Vẻ đẹp cân đối trên pho tượng Bồ Tát Tara

ANTĐ - Tượng Bồ tát Tara có niên đại vào thế kỷ thứ 9 được tìm thấy tại Đồng Dương (Quảng Nam). Hiện vật gốc độc bản này đại diện cho nghệ thuật đúc đồng của nền văn hóa Chăm. 

Pho tượng được đánh giá là tượng bằng đồng lớn nhất của nghệ thuật Chăm, thể hiện hoá thân nữ của Bồ tát Avalokitesvara dưới tên gọi Tara. Bồ tát được thể hiện đứng thẳng với chiều cao 114 cm, hai tay đưa ra phía trước. Tượng khoác sarong hai lớp, từ thắt lưng dài đến mắt cá chân. Lớp trong của sarong đơn giản, có những kẻ sọc, bó sát thân mình, buông dài bằng lớp ngoài. Chiếc sarong ngoài khá đặc biệt, là một loại váy quấn nhiều vòng từ sau ra  trước, đầu mối giắt trước bụng. Nó được thể hiện như một loại vải mềm mại bởi những đường xếp tự nhiên khi vải vắt lên trên.

Ngoài nét độc đáo của chiếc váy thì nét đẹp ngoại hình của nhân vật khiến cho tác phẩm này đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình. Đó là vẻ đẹp của người phụ nữ có ngoại hình cân đối. Tượng mình trần, cổ cao có ba ngấn, đôi vai rộng càng làm nổi bật chiếc eo thon nhỏ nâng cặp vú tròn căng đầy sức sống. Khuôn mặt và đồ trang sức của tượng càng được dày công tô điểm và hội tụ tất cả những đặc điểm của phong cách Đồng Dương. Bồ tát có miệng rộng, môi dày có vành môi sắc nét, mũi cao, hai cánh mũi rộng, đôi mắt lớn hình hạnh nhân bên trong có đồng tử được khảm bằng một loại đá quý. Đầu tóc tượng Bồ tát Tara được tết làm nhiều tết tóc nhỏ búi cao trên đỉnh đầu, chia làm hai tầng. Ở trước tầng trên là hình ảnh tượng phật A di đà ngồi xếp bàn, là chi tiết để nhận biết những tác phẩm thể hiện Bồ tát. Hiện nay, tượng đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, TP Đà Nẵng.