“Về nguồn” thăm nơi khai sinh ra Hội Nhà báo Việt Nam

ANTĐ - Thực hiện công văn số 240/HNBVN ngày 9-3-2012 của Hội Nhà báo Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950/21-4-2012), ngày 19-4-2012, Hội Nhà báo TP Hà Nội  đã tổ chức chuyến “về nguồn”, thăm khu di tích lịch sử - nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. 

Đây là hoạt động đầy ý nghĩa đối với cán bộ, hội viên nhà báo các cơ quan báo chí Hà Nội. Ông Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội đã dẫn đầu đoàn với sự tham gia của đại diện các cơ quan báo chí Thủ đô. Nhân dịp này, Hội Nhà báo TP Hà Nội trao tặng nhà trưng bày di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam 2 bức ảnh quý.

Một số thành viên trong đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội thành kính viết: “Hôm nay 18-4-2012, đoàn Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng con nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương vĩ đại của Người”.

Ông Nguyễn Viêm Hoàng trao tặng nhà trưng bày bức ảnh Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với báo chí Hà Nội. Bà Giang Thị Kim Quy - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Thái Nguyên - đơn vị quản lý Nhà tưởng niệm tiếp nhận và cảm ơn Hội Nhà báo TP Hà Nội.

Ông Nguyễn Viêm Hoàng và các thành viên trong đoàn tham quan Nhà tưởng niệm nơi thành lập

Hội Nhà báo Việt Nam

Ông Nguyễn Viêm Hoàng và bà Giang Thị Kim Quy khẳng định giữa Hội Nhà báo TP Hà Nội

và Hội Nhà báo Thái Nguyên sẽ có thêm nhiều hợp tác thiết thực, hiệu quả.

Một số thông tin về địa danh lịch sử Điềm Mặc:
Toàn quốc kháng chiến, huyện Định Hóa trở thành an toàn khu (ATK), xã Điềm Mặc có diện tích 1727ha, thuộc trung tâm “Thủ đô kháng chiến”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc đặt Phủ Chủ tịch đầu tiên tại đồi Khau Tí (từ 20-5-1947 đến 11-10-1947). Tổng bí thư Trường Chinh và đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương  ở Phùng Hiển; Phó trưởng ban thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng ở Đồng Mụa; Hội Phụ nữ Cứu quốc ở xóm Bản Quyên. Chủ nhiệm  Tổng bộ Việt Minh ở đồi Khẩu Goại, xóm Roòng Khoa, nơi tập trung nhiều cơ quan: Ban Dân vận Trung ương, Tiểu ban nông vận (tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam ngày này), đồng chí Xuân Thủy, Thường trực Tổng bộ Việt Minh kiêm Chủ nhiệm báo Cứu quốc  cùng ban biên tập, phóng viên, nhà in báo Cứu quốc và Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam…

Vào ngày 21-4-1950, tại hội trường nhà sàn hai tầng, 8 mái, nơi hội họp, làm việc của Tổng bộ Việt Minh đã diễn ra Đại hội lần thứ nhất Hội những người viết báo Việt Nam, do đồng chí Xuân Thủy làm Hội trưởng. Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam được Bộ Văn hóa thông tin ra quyết định 74/2004/QĐ-BVHTT xếp hạng Di tích cấp Quốc gia ngày 23-8-2004. Toàn xã Điềm Mặc có 24 điểm di tích lịch sử ATK ghi dấu một thời gian khổ, hào hùng chống thực dân Pháp xâm lược.