Về Bạc Liêu thăm nhà công tử ăn chơi một thời

ANTD.VN - Người ta thường truyền miệng nhau rằng, đến thành phố Bạc Liêu mà chưa đặt chân đến biệt phủ hoành tráng của công tử Trần Trinh Huy thì coi như chưa đến miền đất này. Để rồi, có đi, có đến, tận mắt thấy mới ngỡ ngàng và choáng váng về mức độ ăn - chơi của gia đình công tử nức tiếng Nam Kỳ một thời này.

Tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, thành phố Bạc Liêu, tòa nhà mang một vẻ đẹp sang trọng, đẳng cấp và quý phái phong cách Tây Âu. Tòa nhà được xây dựng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế. Với không gian khoáng đãng và kiến trúc hài hòa, cho đến nay vẫn được xem là một biểu tượng văn hóa của người dân Bạc Liêu. 

Công tử Bạc Liêu - Trần Trinh Huy (trái) là người nổi tiếng nhất trong 7 người con của ông Trần Trinh Trạch, vốn giàu có hàng đầu Nam Kỳ thời bấy giờ, với khối tài sản đồ sộ. Công tử Trần Trinh Huy còn được gọi là Ba Huy, Hội đồng Ba, Hắc công tử (do làn da ngăm đen của ông, và để phân biệt với Bạch công tử, con trai ông Đốc phủ Sảng, “cao thủ ăn chơi” ở Tiền Giang). Bà Ngô Thị Đen (phải) là một trong nhiều phu nhân, người tình của công tử Bạc Liêu.

Bức ảnh hiếm về đại gia đình công tử Bạc Liêu. Người xưa có câu “không ai giàu ba họ”. Đời cha công tử giàu có, rồi đến đời công tử, nhưng con cháu của ông lại lâm vào cảnh bần hàn. Năm 1975, sau khi ông Ba Huy mất được hơn 1 năm, anh em, con cháu trong gia đình bỏ đi tứ xứ. Một người con của công tử Bạc Liêu là ông Trần Trinh Đức lên Sài Gòn. Sau khi cô con gái lớn của ông bị lừa tình và mắc nợ, bị bệnh tâm thần phân liệt, phải bán nhà trả nợ, gia đình ông làm đủ thứ nghể để mưu sinh, trong đó có cả… chạy “xe ôm”.

Công tử Ba Huy được thừa hưởng gia sản khổng lồ từ cha mình, nên sống một cuộc sống vương giả với thái độ bất cần. Nhiều giai thoại nói rằng ông từng đốt tiền để nấu chè, luộc trứng để chứng tỏ độ ngông. Gần 1 thế kỷ đã đi qua, nhưng ngôi nhà của công tử Bạc Liêu vẫn giữ được nét đẹp lộng lẫy. Trong nhà vẫn còn nguyên nhiều hiện vật, đồ dùng được nhập từ Pháp, Italia… vào thời đó.

Chiếc giường ngủ của công tử Bạc Liêu dùng vào mùa nóng được lót 6 miếng đá cẩm thạch. Chiếc giường vào thời điểm này được định giá khoảng 7 tỷ đồng. 

Từng chi tiết, từng vật dụng trong ngôi nhà đều toát lên nét sang trọng, hào hoa và đẳng cấp. Những chiếc đèn màu vàng lung linh tỏa ánh sáng khắp các phòng luôn khiến mọi người như bước vào một cảm giác ấm áp, dễ chịu.

Một trong hai hạng mục của ngôi nhà công tử Bạc Liêu đang được sử dụng làm khách sạn. Ở đây có 5 phòng thường và 1 phòng đặc biệt, vốn là nơi ông Ba Huy từng ở trước đây. “Phòng công tử” luôn “đắt” khách, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Dù khách muốn nghỉ đêm tại đây để cảm nhận sự tiện nghi nức tiếng một thời, thường phải đặt trước cả tháng với mức giá cũng không hề rẻ.

Đây là một trong chiếc xe hạng sang được công tử Bạc Liêu dùng để đi chơi, lên Sài Gòn, ra Vũng Tàu hoặc vòng vào Đà Lạt. Chiếc xe là sản phẩm của thương hiệu Peugeot nổi tiếng, sản xuất năm 1922. Loại xe này cả miền Nam khi ấy chỉ có 2 chiếc, một chiếc của công tử Ba Huy, chiếc còn lại của Vua Bảo Đại.

Công tử Bạc Liêu từng gây chấn động cả nước khi đi thăm ruộng bằng máy bay Morane của Pháp. Lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc, của công tử Bạc Liêu và người thứ hai, vẫn là Vua Bảo Đại. Ông được coi như người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân.