VĐV vật Lê Thị Huệ: Thân tàn về với mẹ!

ANTĐ - Huệ bị liệt tứ chi. Nhưng Huệ nghĩ mình vẫn là người may mắn hơn tuyển thủ Đỗ Xuân Tâm (xe đạp), hay Trần Thanh Ngời (Judo) - những người đã tử nạn trong khi tập luyện và thi đấu.

Đánh vật với quá khứ... 

Năm 2002, nữ đô vật Lê Thị Huệ (sinh năm 1979 tại xã Quảng Châu - huyện Quảng Xương - tỉnh Thanh Hoá) giành huy chương vàng hạng 55 kg giải Vô địch Quốc gia và từng là niềm hi vọng giật vàng ở SEA Games 22.

Thế nhưng mơ ước ấy đã lụi tàn sau buổi tập định mệnh ngày 12/5/2003, khi Huệ bị ngã dẫn đến chấn thương đốt sống cổ, dập tủy, gây liệt tứ chi...

 Suốt 8 năm qua, mẹ là người luôn bên cạnh chăm sóc chị.
Suốt 8 năm qua, mẹ là người luôn bên cạnh chăm sóc chị.

Một vài lãnh đạo ngành Thể thao đã đến thăm và hứa sẽ cho Huệ sang nước ngoài điều trị. Thế nhưng 8 năm đã trôi qua, vết thương ngày nào vẫn là vết thương đau đớn.

Mẹ Huệ xót con đã phải bán từng thửa lúa non để kịp thời có tiền chữa trị và chạy vạy bảo hiểm thương tật cho con gái.

Huệ tâm sự: “Khoảng thời gian sau khi bị tai nạn, tôi thực sự sốc. Bởi lúc đó tôi còn quá trẻ để có thể đối mặt với nỗi đau. Sự phũ phàng đến với tôi chỉ trong nháy mắt.

Nhưng tôi quan niệm “Hạnh phúc là đợi chờ”. Đến hôm nay tôi vẫn “đợi và đợi”. Tôi không đợi xin lòng thương của người khác mà tôi đợi vào kết quả của sự cố gắng tập luyện của bản thân hàng ngày, làm sao cho các cơ khoẻ lại để tôi có thể tự mình bước đi, tự mình có thể làm được những việc nhỏ, không phải nhờ đến mọi người trong gia đình”.

Huệ nén sâu giọt nước mắt: “Tôi không còn nhớ một kỉ niệm nào. Tôi không còn nhớ gì về kí ức xưa. Tàn tật rồi, tôi về với mẹ, về với quê”.

Mẹ và chị gái là những người cả ngày cận kề Huệ từ khi xảy nạn. Và họ cũng là người hơn ai hết hiểu những trăn trở, dằn vặt nội tâm của con, em mình.

Chị Lan (chị gái Huệ) chia sẻ: “Những ngày đầu, ngày nào Huệ cũng khóc vì nhớ sàn tập, nhớ đồng nghiệp, nhớ cái “nghề” mà nó đã theo đuổi, đã nỗ lực, đã đánh đổi. Những ngày sau đó, chúng tôi càng đau lòng hơn khi nó càng ngày càng khát khao được trở lại sàn đấu.

Ngày nào Huệ cũng đòi mẹ, đòi tôi dìu dậy để tập đi nhưng nó đứng còn không được cứ ngã sấp xuống hành lang. Có ngày ngã đến mấy chục lần mà nó vẫn khát khao được đứng dậy. Mỗi khi Huệ bảo: “Mẹ ơi, con muốn đi bằng bốn chân cũng được”, mẹ tôi lại khóc”.

... và chiến đấu cho hiện tại

8 năm trôi qua. Sự kiên cường của nữ VĐV Lê Thị Huệ đã khiến chiếc xe lăn phải nằm yên một chỗ. Huệ đã tự tay mình chống gậy để đi những bước đầu tiên.

“Ngày xưa mình hùng hục tập luyện, có những lúc chấn thương nhưng vẫn nhịn đau để đi thi đấu, giành huy chương. Rồi thân tàn về với mẹ, mẹ lại đỡ cho tập đi từ đầu. Lúc mẹ tập cho tôi những bước đi thuở thơ ngây, chắc chắn, mẹ chẳng bao giờ có thể nghĩ được, hơn 20 năm sau, mẹ lại phải tập cho con đi 1 lần nữa.

Ngày xưa Huệ tập luyện để thi đấu cho quốc gia, hơn 8 năm nay chị vẫn kiên trì tập luyện cho mình biết đi.

Ngày xưa Huệ tập luyện để thi đấu cho quốc gia, hơn 8 năm nay chị vẫn kiên trì tập luyện cho mình biết đi.

Tôi nhất định phải tập luyện cho các cơ khoẻ lên, không bị co lại, để tôi có thể tự bước. Tôi đã không làm chỗ dựa được cho mẹ, nhất định phải tự đi, không thể để mẹ làm chân cho mình mãi như thế này được. Mẹ già yếu rồi”.

Gặp chúng tôi, bà hàng xóm Nguyễn Thị Thanh xót xa: “Con Huệ đánh vật với bản thân đã khó, lại còn phải lo làm gì để mà sống nữa chứ”.

Chị Lan cho biết, cũng may còn có bệnh viện Bảo Long hỗ trợ điều trị vật lý trị liệu miễn phí cho Huệ trong suốt mấy năm qua chứ sau khi Huệ gặp tai nạn, có nhiều đơn vị nhận lời hỗ trợ này nọ, song lần lượt đều… mất hút.

Chị Lan buồn bã: “Hình ảnh nữ đô vật tráng kiện ngày nào giờ có chăng chỉ còn hiện hữu qua những tấm huy chương. Bây giờ nó gầy gò, ốm yếu, ngay cả những sinh hoạt cá nhân nhỏ nhất cũng phải nhờ đến mẹ già 72 tuổi”.

Gặp chúng tôi trong những ngày mùa đông rét buốt, đôi tay Huệ vẫn yếu và run rẩy trong mỗi đợt cơ gân co rút vì lạnh. Đôi chân Huệ vẫn mễm nhũn, nhõng nhẽo trước nghị lực bứt phá.

Huệ gói lại kí ức, khoe với chúng tôi: “Để mình đi thử cho các bạn xem nhé”. Rồi Huệ bước đi. Những bước không thể gọi là đi, mà là lê. Nhưng sự quả quyết, quyết tâm, cả bản lĩnh của nữ VĐV đô vật có đòn “Soi Quỳ” đánh nốc ao đối phương ngày nào vẫn hiện rõ trên khuôn mặt Huệ.

Rồi cái thời “nghĩ về tương lai rơi nước mắt, ngoảnh lại quá khứ toát mồ hôi”, sẽ qua thôi, Huệ ạ.