Về Làng Văn hóa xem hội Gầu Tào, Nhảy lửa

ANTĐ - Tiếp nối chuỗi ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, hôm qua 21-2, nhiều lễ hội truyền thống tiếp tục được tái hiện tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Các lễ hội đã mang đến nơi đây không khí tưng bừng và tràn đầy hứng khởi về một năm mới với nhiều mong ước về cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Múa khèn quanh khu vực dựng Nêu

Rộn ràng cùng điệu múa khèn

Dân tộc Tày mang tới ngày hội Nghi lễ Then độc đáo cùng thông điệp nâng cao ý thức gìn giữ điệu Then cổ. Người La Ha cũng mang đến những nét đón xuân độc đáo của dân tộc mình qua lễ hội Pang A Nựu Ban - Dâng hoa măng truyền thống. Đến với Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Đồng Mô, Sơn Tây, du khách còn được hòa mình vào không khí vui vẻ với phần tái hiện một lễ cưới của người Dao. Mỗi dịp Tết đến xuân về Người Dao thường tổ chức lễ cưới cho những đôi trai gái với mong ước hạnh phúc, sinh sôi và cầu chúc cho một năm lao động sản xuất tốt lành.

Đặc biệt, du khách còn được hòa mình vào nhiều lễ hội độc đáo như Lễ mừng năm mới của dân tộc Lào. Du khách cùng chủ nhà cùng múa hát, thưởng thức những chén rượu nồng ấm tình cảm của người dân tộc Lào. Chủ nhân người Lào té nước, buộc chỉ cổ tay du khách để cầu chúc cho mọi người một năm mới an lành và hạnh phúc. Đặc biệt, thu hút nhất và cũng là điểm nhấn trong các hoạt động lễ hội là Lễ hội Gầu Tào của người H’Mông và Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Nội dung chính của Lễ hội Gầu Tào là cầu phúc, cầu mệnh, mong cho một năm mới may mắn, an lành. Lễ hội thường được tổ chức vào khoảng từ mùng 1 đến 15 tháng Giêng hàng năm. Anh Hạ Mi De, người dân tộc H’Mông cho biết, Lễ hội Gầu Tào được bắt đầu bằng lễ dựng cây nêu truyền thống. Cây nêu thể hiện mong ước xua đuổi tà ma đón năm mới. Khi điệu múa khèn quanh khu vực cây nêu vừa kết thúc, gia chủ làm lễ cúng mời tổ tiên, các thần phù hộ cho sự sinh sôi, đầm ấm, hạnh phúc, mọi thành viên đều khỏe mạnh, bình an kế tục việc làm ăn, lao động sản xuất theo dòng họ. Kết thúc phần lễ, cô gái H’Mông mời mọi người tham gia những trò chơi dân gian như leo dây, đánh cầu...

Sau khi được “nhập” các thanh niên liên tục bật nhảy bằng cả hai chân, lao vào đống lửa đang rực cháy

Hào hứng nhảy múa trên đống lửa

Trên khoảnh đất trống, trong khu nhà của người Ê Đê, Lễ hội nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn được tái hiện trong sự cổ vũ của hàng trăm du khách. Xúng xính trong váy áo sặc sỡ, bên đống lửa vừa được đốt, các cô gái Pà Thẻn hát lời mê đắm,  kể về những việc đã qua và cầu chúc cho những điều an lành cho một năm mới. Giữa lúc thầy cúng làm phép chờ bắt đầu Lễ hội Nhảy lửa, người Pà Thẻn tổ chức Lễ hội “Kéo chày” với sự tham gia của nhiều thanh niên trai tráng các dân tộc tại đây. Chị B’hờ Phương người dân tộc Pà Thẻn cho biết, sau những ngày thu hoạch xong vụ lúa mùa, bà con dân tộc Pà Thẻn tổ chức Lễ hội Kéo chày. Người Pà Thẻn ở xã Tân Bắc (huyện Quang Bình, Hà Giang) bắt đầu Lễ hội Kéo chày với một người thầy cầm chịch giỏi võ, khỏe và phải luyện tập rất công phu, đồng thời phải biết niệm thần chú để cho chiếc chày được nâng lên khỏi mặt đất. Nhiều thanh niên tham gia tìm mọi cách để kéo chày xuống nhưng không thể.

Theo một số vị cao niên có mặt tại làng, đây vừa là một lễ hội nhưng cũng là một trò chơi, bất cứ ai cũng có thể tham gia và tự trải nghiệm. Lễ hội Kéo chày vừa kết thúc, đống lửa cũng đã cháy hết, để lại đống than hồng rực. Những thanh niên Pà Thẻn được tham gia nhảy lửa lần lượt ngồi lên chiếc ghế dài của vị thầy cúng. Bỗng, người họ rung bần bật, và bắt đầu nhảy lên từng chập. Họ cúi gập người và bật lên bằng cả hai chân, từng người, từng người một lao vào đống than hồng, bốc các thanh than nóng bỏng và ném ra các phía. Những thanh niên trong tiếng gõ nhịp nhanh dần của vị thầy cúng cứ thế mà nhảy múa trên đống lửa cho tới khi than tàn hẳn. Điều kỳ lạ là không có ai bị bỏng hay chấn thương sau khi tham gia lễ hội. Nhiều người cho rằng, chính sức mạnh huyền bí của thần linh được vị thầy cúng nhập vào các thanh niên đã che chở giúp họ không bị bỏng.