Về chủ trương công trình phải có tối thiểu 3 tầng hầm: Không áp dụng máy móc, đồng loạt

ANTĐ - Ngày 20-5, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về chủ trương “trong thiết kế và xây dựng, phải bố trí thêm diện tích tầng hầm để xe, tối thiểu 3 tầng hầm…” của Thành ủy Hà Nội (Báo An ninh Thủ đô đã có bài phản ánh), ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội cho biết:

- Đây là chủ trương rất đúng đắn, có tầm nhìn xa của Thành ủy Hà Nội. Nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu về chỗ để xe càng tăng mạnh. Với tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số, phương tiện giao thông tại Hà Nội, nhất là ở khu vực nội thành mạnh như hiện nay, nếu không sớm thực hiện chủ trương này thì nguy cơ ùn tắc là không thể tránh khỏi, thậm chí đường phố không còn lối đi.

Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước không thể đủ vốn đầu tư nên chủ trương của thành phố là tất cả các nhà đầu tư cùng tham gia vào việc này. Xu hướng thế giới là thế và Hà Nội cũng không ngoại lệ. Cần sớm thực hiện chủ trương này để giải quyết vấn đề giao thông tĩnh vốn rất bức xúc của Thủ đô.

Hà Nội hướng tới công trình phải có 3 tầng hầm để giải quyết bài toán giao thông tĩnh

- Liên quan tới chủ trương này, Sở QH-KT Hà Nội đã ban hành Thông báo số 1823/TB-QHKT khiến dư luận băn khoăn? Liệu Sở có vội vã không, thưa ông?

- Sau khi Thành ủy ra Thông báo, nhà đầu tư vẫn tiếp tục nộp hồ sơ vào và Sở phải thụ lý theo quy định, không thể dừng được. Vì thế Sở mới ban hành Thông báo số 1823/TB-QHKT mang tính chất nội bộ, hướng dẫn bộ phận xử lý hồ sơ. Sau đó, chúng tôi cũng đã báo cáo và UBND TP đã có văn bản chỉ đạo, giao Sở QH-KT chủ trì họp liên ngành để bàn phương án cụ thể hóa chỉ đạo của Thành ủy.

Các sở sẽ họp liên ngành và Sở QH-KT sẽ tổng hợp ý kiến để sớm đề xuất thành phố. Khi nào UBND TP ban hành quy định thì mới chính thức có hiệu lực để thực hiện chủ trương của Thành ủy. 

Sở chỉ thực hiện đúng trách nhiệm của mình, có động thái để thông báo cho các chủ đầu tư biết về chủ trương chung như thế để họ có thể tự đưa ra giải pháp cho công trình, dự án của mình. 

- “Công trình” ở đây được hiểu như thế nào, thưa ông, có nhà đầu tư đang hiểu là tất cả các công trình đều phải có 3 tầng hầm?

- Các sở ngành phải họp bàn để tham mưu cho thành phố xem công trình nào sẽ áp dụng quy định này. Cần phân loại công trình, khu vực nội thành, ngoại thành và xem xét rất nhiều yếu tố khác, chứ không thể áp dụng máy móc, đồng loạt với tất cả các dạng công trình. Tóm lại, quy định cụ thể thế nào còn đang bàn chứ không có chuyện bắt buộc tất cả các công trình đều phải có tối thiểu 3 tầng hầm. 

- Trong quá trình xây dựng chính sách, nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục nộp hồ sơ vào thì xử lý ra sao, thưa ông?

- Nếu nhà đầu tư nộp hồ sơ xây dựng nhà cao tầng, chúng tôi tiếp nhận bình thường, đồng thời hướng dẫn, khuyến khích họ nên làm 3 tầng hầm. Tới nay, thành phố cũng chưa có chỉ đạo nào về việc phải dừng nhận hồ sơ.

- Chủ trương công trình có tối thiểu 3 tầng hầm được nhiều người ủng hộ nhưng thực tế là làm nhiều tầng hầm thì chi phí sẽ đội lên?

- Đúng là chi phí xây dựng sẽ tăng, do đó, thành phố chắc chắn sẽ có chính sách để các chủ đầu tư khai thác hiệu quả các tầng hầm đó, để không chỉ phục vụ nhu cầu của tòa nhà mà còn phục vụ người dân xung quanh.

Quan trọng hơn, nếu chúng ta không nhanh chóng giải quyết bài toán giao thông tĩnh thì thiệt hại về kinh tế - xã hội sẽ còn lớn hơn rất nhiều, ảnh hưởng cả tới thành phố và chính các nhà đầu tư. Thành phố đưa ra chủ trương này trên cái nhìn toàn cục, lâu dài và tôi nghĩ các nhà đầu tư nên chia sẻ gánh nặng này với thành phố, vì sự phát triển chung.

- Việc tiến tới công trình có 3 tầng hầm có tính toán tới quy hoạch công trình ngầm của thành phố hay không? Liệu có mâu thuẫn với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành không?

- Các công trình ngầm lớn trên địa bàn thành phố đều đã rõ hướng, tuyến, có quy hoạch rõ ràng nên chúng ta không phải lo. Quy định tối thiểu 3 tầng hầm cũng không xung đột gì với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Hà Nội đang rất thiếu bãi đỗ xe tĩnh trong khi phương tiện gia tăng mạnh nên không sợ thừa không gian tầng hầm. 

Khi xây dựng công trình, chủ đầu tư đương nhiên phải lo chỗ đỗ xe cho công trình ấy. Ở đây, thành phố kêu gọi doanh nghiệp xây dựng thêm tầng hầm để cộng đồng dân cư không có chỗ gửi xe xung quanh công trình được sử dụng. 

- Khi dư luận đã có những ý kiến phản biện như thế, Sở QH-KT sẽ tiếp thu như thế nào, thưa ông?

- Với những chủ trương mới, sự phản biện của dư luận xã hội là đương nhiên. Chúng tôi lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện một cách cầu thị. Thực tế, từ khi Sở ra thông báo tới nay, chúng tôi cũng chưa nhận được lời phàn nàn nào của doanh nghiệp về chủ trương này. 

Trước đây, số tầng hầm công trình do doanh nghiệp tự đề xuất. Sau khi có chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, trong số những doanh nghiệp tới Sở QH-KT nộp hồ sơ, có chủ đầu tư đã xin tăng thêm số tầng hầm của công trình sau khi nghe Sở giải thích, khuyến khích.