Về vụ án mạng ở Cần Giuộc, Long An: Vợ nạn nhân chém chết trộm có được coi là phòng vệ chính đáng?

ANTD.VN -Mới đây tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã xảy ra vụ trọng án. Sau khi dùng hung khí tấn công khiến chủ nhà tử vong, kẻ trộm tiếp tục truy sát vợ nạn nhân thì bị chị này đâm chết. Liên quan đến sự việc này, nhiều người đặt câu hỏi: “Liệu người vợ của chủ nhà có bị truy cứu trách nhiệm hình sự”?

Đã trộm cắp còn sát hại chủ nhà

Nạn nhân trong vụ án mạng ở Long An là anh V.T.H (38 tuổi) có vợ là chị N.T.H (31 tuổi, trú tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc). Hung thủ gây án là Nguyễn Thành Trung, 31 tuổi ở cùng xã.

Đêm 11/3, Trung lẻn vào nhà anh H để trộm cắp tài sản. Khi bị vợ chồng anh H phát hiện truy hô, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh H tử vong tại chỗ.

Quá sợ hãi, chị H đã ôm con nhỏ một tuổi bỏ chạy. Lập tức Trung cầm hung khí đuổi theo và đâm trúng chị H. Sau đó, chị H đã nhặt được hung khí đâm kẻ trộm, đồng thời kêu gọi người dân xung quanh đến hỗ trợ. Do vết thương quá nặng, anh H và Trung đã tử vong, chị H bị thương được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên sức khỏe đã ổn định.

Địa bàn xảy ra vụ việc

 Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định hiện hành, hành vi tước đoạt quyền được sống đều phải bị xử lý nghiêm, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng.

Điều 22 BLHS 2015 sửa đổi quy định, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi này phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Theo quy định hiện hành, phòng vệ chính đáng cần có đủ các yếu tố:

Về phía nạn nhân - người đang có hành vi xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Hành vi xâm phạm này phải là hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể. 

Về phía người phòng vệ, thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.

Hành vi chống trả là cần thiết, tức là không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi đó, dù thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

Như vậy, cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là sự tấn công đang hiện hữu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể, quyền hoặc lợi ích chính đáng của công dân. Khi đã có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả trong những trường hợp có biện pháp khác để tránh được sự tấn công – Luật sư Lê Hồng Vân phân tích.

Người vợ đã phòng vệ chính đáng?

Trở lại vụ trọng án xảy ra tại huyện Cần Giuộc, Long An, theo Luật sư Lê Hồng Vân, để biết chị H có phải là tội phạm hay không cần xem xét hành vi chống trả lại tên trộm của chị có được coi là phòng vệ chính đáng?

Theo thông tin ban đầu, đối tượng Nguyễn Thành Trung đã xâm phạm chỗ ở, chuẩn bị hung khí nguy hiểm đột nhập vào nhà ở người khác vào ban đêm để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Khi bị vợ chồng anh H phát hiện, Trung đã dùng hung khí tấn công khiến anh H tử vong tại chỗ.

Nếu những thông tin trên là đúng sự thật thì hành vi sát hại anh H của Nguyễn Thành Trung có dấu hiệu cấu thành tội Giết người. Do đối tượng đã chết nên không có căn cứ xử lý.

Việc chị H sử dụng hung khí của chống trả lại đối tượng đang truy sát mình là cần thiết và tương xứng để bảo vệ tính mạng của bản thân và cháu nhỏ. Do đó, có căn cứ cho rằng, hành vi này thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng nên không cấu thành tội phạm.

“Việc đâm kẻ trộm nằm trong quá trình bắt trộm, chị H chống trả tương xứng với việc hắn ta cầm dao uy hiếp và đâm chị. Nếu chị H không đâm lại Trung thì  rất có thể người chết là chị và con của chị. Nên trong trường hợp này, hành vi của chị H có thể được coi là phòng vệ chính đáng” – Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, từ trước đến nay, tình huống pháp lý về cách ứng xử của chủ nhà khi phát hiện trộm vào nhà đã gây ra khá nhiều tranh cãi. Khi gặp một hành vi vi phạm pháp luật, mỗi cá nhân có quyền ngăn chặn hành vi đó nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của mình, song không nên có những hành vi quá đà kẻo vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.