Về bài báo “về những điều chưa hiểu đúng về hội đồng hiến pháp” của tác giả Bùi Ngọc Sơn

ANTĐ - Thời gian gần đây, khi bàn về vấn đề có nên quy định Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hay không? Đa số người dân, cũng như các nhà nghiên cứu cho rằng, không cần thiết quy định về hội đồng này với lý do ở nước ta, cơ chế bảo vệ Hiến pháp đã được quy định đầy đủ trong Hiến pháp, pháp luật và trên thực tế, đang vận hành tốt, có hiệu quả. Quan điểm này đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.

Bên cạnh đó, cũng có một số bài viết tán đồng việc thành lập Hội đồng Hiến pháp, như bài viết của TS. Đinh Xuân Thảo, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, được đăng tải trên báo Đại biểu nhân dân, ngày 4-9-2013 với quan điểm cho rằng: “Ở nước ta, Điều 117 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định về chế định bảo hiến theo mô hình thứ hai – Hội đồng Hiến pháp theo mô hình của Pháp và một số nước trên thế giới - là hoàn toàn phù hợp”(?!). Quan điểm này của ông Thảo không nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả, vì đã áp đặt mô hình bảo hiến của một quốc gia có thể chế chính trị khác vào Việt Nam. 

Bài viết của tác giả Bùi Ngọc Sơn cũng được đăng tải trên báo Đại biểu nhân dân, ngày 29-8-2013 với quan điểm: “Trong quá trình thảo luận về đổi mới chế độ bảo hiến ở nước ta, có một số ý kiến chưa đồng tình với việc thiết lập Hội đồng Hiến pháp dựa trên những lý do mà chúng tôi cho rằng có tính chất ngộ nhận”(?!). Cũng trong bài viết này, ông Bùi Ngọc Sơn khẳng định: “Hội đồng Hiến pháp không phải là sản phẩm của tam quyền phân lập”; “Hội đồng Hiến pháp không phải là sản phẩm của chế độ đa đảng”; “Hội đồng Hiến pháp không phải không phù hợp với chính thể xã hội chủ nghĩa”. 

Chúng tôi không đồng tình với quan điểm trên của ông Bùi Ngọc Sơn, vì các nước sử dụng cơ chế bảo hiến bằng hội đồng hiến pháp hay tòa án hiến pháp đều là những nước có chế độ đa nguyên, đa đảng. Ở các nước này, hiến pháp và hệ thống chính trị được xây dựng theo các nguyên tắc đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tam quyền phân lập, cho nên phải sử dụng cơ chế bảo vệ hiến pháp bằng tòa án hiến pháp hoặc hội đồng hiến pháp... để phân xử, giải quyết các mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền với các đảng đối lập.

Cũng trong bài viết này, ông Bùi Ngọc Sơn còn dẫn chứng: “Trước đây, Tòa án Hiến pháp đã được thành lập ở ba nước xã hội chủ nghĩa là Nam Tư (năm 1963), Tiệp Khắc (năm 1968), và Ba Lan (năm 1982). Vì vậy, nếu Hội đồng Hiến pháp được thành lập trong chính thể xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, điều này cũng không xa lạ trong truyền thống hiến pháp xã hội chủ nghĩa”. 

Ông Bùi Ngọc Sơn có biết, ở thời điểm năm 1963, Nam Tư không phải là nước xã hội chủ nghĩa theo cách hiểu của ông; với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, năm 1968 chính là thời điểm diễn ra sự kiện đảo chính của các lực lượng đối lập với chính quyền cách mạng; còn năm 1982, là thời điểm tại Cộng hòa nhân dân Ba Lan,  Công đoàn Đoàn kết sau hai năm thành lập, đã trở thành một lực lượng chính trị đối lập với Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan để sau đó đã nắm quyền vào năm 1989. Những bài học lịch sử này theo chúng tôi đã cho thấy, Hội đồng Hiến pháp không phù hợp với thể chế chính trị của nước ta.