Vẽ lại chân dung liệt sỹ

ANTĐ - Chiến tranh lùi xa hơn 40 năm nhưng hành trình tìm lại hài cốt liệt sỹ của biết bao gia đình vẫn chưa chấm dứt. Trên hành trình đó, chúng tôi được biết câu chuyện cảm động về việc dựng lại tấm chân dung của liệt sỹ Bùi Văn Trà - người đã hy sinh tại chiến trường miền Trung gần nửa thế kỷ nhưng gia đình ông chưa có được một bức ảnh thờ.

Họa sỹ Đỗ Mạnh Cương vẽ bức chân dung thứ hai của liệt sỹ Bùi Văn Trà

Liệt sỹ không có di ảnh

Đến thăm nhà họa sỹ Đỗ Mạnh Cương, trên căn gác nhỏ ở phố Đội Nhân, thấy ông đang cặm cụi chỉnh sửa tấm chân dung của một người đàn ông đã đứng tuổi. Bức tranh phác lại một người chiến sỹ trong trang phục hải quân với khuôn mặt hiền từ, vầng trán cao, đôi mắt sáng. Liệt sỹ ấy tên Bùi Văn Trà, sinh năm 1930 tại Đông Lĩnh, Đông Hưng, Thái Bình. Mùa xuân năm 1966, ông ngã xuống tại khu vực cầu Bùng, Diễn Châu, Nghệ An trong đợt máy bay Mỹ ném bom trên đường vận tải vũ khí vào chiến trường. Họa sỹ Đỗ Mạnh Cương chỉ vào bức tranh và bảo: “Đây là lần thứ 2, tôi vẽ ông ấy”. 

Lần giở câu chuyện, chúng tôi đã liên lạc với ông Đỗ Anh Pháo - cháu của liệt sỹ Trà và được ông kể,  cách đây hơn 10 năm, ông và những người thân trong gia đình đã đi khắp nơi để tìm hài cốt liệt sỹ Bùi Văn Trà, rồi vất vả lắm, mới tìm được phần mộ của ông bên bờ sông Bùng. Hài cốt của liệt sỹ Trà được các con và người thân trong gia đình đưa về an táng tại quê nhà, nghĩa trang liệt sĩ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Điều day dứt là gia đình không có lấy một bức ảnh nào của liệt sỹ để thờ cúng, bởi khi ông Bùi Văn Trà ngã xuống, hai người con trai của ông là Bùi Trọng Trâm và Bùi Văn Tính còn quá nhỏ. Vợ liệt sỹ Trà là bà Phạm Thị Cúc cũng đã qua đời trước khi tìm được hài cốt của ông. Vì lẽ đó mà ông Bùi Văn Hoa - em ruột liệt sỹ Bùi Văn Trà đưa ra ý tưởng, tìm người vẽ lại chân dung ông Trà. 

Dựng lại bức chân dung 

Đầu xuân 2012, ông Đỗ Anh Pháo đến tham quan hội thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hy vọng tìm được một họa sỹ để thực hiện bức chân dung. Khi đi vào góc sân giữa Văn Miếu, ông thấy các họa sỹ đang cặm cụi vẽ chân dung cho các du khách. Một trong những người ấy là họa sỹ Đỗ Mạnh Cương. Ngay khi họa sỹ vừa hoàn thành bức chân dung cho một cô gái trẻ bằng phấn màu, ông liền xin địa chỉ, khẩn khoản mời họa sỹ vẽ lại tấm hình người đã khuất. Nghe ông trình bày, họa sỹ Đỗ Mạnh Cương lập tức nhận lời. Ông Pháo đã cung cấp cho họa sĩ những bức ảnh em ruột liệt sỹ - ông Bùi Văn Hoa và cháu ruột tên Nguyễn Văn Thịnh, cùng với đó là mô tả một số đặc điểm trên khuôn mặt ông Trà. 

Quá trình thực hiện bức chân dung của liệt sỹ Bùi Văn Trà không dễ dàng. Cứ mỗi lần vẽ xong một bức, họa sỹ Đỗ Mạnh Cương đều chụp lại và gửi bức ảnh qua thư điện tử cho ông Pháo để đối chiếu. Ròng rã suốt một tháng, hai người cùng trao đổi, ông Pháo đưa ra những mô tả góp ý để hoạ sĩ Đỗ Mạnh Cương chỉnh sửa bức vẽ. Không dưới 5 lần họa sỹ phải thay đổi nét vẽ trên khuôn mặt liệt sỹ. Có lúc ông phải hủy toàn bộ bức chân dung để vẽ lại. Được sự động viên của gia đình ông Pháo, cuối cùng, họa sỹ Đỗ Mạnh Cương đã hoàn thành bức chân dung. Trong ảnh, liệt sỹ Bùi Văn Trà mặc một chiếc áo vest với khuôn mặt nghiêm trang. Họa sỹ Đỗ Mạnh Cương nói: “Nếu còn sống năm nay ông ấy đã ngoài 80, hơn tôi 10 tuổi. Tôi vẽ theo nguyện vọng của những người thân trong gia đình ông, đấy là lúc ông 35, 36 tuổi, đúng vào thời điểm ông hy sinh…”.

Nghĩa tình người lính

Nhớ lại câu chuyện kỳ lạ cách đây hơn một năm, ông Đỗ Anh Pháo, không khỏi xúc động. “Khi nhận được tấm chân dung, tôi đưa cho những người già cả trong họ xem. Ai nấy đều nhận xét là giống quá, giống đến 90%. Thế là từ nay, chúng tôi có di ảnh để thờ”. Ông Pháo tâm sự, khi được giao trọng trách đi tìm người vẽ lại tấm chân dung, ông không dám tin và hy vọng nhiều. Chỉ bằng một vài tấm ảnh, mô tả mơ hồ như thế, mấy ai dám nghĩ có thể vẽ lại bức tranh giống đến vậy. Người con trai cả của liệt sỹ - Bùi Trọng Trâm, bày tỏ: “Đối với chúng tôi, bức ảnh này hết sức quý giá. Nhận được nó, chúng tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài việc cảm ơn họa sỹ…”.

Sự mong mỏi thiết tha từ những người thân gia đình liệt sỹ Bùi Văn Trà cũng là động lực lớn để họa sỹ Đỗ Mạnh Cương hoàn thành bức vẽ. Đối một người hàng chục năm gắn bó với hội họa, tấm chân dung của liệt sỹ Bùi Văn Trà là một tác phẩm đặc biệt. Ngồi hàng giờ bên giá vẽ, ông bảo: “Sắp tới ngày Thương binh liệt sỹ 27-7, tôi vẽ bức này để tặng gia đình liệt sĩ Trà, để thể hiện sự biết ơn của tôi với người đã ngã xuống vì nền độc lập của đất nước…”.