Về những ý kiến thiển cận đầu năm mới

ANTĐ - Cũng theo thói quen và gần như thành thông tục, mỗi khi hết năm, tất cả mọi người, mọi tổ chức đều có một tổng kết, một ý hướng hoặc một kế hoạch cho năm tới. Qua cái tổng kết này, mọi người có thể nhận ra chân dung, nhận ra tầm trí thức hoặc năng lực của tác giả các bản tổng kết ấy. 

Các trang mạng có thể là ngây thơ về chính trị, vô trách nhiệm với nghĩa vụ công dân của mình cũng có những bản tổng kết năm, đánh giá sự kiện. Rất nhiều  bản tổng kết, đánh giá ấy làm cho người ta phì cười vì sự nông cạn, thiếu hiểu biết và tầm nhìn thiển cận. Có một ý kiến, liên quan đến hai văn bản quan trọng và mới có hiệu lực, buộc chúng tôi phải nhắc lại để dư luận hiểu rõ hơn vì  những phát ngôn thiếu kiến thức pháp luật.

Trên hai trang mạng Dân luận và BVN có đăng một bài của một nhân vật tự phong đấu tranh cho dân chủ bình về Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đầu năm 2014. Trong Thông điệp của mình, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, và xác định đó chính là định hướng của Đảng, Nhà nước trong những năm tới. Thông điệp nhấn mạnh: “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”. 

Không thể tranh cãi với những tuyên bố trách nhiệm đó, các trang mạng đã dùng một ví dụ để cố chứng minh rằng trên đất nước ta vào thời điểm này Nhà nước đã không đi theo định hướng đó. Đấy là ví dụ về Nghị định 208/2013/CP của Chính phủ, từ 1-2-2014 quy định người thi hành công vụ có quyền được nổ súng để phòng vệ, khống chế, bắt giữ những đối tượng có hành vi cản trở, chống đối. 

Đây là một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trấn áp tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nghị định quy định: Trong lúc làm nhiệm vụ nếu gặp phải đối tượng chống đối người thi hành công vụ, giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ mới được sử dụng biện pháp bắt giữ, cưỡng chế... Nghị định cho phép trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng vệ, khống chế bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng, yêu cầu chỉ được áp dụng trong trường hợp “cần thiết”, “cấp bách” và căn cứ “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể”. 

Rõ ràng là vậy, nhưng trong bài viết trên hai trang mạng kia tác giả lại cho rằng: Đây là văn bản cho phép lực lượng vũ trang nổ súng vào dân (!?) Cơ quan quyền lực  được tự do dùng súng đối đầu với dân (!?) ... Có một điều rất lạ, Nghị định 208/1013/CP chỉ cho phép lực lượng thi hành công vụ sử dụng súng đối với tội phạm hung hãn thì với tác giả bài viết này, tội phạm hung hãn biến thành dân, những người bị bọn tội phạm sử dụng vũ khí tấn công thì được gọi là trấn áp tự do dân chủ. 

 Có hai vấn đề cần nói rõ, mọi nền dân chủ đều là dân chủ trước pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật cho phép, chính pháp luật là công cụ điều chỉnh để đảm bảo tự do cho tất cả mọi thành viên trong xã hội. Nếu anh không tuân thủ pháp luật, chính anh đã tự tước bỏ tự do của mình, quyền dân chủ của mình. Không ủng hộ công tác trấn áp tội phạm một cách cương quyết không thể nói là đấu tranh cho dân chủ được. Hai là nhân dân không bao giờ là tội phạm hung hãn dùng vũ khí chống đối, tấn công lực lượng thi hành công vụ. Tất cả những công dân tuân thủ pháp luật không đứng trong đội ngũ tội phạm hung hãn mà tác giả bài viết gọi là “dân”. Không bao giờ, không bao giờ. 

Còn điều tiếc cuối cùng dành cho tác giả bài viết, chúng tôi rất buồn cho những chức danh, học vị đi cùng tên tuổi của người viết. Bằng bài viết, tác giả đã làm xấu những chức danh, học vị lẽ ra được kính trọng.