanh việc vi phạm môi trường của một số các doanh nghiệp đầu tư hiện nay.

- Ông đánh giá ra sao về việc cấm hoặc hạn chế cấp phép đầu tư cho công ty trong và ngoài nước hoạt động những ngành nghề dễ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường?

- Thực tế những năm gần đây mới nhận ra rằng do thu hút ồ ạt các dự án đầu tư, không coi trọng đến việc xử lý chất thải ở các doanh nghiệp có mức độ ô nhiễm môi trường cao nên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của cư dân. Việc cần thiết xây dựng danh mục các ngành nghề cấm hoặc hạn chế đầu tư, sản xuất đối với những ngành nghề dễ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường là biện pháp trước mắt cũng như lâu dài kiểm soát nguồn ô nhiễm.

Đã đến lúc chúng ta cần cương quyết hơn trong quy trình cấp phép hoạt động đối với doanh nghiệp. Thực tế trong thời gian qua có những nhà máy không thông qua thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn môi trường mà cũng được cấp giấy phép hoạt động. Quy trình cấp giấy phép hoạt động cần bảo đảm về các điều kiện; cần đầu tư một cách nghiêm túc các trạm quan trắc môi trường, đầu tư các công nghệ hợp lý để vừa bảo vệ được môi trường, vừa phục vụ tốt sản xuất của doanh nghiệp. Giải pháp tuyên truyền, giáo dục cũng mang tính cấp thiết để thông tin kịp thời đến doanh nghiệp thực trạng của môi trường nơi họ đang làm việc, mặt khác để cảnh báo cho họ nguy cơ ô nhiễm do chính họ tạo ra.

- Vụ kiện Vedan có phải là tiền lệ tốt để giải quyết việc các công ty gây độc hại đến môi trường?

- Vụ kiện Vedan sẽ là một bài học để cho chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, kinh nghiệm trong việc vận dụng pháp luật để giải quyết, xử lý đối với hành vi vi phạm môi trường, kinh nghiệm trong việc cấp phép, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc bảo vệ môi trường. Chúng ta phải xử lý dứt điểm, nghiêm khắc đối với Vedan để làm gương cho những doanh nghiệp khác đã và đang có những hành vi vi phạm đối với môi trường, coi thường sức khỏe, tính mạng của con người. Chúng ta đang hội nhập, việc thu hút được đầu tư nước ngoài là rất tốt. Thế nhưng không vì thế mà chúng ta buông lỏng, nhân nhượng. Đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có hành vi tàn phá môi trường, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm bằng hệ thống pháp luật văn minh, bằng các cơ quan tư pháp có năng lực, trong sạch và không có ngoại lệ.

- Trân trọng cám ơn ông!