“Vé” miễn phí vào đại học...

ANTĐ - Đây là một cảnh báo của một chuyên gia tuyển sinh ĐH lâu năm trước chính sách mới của Bộ GD-ĐT, cho phép tuyển học sinh có hộ khẩu trường trú tại các huyện nghèo trên cả nước được vào thẳng ĐH, CĐ từ năm nay. Chỉ với điều kiện thí sinh là người dân tộc thiểu số hay có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo, hiệu trưởng các trường sẽ xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học dựa trên quá trình học THPT thay vì thi tuyển. 

Đây có thể là tin mừng đối với rất nhiều học sinh thiệt thòi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề được các chuyên gia đặt ra ở đây là bên cạnh mặt tốt thì lại có khả năng nảy sinh hành vi lợi dụng đã từng xuất hiện với quy định dạng này trước đây. Bộ GD-ĐT đã phải rút kinh nghiệm từ thực tế của việc tuyển thẳng học sinh giỏi sau vài năm thực hiện đã khiến số lượng học sinh giỏi bùng phát không kiểm soát được. Vậy với bài học này,  khả năng vài năm nữa liệu các huyện nghèo lại có hiện tượng “tăng đột biến” dân số khi mà nhiều học sinh khu vực lân cận sẽ chuyển khẩu về các vùng được hưởng chính sách tuyển thẳng? 

Một vấn đề nữa được đặt ra là trước đây, để tuyển những thí sinh được ưu tiên xét tuyển thuộc đối tượng khu vực 0 thì các tỉnh phải lập hội đồng tuyển chọn để bình xét theo các tiêu chí cụ thể và kết quả một năm chỉ có khoảng 2.000 sinh viên được tuyển theo chính sách này. Tuy nhiên, với quy định hiện hành con số này sẽ lớn hơn nhiều lần vì với 62 huyện nghèo trên toàn quốc thì ước tính sẽ có tới hàng chục nghìn học sinh lớp 12 có thể được tuyển thẳng vào ĐH. Vấn đề là dù được học “miễn phí” nhưng liệu các em có đủ trình độ hay khả năng tài chính để theo học hay không trong khi bài toán phân luồng đang không có lối ra vì nhu cầu học nghề thì ít, đại học thì nhiều.

Ngoài ra, với việc mở rộng đối tượng được tuyển thẳng ĐH này thì các nhà hoạch định cũng chưa đưa ra được định hướng sử dụng nguồn nhân lực này như thế nào ở các huyện nghèo cũng như đưa ra những ràng buộc thế nào để những sinh viên được ưu tiên vào đại học này có thể quay về phục vụ lại chính nơi khó khăn đã tạo điều kiện cho mình học tập.