Về những container vô chủ

(ANTĐ) - Trong bối cảnh nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất trong nước ngày càng tăng nhanh, việc các doanh nghiệp nhập phế liệu từ nước ngoài để phục vụ cho sản xuất đã trở thành một giải pháp tình thế. Bởi vậy Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phế liệu nhưng không ít doanh nghiệp đang lợi dụng chính sách này để nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo vệ sinh môi trường, rác thải công nghiệp nguy hại vào nước ta.

Về những container vô chủ

(ANTĐ) - Trong bối cảnh nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất trong nước ngày càng tăng nhanh, việc các doanh nghiệp nhập phế liệu từ nước ngoài để phục vụ cho sản xuất đã trở thành một giải pháp tình thế. Bởi vậy Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phế liệu nhưng không ít doanh nghiệp đang lợi dụng chính sách này để nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo vệ sinh môi trường, rác thải công nghiệp nguy hại vào nước ta.

Khoảng giữa tháng 9-2009, hơn 370 tấn sắt phế liệu gỉ sét được nhập về cảng Hải Phòng, lực lượng hải quan xác định đây là mặt hàng rác thải công nghiệp. Trước đó, vào tháng 7-2009, một lượng hàng lớn chất thải nguy hại bao gồm: 16 chiếc tủ lạnh, 500 kg thanh dẫn điện và 7.300 kg cáp bọc cao su cũng được lực lượng hải quan Hải Phòng phát hiện.

Tính chung, từ năm 2008 đến nay, cảng Hải Phòng có 30 vụ các doanh nghiệp nhập khẩu: nhựa phế liệu, sắt phế liệu, linh kiện điện tử… với số lượng là 353   container hàng. Đây là mặt hàng rác thải công nghiệp vi phạm Luật bảo vệ môi trường và chất thải nguy hại được quy định kiểm soát kỹ lưỡng bởi Công ước Basel, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong quá trình vận chuyển, tái chế.

Ông Vũ Hồng Dương - Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết: “Theo thống kê của Đội Kiểm soát, từ năm 2006 đến nay có gần 50 doanh nghiệp vận chuyển 830.486 chiếc ắc quy chì phế thải; trên 2.278 container với khối lượng 39.618 tấn đã làm thủ tục thông quan tại Hải Phòng trước khi đưa sang nước thứ 3”. Ông Dương cho biết thêm: “Mới đây lại thêm 46 container thiết bị văn phòng đã qua sử dụng nhập về cảng Hải Phòng, khi kiểm tra thì đó hoàn toàn là rác thải công nghiệp”.

Mặc dù đã được kiểm soát chặt chẽ, nhưng rác thải công nghiệp vẫn liên tục được nhập về cảng Hải Phòng. Nguyên nhân chính là do lợi nhuận của mặt hàng này là khá cao, khiến các doanh nghiệp bất chấp việc vi phạm pháp luật. Theo tính toán của một cán bộ hải quan Cảng II, Hải quan Hải Phòng cho biết: “Chỉ cần nhập lậu trót lọt một container ắc quy chì đã qua sử dụng, doanh nghiệp có thể lãi cả trăm triệu đồng”.

Để nhập khẩu rác thải công nghiệp trót lọt vào nước ta, thủ đoạn thường thấy của các doanh nghiệp là khi làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa tại hải quan một đằng, hàng nhập về một nẻo, khai báo hàng hóa chung chung... Chính nhờ mánh khóe này, doanh nghiệp nhập “hàng” về đã “né” được “luồng đỏ” (tức là luồng hàng bắt buộc phải kiểm tra) trong kiểm soát hàng nhập cảng của lực lượng hải quan.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn lợi dụng vào những điểm thiếu đồng bộ, không rõ ràng trong các quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để nhập khẩu rác thải công nghiệp. Ví dụ, Quy định nhập khẩu phế liệu “đã được phân loại, làm sạch” khái niệm làm sạch trở thành điểm rất khó căn cứ khi không có định lượng cụ thể. Doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu bẩn thường đôi co với cơ quan chức năng về khái niệm “sạch” này. 

Ông Nguyễn Đức Đáng, Trưởng phòng Cảng sát môi trường - Công an thành phố Hải Phòng cho biết: “Việc kiểm soát, phát hiện mặt hàng rác thải công nghiệp đã khó nhưng việc xử lý càng gặp nhiều khó khăn vướng mắc hơn”. Nhiều trường hợp    container hàng nhập về cảng Hải Phòng sau khi bị phát hiện là rác thải công nghiệp, doanh nghiệp đã bỏ hàng bằng cách câu kết với phía nước ngoài đưa thông báo là gửi nhầm hàng, còn hãng vận tải thì căn cứ vào luật vận tải hàng hóa do chủ tàu chịu trách nhiệm, các công ty từ nước ngoài thì là những công ty “ma” nên số hàng trên trở thành hàng vô chủ.

Số rác thải công nghiệp “bỗng nhiên vô chủ” này vừa gây ô nhiễm môi trường vừa tốn kém, khó khăn trong công tác xử lý. “Có những thời điểm, Hải Phòng đứng trước nguy cơ trở thành bãi chứa rác công nghiệp từ các nước chuyển đến. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với việc nhập rác thải công nghiệp còn quá nhẹ không đủ sức răn đe, nên các doanh nghiệp vẫn cứ nhập khẩu ồ ạt” - ông Đáng nhận xét.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thuận, Bí thư thành ủy Hải Phòng cho biết: “Là cảng biển lớn nhất miền Bắc, thời gian qua, Hải Phòng đã kiên quyết đấu tranh với việc nhập khẩu rác thải công nghiệp. Thời gian tới, sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng của thành phố Hải Phòng như công an, hải quan, biên phòng phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa, để làm tốt nhiệm vụ này”.

Vì lợi nhuận, một số cá nhân và doanh nghiệp sẵn sàng bất chấp sức khỏe của cộng đồng và ô nhiễm môi trường, khi nhập rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại vào trong nước. Đó là hành vi đáng lên án và cần phải được xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó để ngăn chặn hiệu quả, tận gốc nguồn rác thải công nghiệp từ nước ngoài, các cơ quan chức năng cần phải sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam trên cơ sở phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, và quan trọng nhất là cần phải có chế tài xử lý đủ mạnh. Có như vậy Việt Nam mới tránh được nguy cơ trở thành bãi rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại của thế giới.

Bằng Kiều