Về 6 vấn đề Thủ tướng chỉ rõ ngành giáo dục cần khắc phục

ANTD.VN - Quan hệ xã hội giữa phụ huynh, học sinh, giáo viên có chiều hướng đi xuống; bức xúc nội bộ khi hàng loạt nhà giáo bị mất việc làm; công tác xét tuyển vừa được giao quyền tự chủ nhiều trường đã vơ vét thí sinh bằng những tổ hợp lạ; tiến độ chậm cải cách hành chính… là các vấn đề Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ.

Về 6 vấn đề Thủ tướng chỉ rõ ngành giáo dục cần khắc phục ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng: Bộ GD-ĐT cần sớm đưa ra các biện pháp giải quyết những vấn đề nổi cộm mà Thủ tướng yêu cầu làm rõ

Bộ GD-ĐT làm gì để chấm dứt những việc không thể chấp nhận được?

Ngày 28-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Giáo dục thời gian qua, nhất là tập trung cho xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Lãnh đạo Bộ và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều nỗ lực trong tiếp cận những xu thế mới của khu vực và thế giới để hội nhập và cải cách mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận rất quan tâm để Bộ trưởng giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thứ nhất, vấn đề tổ hợp đề trong tuyển sinh khi có tình trạng các ngành kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… lại tuyển sinh qua các môn văn, sử, địa… Đây là việc khác so với trước đây nên được xã hội quan tâm, tuy đã giao quyền tự chủ cho các trường nhưng cũng phải xem xét, cân nhắc kỹ. Thứ hai, vấn đề biên chế giáo viên. Tổ trưởng Tổ công tác nhắc tới một số vụ việc gần đây như 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung. Thứ ba, vấn đề nhức nhối của xã hội liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, “chạy” điểm, “chạy” trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.

“Bộ lên tiếng thế nào, cảnh báo thế nào, thái độ thế nào để việc này chấm dứt? Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 ở Bến Tre lên bục giảng hành hung giáo viên, xưa không có chuyện đó, mặc dù trước đây giáo viên dạy dỗ, rèn luyện học sinh rất khắt khe. Rồi các vụ việc ở trường Tiểu học Bình Chánh, giáo viên phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; rồi vụ việc bắt giáo viên đang có thai phải quỳ… Đây là những câu chuyện mà xã hội không thể chấp nhận được với một nghề cao quý là nhà giáo”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. 

Thứ tư, dư luận rất quan tâm việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư. Một vấn đề nữa được Thủ tướng rất quan tâm, sau khi Thủ tướng làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng… với quyết tâm xây dựng các trường có thương hiệu nổi trội trong khu vực và quốc tế, thì đến nay Thủ tướng chưa nhận được báo cáo về tình hình thực hiện các kết luận của Thủ tướng. 

Vấn đề cuối cùng là công tác cải cách hành chính của Bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới tích cực vừa qua nhưng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, Bộ đang triển khai nhưng chưa hiệu quả lắm so với các bộ khác.

Về 6 vấn đề Thủ tướng chỉ rõ ngành giáo dục cần khắc phục ảnh 3Đột phá trong đổi mới giáo dục để học sinh hứng khởi hơn khi đến trường

Sớm khắc phục tồn tại để xây dựng niềm tin cho xã hội

Về vụ 500 giáo viên ở Đắc Lắk, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã có chỉ đạo ngành Giáo dục địa phương cùng các cơ quan liên quan vào cuộc để đảm bảo cho giáo viên. Giải pháp lâu dài, Bộ đề nghị tỉnh quy hoạch trường lớp, thực hiện đúng chỉ tiêu biên chế.

“Bộ lên tiếng thế nào, cảnh báo thế nào, thái độ thế nào để việc này chấm dứt? Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 ở Bến Tre lên bục giảng hành hung giáo viên, xưa không có chuyện đó, mặc dù trước đây giáo viên dạy dỗ, rèn luyện học sinh rất khắt khe. Rồi các vụ việc ở trường Tiểu học Bình Chánh, giáo viên phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; rồi vụ việc bắt giáo viên đang có thai phải quỳ… Đây là những câu chuyện mà xã hội không thể chấp nhận được với một nghề cao quý là nhà giáo”.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng 

Về cải cách hành chính, theo Bộ trưởng GD-ĐT là ngành kinh doanh có điều kiện, sản phẩm kinh doanh liên quan đến con người, vì vậy việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cần được tính toán sao cho phù hợp. Bộ trưởng cho biết thêm, trên thực tế nhiều văn bản Bộ đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc dự thảo mới rồi nhưng đến thời điểm này chưa thể ban hành do vướng luật.

Năm 2018, Bộ GD-ĐT dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện, đưa số điều kiện kinh doanh đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%. Bộ GD-ĐT cũng đã đạt một số kết quả đáng nói trong việc sắp xếp lại tổ chức của Bộ thời gian qua. Cụ thể, đã giảm số đơn vị hành chính từ 23 xuống còn 21, giảm được 22 phòng trong vụ, cục và 63 vị trí lãnh đạo cấp phòng. 

Về cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục rà soát, quyết liệt hơn nữa trong việc cắt giảm các quy định, điều kiện kinh doanh rườm rà, thiếu tính định lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Về vấn đề công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cơ bản đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, có không ít ứng viên qua sàng lọc, các hội đồng thực hiện chưa nghiêm. Với 94 hồ sơ ứng viên trong diện có đơn thư phải giải quyết theo quy trình. Những ứng viên chưa đủ minh chứng tin cậy theo yêu cầu thì phải làm lại.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngày 31-3 sẽ kết thúc công việc rà soát Giáo sư, Phó Giáo sư. Hội đồng Giáo sư ngành và liên ngành làm việc với từng ứng viên để thẩm định lại. Thanh tra của Bộ cũng cung cấp kết quả rà soát, ứng viên nào đủ tiêu chuẩn thì công nhận; ứng viên nào không đủ tiêu chuẩn, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước cương quyết không công nhận. Sắp tới, sẽ ban hành chuẩn mới để giải quyết những vấn đề bức xúc. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh, GD-ĐT là ngành liên quan đến toàn xã hội, mọi người, mọi nhà và buổi làm việc này nhằm phản ánh những vấn đề thực chất mà xã hội, người dân, doanh nghiệp quan tâm. Vì vậy, sau buổi làm việc, đề nghị Bộ GD-ĐT cần xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề đang tồn tại theo hướng tốt hơn, để trong thời gian tới tạo được sự đột phá trong đổi mới giáo dục.

Tiếp thu các vấn đề được Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt theo ý kiến  của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khẳng định sẽ chỉ đạo ngành tổ chức thực hiện nghiêm túc các vấn đề đặt ra đối với giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa: Hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm nên không đủ sức răn đe

Về 6 vấn đề Thủ tướng chỉ rõ ngành giáo dục cần khắc phục ảnh 4

“Tuyệt đại đa số giáo viên có phẩm chất, tâm huyết với nghề. Nhưng, có số ít giáo viên chưa gương mẫu, còn tình trạng giáo viên đánh trẻ, số ít ép học sinh học thêm đã ảnh hưởng đến đội ngũ nhà giáo. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là do số ít giáo viên chưa chú trọng rèn luyện phẩm chất. Giáo viên có cường độ làm việc quá tải nhưng chế độ chính sách chưa đủ để họ phấn đấu. Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm nên không đủ sức răn đe. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát chuẩn giáo viên, xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học làm khung cho các trường thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất Chính phủ xem xét đến việc ưu đãi lương giáo viên. Bộ GD-ĐT kiên định ý kiến phải nâng lương cho giáo viên, chứ hiện nay giáo sinh ra trường làm việc 10-15 năm mới được 5-7 triệu đồng/tháng thì thấp quá”.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội): Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày nay dần bị thay đổi

Về 6 vấn đề Thủ tướng chỉ rõ ngành giáo dục cần khắc phục ảnh 5

“Qua những vụ việc trên có thể thấy vấn đề danh dự và an toàn của nhà giáo đang bị xâm hại đến mức báo động. Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày nay dần bị thay đổi. Hiện nay, nhà giáo chưa có cơ chế nào bảo vệ. Khâu bảo vệ giáo viên trong các trường học còn sơ hở, chưa chặt chẽ. Trong khi đó, khi sự việc xảy ra thì chính quyền và Bộ GD-ĐT không phải ứng kịp thời. Tuy nhiên, việc hành hung giáo viên cần phải đặt ra một câu hỏi ngược lại rằng: “Vì đâu mà danh dự và uy tín nhà giáo ngày càng bị coi thường và không còn được coi trọng như trước?”. Một nguyên nhân quan trọng đó là việc cư xử của giáo viên với học sinh chưa đúng mực. Đặc biệt là các vụ bạo hành trẻ xảy ra nhiều khiến tâm lý xã hội, tâm lý phụ huynh học sinh ác cảm với giáo viên, coi thường nhà giáo, khiến nhà giáo không còn được yêu quý, trân trọng. 

Đầu tiên và quan trọng nhất là các nhà giáo phải tự ý thức được danh dự và nghề nghiệp của mình. Mình hãy không làm sai để học sinh và phụ huynh họ tôn trọng. Tiếp theo đó là kiểm soát chặt chẽ an ninh,  bảo vệ tại các trường học. Bộ GD-ĐT cùng các địa phương phải có cơ chế xử lý nghiêm để bảo vệ giáo viên. Bên cạnh đó, phải làm sao để nâng cao chất lượng giáo viên, có chính sách đối với giáo viên được tốt hơn”.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục - Đào tạo): Thiếu căn cứ khoa học khi lấy Văn - Sử - Địa để xét tuyển kế toán, công nghệ

Về 6 vấn đề Thủ tướng chỉ rõ ngành giáo dục cần khắc phục ảnh 6

“Việc bổ sung nhiều tổ hợp mới trước mắt sẽ tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, nhưng liệu thí sinh trúng tuyển có học được và có phù hợp chương trình hay không là điều đáng suy nghĩ. Đưa môn Văn - Sử - Địa vào tổ hợp xét tuyển của những ngành trên là thiếu căn cứ khoa học. Nhà trường nên chọn tổ hợp xét tuyển theo hướng phù hợp chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, tránh để thí sinh nhập học rồi sau 2-3 năm lại bỏ học thì hậu quả nặng nề.

Ở Việt Nam, nhiều đại học top đầu nhận thấy sự lỗi thời của việc tuyển sinh bằng tổ hợp đã chuyển qua sử dụng bài thi đánh giá năng lực toàn diện. Tuy nhiên, với những trường phía dưới lo thiếu chỉ tiêu, họ thường tận dụng triệt để những tổ hợp lạ để “quét” hết thị phần tuyển sinh và hy vọng tuyển được nhiều sinh viên hơn. Ở đây phải xét đến động cơ tài chính của những trường này. Quan trọng rằng đây là kiểu tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Nếu cứ tiếp diễn tràn lan, không chỉ thí sinh chịu thiệt khi mắc bẫy mà bản thân các trường cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo): Nếu thấy tổ hợp tuyển sinh quá bất thường sẽ yêu cầu giải trình

Về 6 vấn đề Thủ tướng chỉ rõ ngành giáo dục cần khắc phục ảnh 7

“Thực hiện quy định tại Điều 34 của Luật Giáo dục Đại học: “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh”, Quy chế tuyển sinh đã quy định: các trường được “sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”. Như vậy, các trường được đảm bảo quyền tự chủ nhưng phải có trách nhiệm giải trình về việc các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển có gắn với yêu cầu của ngành đào tạo hay không và quy trình xác định tổ hợp tuyển sinh như thế nào? Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. 

Quy trình xác định tổ hợp cho các ngành thường do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo. Nếu trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn, “mất nhiều hơn được” vì trước hết là dư luận xã hội nghi ngờ chính sách chất lượng của trường và khối trường đang đào tạo cùng ngành sẽ đánh giá thấp những trường như thế. Thí sinh tốt sẽ không chọn trường này, dẫn đến trường chỉ chọn được những thí sinh kém, không có tinh thần thực học thực nghiệp, học chỉ để kiếm bằng...

Nếu có thí sinh chưa suy nghĩ chín chắn vào trường không phải bằng kiến thức nền tảng vững chắc thì cũng khó tiếp thu kiến thức, không hứng thú trong khi học và sau này, nếu có tốt nghiệp cũng khó xin việc làm, có xin được việc làm thì cũng khó trở thành công việc yêu thích, đam mê, để cống hiến và phát triển... Nhiều thí sinh bỏ học giữa chương trình thường rơi vào những trường hợp này, chấp nhận mất học phí, thời gian, công sức...

Quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi thấy trường tuyển sinh bằng cách “vơ bèo vạt tép”, người sử dụng lao động sẽ nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường, không muốn nhận sinh viên của trường. Và như vậy, trường lại tiếp tục không thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi... Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình “tự sát” vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay, khó có thể “vàng thau lẫn lộn”.

Chúng tôi tin rằng những trường lựa chọn cách trên không nhiều. Nhưng đã có hiện tượng như vậy, chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình. Nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên.

Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung”.