VCCI: Cần đánh giá rủi ro đối với ngân sách trong các dự án PPP

ANTD.VN - Cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. 

VCCI: Cần đánh giá rủi ro đối với ngân sách trong các dự án PPP ảnh 1

Dự án PPP cần được đánh giá toàn diện và thận trọng

Đánh giá rủi ro chi tiết, thận trọng

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có góp ý cho dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo VCCI, cơ chế đảo đảm của Chính phủ đối với dự án PPP quan trọng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Nếu không có các cơ chế bảo đảm đầu tư thì rất khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các dự án có mức độ rủi ro cao.

Tuy nhiên, nếu áp dụng cơ chế bảo đảm này thì Nhà nước nhận rủi ro về phía mình và nếu không có cơ chế quản lý rủi ro tốt thì có thể sẽ gây những hệ luỵ lớn cho ngân sách về dài hạn.

“Điều 79 của Dự thảo đã đưa ra một số biện pháp bảo đảm như: bảo đảm cung ứng ngoại tệ; bảo đảm doanh thu tối thiểu; bảo lãnh của bên thứ ba; bảo đảm cung cấp nguyên liệu.

Tuy nhiên, dự thảo lại chưa có các quy định để phòng ngừa và quản lý rủi ro của các biện pháp bảo đảm đầu tư này”- đại diện VCCI cho hay.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định mang tính kiểm soát rủi ro của biện pháp bảo đảm như: Khi đề xuất các biện pháp bảo đảm thì phải có báo cáo đánh giá rủi ro đối với ngân sách, trong đó lập các kịch bản rủi ro, khả năng xảy ra rủi ro và thiệt hại tối đa mà ngân sách phải chịu. Thiệt hại tối đa theo kịch bản xấu nhất được gọi là giá trị biện pháp bảo đảm;

Báo cáo đánh giá rủi ro này phải được Bộ Tài chính thẩm định, được Bộ Tư pháp cấp ý kiến pháp lý trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định;

Quy định về hạn mức bảo đảm đầu tư tối đa vào một thời điểm, theo đó, tổng giá trị biện pháp bảo đảm của tất cả các dự án không được vượt quá hạn mức này. Hạn mức này được xây dựng dựa vào khả năng chi trả của ngân sách và là một phần của kế hoạch tài chính trung hạn;

Chế độ báo cáo, kiểm tra giám sát đối với các dự án có biện pháp bảo đảm đầu tư, đặc biệt là những nội dung có ảnh hưởng đến nghĩa vụ bảo đảm đầu tư của Nhà nước.

Quy trách nhiệm rõ ràng

Bên cạnh đó, dự thảo cũng cần bổ sung nội dung cụ thể hơn về đảm bảo đầu tư trong trường hợp pháp luật có sự thay đổi, mà đây hiện là một trong những mối lo của doanh nghiệp khi hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Cũng theo VCCI, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư. Hợp đồng này ràng buộc trách nhiệm của toàn bộ Nhà nước chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cơ quan hay người đại diện ký hợp đồng, trừ khi chứng minh được có gian dối khi ký hợp đồng. Đây là nguyên tắc được thừa nhận đương nhiên trong pháp luật hợp đồng và thực tiễn xét xử các tranh chấp hợp đồng PPP.

Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, nhiều chủ đầu tư phản ánh tình trạng thiếu tôn trọng hợp đồng PPP từ các cơ quan Nhà nước. Một số cơ quan đưa ra yêu cầu với chủ đầu tư trái với nội dung hợp đồng và cho rằng hợp đồng đó do cơ quan khác ký nên không ràng buộc cơ quan mình.

“Điều này gây rất nhiều phiền toái cho các nhà đầu tư vì họ lại mất thời gian giải thích cho các cơ quan Nhà nước pháp luật hợp đồng. Nguy hại hơn, thực tế này khiến môi trường đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam rất rủi ro, khó thu hút nhà đầu tư”- VCCI nêu quan điểm.

Để tránh tình trạng này, VCCI cho rằng cần bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc rằng các cơ quan, cán bộ Nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.

Ngoài ra, hợp đồng PPP cũng cần công bố công khai thêm nhiều thông tin nữa để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện các dự án PPP được quy định tại rất nhiều văn bản pháp luật. Tuy vậy, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư còn thiếu, cụ thể là về cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia thực hiện. Trong khi đó, các quy định về chế tài xử lý vi phạm, quyết toán công trình, quyết toán hợp đồng dự án PPP… chưa rõ ràng, hiệu quả của dự án chưa cao.