Vẽ bích họa trên phố Phùng Hưng: Nghệ thuật nhưng đừng quá hàn lâm

ANTD.VN - Sáng 20-10, Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Tọa đàm nghệ thuật cho dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”.
  Vẽ bích họa trên phố Phùng Hưng: Nghệ thuật nhưng đừng quá hàn lâm ảnh 1

Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” được xây dựng trên cơ sở chương trình “Đưa nghệ thuật vào không gian sống” do UN-Habitat phối hợp với Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và UBND quận Hoàn Kiếm triển khai từ năm 2015. Địa điểm triển khai là mặt vòm phía đông phố Phùng Hưng (đoạn từ ngã ba Phùng Hưng - Lê Văn Linh đến phố Hàng Cót), được UBND TP Hà Nội chính thức phê duyệt theo Thông báo số 930/TB-UBND ngày 14-8-2017.

Có bột sẽ gột nên hồ?

Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, “Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” sẽ được triển khai ngay trong tháng 10, hoàn thành vào cuối tháng 11. Trong đó, toàn bộ phố Phùng Hưng có 131 cổng vòm (4 cổng được đục ra để phục vụ giao thông), còn lại 127 cổng vòm sẽ được chia thành 2 giai đoạn để triển khai”. Cụ thể “Bích họa trên phố Phùng Hưng” nằm trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 khảo sát đục thông, đề xuất sử dụng không gian .

Quá trình sống và làm việc tại Hà Nội, ông Park Kyoung Chul, Trưởng đại diện Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc đã nhìn thấy cái “chất” của người Hà Nội đang hòa lẫn trong dòng chảy sôi động của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Bởi vậy, ông Park Kyoung Chul nhấn mạnh: “Dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng” không chỉ là một dự án nghệ thuật thông thường với mục đích trang hoàng lại diện mạo của một công trình, mà là diễn đàn cho nghệ sĩ hai nước sáng tạo, là một cơ hội để đánh thức những giá trị di sản văn hóa”.

Vẽ bích họa trên phố Phùng Hưng: Nghệ thuật nhưng đừng quá hàn lâm ảnh 2

Thay mặt các nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trí Mạnh bày tỏ: “Bức tường đá Phùng Hưng là chất liệu nghệ thuật tuyệt vời tạo cảm hứng cho chúng tôi. Các tác phẩm sẽ thể hiện được bối cảnh lịch sử và bối cảnh mỹ thuật cộng đồng”. Những nghệ sĩ tham gia đã lưu ý đến sự tương tác: tương tác giữa tác phẩm nghệ thuật với khán giả, tương tác giữa tác phẩm với bức tường phố Phùng Hưng và tương tác giữa nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ Hàn Quốc. 

Ví như, tác giả Cấn Vân Anh với đề xuất vẽ một bức tranh giả bức tường như chưa hề bị xây kín bít, với một con đường xuyên qua, và tác giả như một thanh niên hiện đại đang đối diện với những giá trị lịch sử, tác giả Xuân Lam với phương án vẽ lại bức tranh Hàng Trống…

Vẽ bích họa trên phố Phùng Hưng: Nghệ thuật nhưng đừng quá hàn lâm ảnh 3

Không nên là những bức tranh lắp ghép

“Bản thân tôi cho rằng dự án là tốt, chẳng có gì vĩnh hằng cả. Nếu việc thay đổi làm nó tốt hơn thì không tội gì không thay đổi. Nhưng nếu sự thay đổi đó lại làm mất đi cảm nhận về phố cổ, hay làm sai lạc về nó thì không nên”, PGS.TS Dương Tuấn Anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong buổi tọa đàm. Ông Dương Tuấn Anh lý giải: “Phát huy hay thay đổi phố cổ phải có quan điểm rõ ràng, nếu chọn thay đổi phải rất cẩn thận”.

Đồng quan điểm, theo KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Bảo tồn Kiến trúc cũng cho rằng nên khởi động dự án thành một công việc cụ thể. Việc trang trí phải dựa trên quan điểm về nghệ thuật không phải là bức tranh lắp ghép với nhau một cách đơn giản. Trong đó phải thêm tính liên tục của cảnh quan, ký ức, chứ không phải ý tưởng của từng cá nhân ghép lại. 

Vẽ bích họa trên phố Phùng Hưng: Nghệ thuật nhưng đừng quá hàn lâm ảnh 4

Tuy nhiên, bà Phạm Thanh Hường, đại diện Ban văn hóa của UNESCO tại Việt Nam đưa một góc nhìn khác: “Mỗi người có một phông văn hóa kỷ niệm khác nhau, một sự kết nối khác nhau với không gian đó và điều kiện sống khác nhau. Những nhân tố đó ảnh hưởng đến đánh giá của chúng ta về tác phẩm nghệ thuật”.

Theo bà Phạm Thanh Hường, sự khác nhau đó là tất yếu, đưa một không gian nghệ thuật vào cộng đồng không nên áp dụng quan điểm quá hàn lâm hoặc là mang tính hệ thống mà cố gắng tạo điều kiện mở để mọi người được tiếp cận nghệ thuật. Từ đó, cảm nhận không gian sống nghệ thuật gắn bó hơn, có kết nối hơn”.

Nhìn chung, rất nhiều trăn trở của giới chuyên môn, nhà quản lý, người dân đều xuất phát từ mong muốn hướng về vẻ đẹp của Thủ đô hôm nay và mai sau.