Vẽ lại chân dung cuộc đời

ANTĐ - Trại giam - nơi chứng kiến những câu chuyện buồn vui, những giọt nước mắt, những lỗi lầm và cũng là nơi viết tiếp những câu chuyện đời. Và cũng từ nơi đây đã có biết bao những cuộc đời đã hồi sinh, trở lại với cuộc đời. Một trong những câu chuyện cuộc đời được viết tiếp từ trại giam đó là câu chuyện của “Vua nấm” Nguyễn Đình Thử, Chủ nhiệm HTX Nấm Hùng Sơn... 


Cái giá của sự sai lầm

“Người trồng nấm giỏi nhất Thái Nguyên” - đó là câu chuyện của bây giờ, đó là đánh giá của nhiều lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên khi nhắc tới Chủ nhiệm HTX sản xuất nấm Hùng Sơn - Nguyễn Đình Thử. Tiếp chúng tôi trong căn nhà lưu niệm bé nhỏ nhưng trang trọng và gọn gàng, người đàn ông 62 tuổi có dáng vẻ gầy guộc ấy cũng chẳng ngại gợi về quá khứ nhưng lại luôn trăn trở: “Phải làm gì cho tương lai?” Bên tách trà xanh đặc sản của quê ông, cùng làn khói thuốc miên man, ông Thử kể: “Cuộc đời tôi thăng trầm lắm! Không ngoa khi nói rằng nó ba chìm bảy nổi chín lênh đênh; nhưng vui, thật sự vui vì làm lại được cuộc đời. Cuộc đời vẫn tha thứ cho tôi, chưa triệt tôi đến đường cùng… Ngẫm lại con đường mình đã đi qua như khói chiều, vụt qua trong thoáng chốc, nếu không có ý chí vươn lên để làm lại từ lỗi lầm có lẽ tôi đã gục ngã rồi. Chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tôi may mắn hơn nhiều đồng đội khác được trở về sum họp với gia đình. Nghĩ mình còn trẻ, sung sức và tiếp tục làm việc, cống hiến được tôi phục viên và trở thành Chủ nhiệm HTX Vạn Thọ.

Nhiệm vụ ngày ấy là đảm bảo quản lý và điều hành công việc cho hiệu quả, ai cũng có cơm ăn, áo mặc và nhà ở. Chủ trương ở trên là xóa đói giảm nghèo ở một xã thuần nông suốt bao năm qua. Ngay lập tức tôi cắt cử riêng một Phó Chủ nhiệm chuyên trách các vấn đề về người nghèo. Ngày ấy mọi người thấy cách làm của tôi lạ lẫm, hỏi thì tôi chỉ đáp, người dân còn đói nghèo, không quan tâm tới họ thì khác nào đi ngược lại truyền thống nghìn đời “Lá lành đùm lá rách” của cha ông. Tôi còn nhớ như in kế hoạch đầu tiên của tôi là “ngói hóa” nông thôn với mục đích xóa sạch nhà tranh vách nứa. Làm thế nào đây khi bà con còn nghèo? Tôi thật sự đau đầu để đưa ra giải pháp, khuyến khích mọi người tự đóng gạch bằng công sức của mình. Than để đốt được mua với số lượng lớn từ một số mỏ than gần xã để phân phát cho từng nhà. Có gạch giờ cần ngói, rồi ngói từ Hương Canh cũng về tới xã, ghi nợ cho mỗi nhà. Nguyên vật liệu đủ chúng tôi đã huy động tất cả thợ xây trong xã tập trung xây dựng. Gần 2 năm sau, toàn bộ các hộ dân trong xã đã hoàn thành chương trình “ngói hóa”. Ai ai cũng phấn khởi, cuộc sống không còn cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa gió bão bùng; bà con an tâm tăng gia sản xuất”.

“Thời gian đã lùi lại phía sau xa quá rồi khiến tôi không thể nhớ hết đã có bao nhiêu đơn vị đến học hỏi mô hình của chúng tôi. Năm 1980, Bộ Nông nghiệp đánh giá HTX Vạn Thọ là mô hình điểm và tiên tiến”. Câu chuyện của ông Thử bị ngắt quãng bởi sự im lặng của chính ông. “Niềm vui ngắn chẳng tày gang?” - Chúng tôi hỏi ông - “Bây giờ kể lại tôi hay ví von vì ánh điện… vướng vòng lao lý. Đầu những năm 1990 thế kỷ trước, rất ít vùng nông thôn của tỉnh Bắc Thái (cũ) có điện. “Ngói hóa” rồi phải “điện hóa” nữa chứ, tôi nghĩ vậy. Phải đưa điện về xã, có điện mới giải phóng sức lao động cho bà con. Trở ngại lúc đó chính là nguồn vốn, đặc biệt là không có điểm đấu nối kéo điện về. Tôi tính nhẩm số tiền cần phải đầu tư cũng hoa mày chóng mặt  - 1 tỉ đồng đấy!

Bây giờ thì nó chẳng là gì nhưng thời đó, cán bộ kế toán còn loay hoay không biết viết con số 1 tỉ đồng như thế nào nữa. Tôi băn khoăn và đi lại hàng tháng trời giữa các cơ quan mà không ăn thua. Cuối cùng, tôi nghĩ ra cách vay vốn của Ngân hàng Công thương Thái Nguyên. Có vốn rồi, tôi liên doanh với Công ty Dầu Thực vật phía Bắc của Bộ Nông nghiệp. Dành toàn bộ số tiền thu mua lạc để bán lại cho công ty này chế biến. Với ý định để lấy tiền kéo điện về. Tuy nhiên, khi ánh điện về đến Vạn Thọ thì tháng 12-1990, tôi bị tạm giữ vì có hành vi sử dụng vốn sai mục đích. Sau đó, Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ tôi sai phạm vì hành vi lạm dụng tín nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo và sử dụng đồng vốn sai mục đích. Pháp luật quy định rất rõ ràng, thiếu hiểu biết nên tôi ân hận lắm. Lúc bị kết án, chỉ thương vợ con vô hạn! Cái giá mà tôi phải trả là bản án tù chung thân”.


Ngôi nhà thứ hai của cuộc đời

 “Nhận bản án chung thân, cánh cửa cuộc đời có đóng sập trước mắt ông?” - Ông Nguyễn Đỉnh Thử chia sẻ: “Tôi cùng là con người, cũng có những bi quan nhưng phải sống bằng niềm tin, nghị lực. Tôi được giảm án 2 lần, từ chung thân xuống 20 năm rồi xuống 16 năm. 16 năm cả thảy, một quãng thời gian dài đằng đẵng của đời người. Tại Trại giam Phú Sơn 4, tôi được giao phó phụ trách một đội 60 phạm nhân khác chuyên trách nhiệm vụ “làm đẹp” cho cảnh quan của trại: chăm sóc và ươm trồng cây cảnh. Thâm tâm tôi nghĩ mình mắc sai lầm thì phải sửa sai, dù đó là công việc gì, nhỏ bé ra sao. Ngày lẫn đêm, tôi miệt mài lao động và sáng tạo, mọi cố gắng đều được ghi nhận khi được các cán bộ giám thị Trại giam tin tưởng và nhiều phạm nhân quý mến.

Những năm tháng cải tạo tại đây, tôi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đầy nhân ái của các cán bộ quản giáo, điều đó đã giúp tôi sau này có được niềm tin trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người và thành công sẽ đến với những người thực sự biết vươn lên dù quá khứ đã nhúng chàm. Không nói quá về bản thân nhưng tôi tự hào về sự nỗ lực cải tạo, khiến tôi trở thành một phạm nhân “đặc biệt”. Đặc biệt ở chỗ ra tù rồi, thi thoảng tôi vẫn quay lại trại thăm các cán bộ quản giáo và các anh em ở đó. Anh em luôn coi tôi như người nhà nên mỗi lần về thăm lại Phú Sơn 4, tôi như được trở về ngôi nhà thứ 2 mình đã từng gắn bó 16 năm, trở lại những năm tháng không thể quên trong đời. Tôi cũng là một phạm nhân may mắn, trong thời gian thụ án, bà con xã Vạn Thọ kéo thành đoàn đều đặn đến thăm tôi. Dù mắc sai lầm nhưng bà con vẫn dành cho tôi sự tôn trọng nhất định khiến khát vọng trở về của tôi thêm lớn lao. Đó là niềm hạnh phúc không gì có thể mua nổi trong cuộc đời của tôi!”.

Và trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thử còn nói rằng: “Xin đừng nhìn những người có quá khứ như chúng tôi bằng ánh mắt dè bỉu, xa lánh; chúng tôi đã và đang vươn lên sống có ích, thực hiện thật tốt bài học cuộc đời mà các cán bộ quản giáo đã dạy dỗ”. Dường như để chứng minh cho những điều đó, người phạm nhân thụ án chung thân đã không chỉ cải tạo tốt trong trại giam mà trở về với cuộc sống đời thường, ông vẫn cố gắng từng ngày để mọi người xung quanh có một cái nhìn khác về những người đã từng lầm lỗi như ông.


Chuyện thành  “Vua nấm”

“Rồi cái ngày trở về cũng đã đến. Tôi được tự do! Ngày đó mô hình trồng nấm ở Hùng Sơn nở rộ nhưng lần lượt đều gặp thất bại. Ngay lập tức tôi xin chính quyền tạo điều kiện cho phép trồng nấm nhưng đi theo một hướng hoàn toàn khác. Tôi bỏ ra vài tháng đi tham quan, học tập kinh nghiệm trồng nấm tại một số tỉnh rồi rút ra kết luận làm nấm rất lãi nhưng cái khó là không bán được hàng. Tiếp xúc với những hộ dân làm nấm tôi đã tìm ra nguyên nhân thất bại của những người dân Đại Từ làm nấm trước đó không chỉ là do yếu về khoa học kỹ thuật mà yếu cả về thị trường, thương mại... Sau đó tôi họp hàng chục hộ gia đình làm nấm thất bại ở Hùng Sơn lại và hướng cách làm khác để phù hợp và có lãi. Thời điểm năm 2008, 2009, trung bình 1 ngày cơ sở sản xuất nấm của tôi sản xuất được 2, 3 tấn/ngày. Số lao động tại trang trại nấm của tôi lến tới hàng chục người với mức thu nhập vài triệu đồng/tháng. Cái biệt danh “Vua nấm” bà con đặt cho tôi cũng xuất hiện từ đấy”. Chưa hết, qua câu chuyện về nấm của ông, tôi còn “khám phá” ra tài sản là cái kho lạnh chuyên sản xuất và chế biến nấm cao cấp được xếp vào 1 trong những loại hiện đại nhất miền Bắc trong thời điểm hiện tại…

Câu chuyện giữa chúng tôi, chỉ dừng lại khi đến giờ tấp nập các đoàn xe chở nấm đến nhận hàng. Khẽ cười như để thoái lui câu chuyện mà ông nói rằng đã kể quá nhiều về bản thân: “Cuộc đời tôi là một dải thăng trầm, có cả những năm tháng tù tội nhưng không lúc nào ý chí tiêu tan và biến mất trong tôi. Tôi luôn động viên mình cố gắng và luôn tiến về phía trước, dù có lúc tôi đã vấp ngã. Tôi đã phải bắt đầu lại từ đầu để thực hiện hành trình trở về, dù muộn mằn và gian khổ. Tôi đã phải học những bài học sơ đẳng và cũng là ý nghĩa, giá trị nhất của đời người - đó là lao động”.