Về miền A Sáng để chạm vào vùng trời bình yên

ANTD.VN - Sau 3 năm thăng hoa và sống cùng nhân vật của mình, những bông sen của mình, những vùng đồi cố hương nơi gắn bó tuổi thơ, họa sĩ Hoàng A Sáng đã “trình làng” triển lãm “Miền A Sáng 2”. Cái miền anh đưa người xem về ấy là vùng trời của bình yên, thanh thản và an nhiên giữa cuộc đời vốn mệt mỏi, xô bồ với lắm thứ lo toan... 

Tính thiền trong tranh Hoàng A Sáng

Được vẽ là một ân huệ

Hoàng A Sáng là người dân tộc Tày, một người con của miền sơn cước Trùng Khánh, Cao Bằng. Để ghi nhớ và lưu lại quê quán của mình, anh đã quyết định đặt tên loạt triển lãm cá nhân là “Miền A Sáng”, nhằm gợi nhắc về những dãy núi nhấp nhô với màu xanh trùng điệp, nơi gia đình anh bao đời gắn bó. Bên cạnh đó, “Miền A Sáng” còn gợi người xem tới các tác phẩm mang tính thiền định với cảm giác nhẹ nhõm, thanh bình. Người xem sẽ tiếp nhận các bức tranh ấy bằng trái tim, lấy lại cảm giác cân bằng. 

Hoàng A Sáng cho biết, để tìm ra phong cách sáng tác như hiện nay, anh đã từng rơi vào trạng thái trầm cảm, stress nặng với những áp lực của công việc, cuộc sống. Anh đã tìm đến thiền như một cách cứu cánh và không ngờ, những tháng ngày luyện tập và tìm lại cân bằng đã mang đến anh những ý tưởng và quan niệm về nghệ thuật. Theo Hoàng A Sáng, nghệ thuật là để mang lại sức mạnh về tinh thần cho con người. Khi họ tìm đến những bức tranh là để tìm về với phần tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn. 

“Cái miền ấy - “Miền A Sáng 2” hoàn toàn mới mẻ nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về cái tên Hoàng A Sáng. Cho dù trong sen, trong phong cảnh và trong cái gọi là tĩnh vật vẫn luôn luôn chứa đựng sự chuyển động mãnh liệt của cảm xúc, ý tưởng, màu sắc chủ đạo là màu nóng thì tinh thần thiền vẫn trùm phủ cả 3 vùng này. Bởi những bố cục, những đường nét, những màu sắc của Hoàng A Sáng luôn hướng tới một vẻ đẹp thuần khiết và sự thánh thiện. Và từ đó, tinh thần của thiền bắt đầu khởi sinh và lan tỏa”. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Do vậy, họa sĩ đã theo đuổi loạt tác phẩm có chất thiền dựa trên những ký ức về miền sơn cước Trùng Khánh với những cây cổ thụ nghiêng ngả trong gió, nhà sàn đơn sơ trong một chiều hoàng hôn và đặc biệt là các nhân vật của anh luôn khiêm nhường cúi đầu im lặng trong sự viên mãn của hạnh phúc. Với anh, việc được vẽ mỗi ngày là một ân huệ, sự may mắn của cuộc sống ban tặng. Mỗi lần bước vào xưởng vẽ, ngửi mùi sơn quen thuộc, được tĩnh lặng một mình trong thế giới sắc màu là một lần anh chạm vào hạnh phúc. 

“Tôi tự gọi đó là “chạm vào hạnh phúc” của riêng mình. Lúc này, vẽ không đơn thuần là công việc hoặc đam mê… Mà thật sự tôi cảm thấy mình rơi vào trạng thái vô cùng tinh khiết. Sự tinh khiết này thật khó để nói thành lời, chỉ có thể sống trong nó, cảm nhận nó, vui sướng thực sự với nó”, họa sĩ Hoàng A Sáng tâm sự. 

Tinh thần của thiền khởi sinh và lan tỏa

Từ “Miền A Sáng 1” đi tới “Miền A Sáng 2” đối với Hoàng A Sáng là một thách thức không hề nhỏ. Đoạn đường ấy có thể trở thành bất động, có thể dẫn người họa sĩ vào vô định và có thể làm biến mất Hoàng A Sáng. Nhưng anh đã đi tới được miền ấy trọn vẹn và ngập tràn một tinh thần mới.

Sau 3 năm làm việc, họa sĩ Hoàng A Sáng đã ra mắt triển lãm “Về miền A Sáng 2”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Cái miền ấy - “Miền A Sáng 2” hoàn toàn mới mẻ nhưng quyền sở hữu vẫn thuộc về cái tên Hoàng A Sáng. Cho dù trong sen, trong phong cảnh và trong cái gọi là tĩnh vật vẫn luôn luôn chứa đựng sự chuyển động mãnh liệt của cảm xúc, ý tưởng, màu sắc chủ đạo là màu nóng thì tinh thần thiền vẫn trùm phủ cả 3 vùng này. Bởi những bố cục, những đường nét, những màu sắc của Hoàng A Sáng luôn hướng tới một vẻ đẹp thuần khiết và sự thánh thiện. Và từ đó, tinh thần của thiền bắt đầu khởi sinh và lan tỏa”. 

Họa sĩ Hoàng A Sáng

Trong triển lãm lần này, anh đã cố gắng loại bỏ những phần mà bản thân anh tự nhận ra là thừa và cố gắng thêm vào những phần còn thiếu. Anh hy vọng, mỗi ngày tranh của anh và chính bản thân anh sẽ hướng tới cái đẹp tinh khiết nhất. Hoàng A Sáng tâm sự, sau nhiều năm anh nhận ra rằng, khi vẽ tranh, nhiều lớp màu được trồng phủ lên nhau, có lúc bị gạch xóa, thậm chí bỏ đi, rồi vẽ lại, rồi lại xóa đi... cứ như thế diễn ra không biết bao nhiêu lần, việc này tựa như chính bản thân họa sĩ tự sửa mình. Đây là một công việc lâu dài, cần mẫn, chăm chỉ, nghiêm túc như chính hơi thở của mình. Nếu kiên nhẫn được như vậy, bản thân họa sĩ và bức tranh sẽ mỗi ngày đều đẹp thêm.

Là họa sĩ, ai cũng muốn vẽ được bức tranh đẹp, nhưng có một sự thật rằng, bức tranh đẹp đó vẫn ở phía trước và mãi mãi ở phía trước. Chính vì điều đó mà anh và các họa sĩ được vẽ, được tìm kiếm, tu sửa bản thân mình và những bức tranh của mình. Trong quá trình đó, nhiều lần, chính anh được chạm vào hạnh phúc.