VBF: Sẵn sàng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

ANTĐ - Đây là khẳng định của bà Virginia Foote – Đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 diễn ra sáng nay 5-6.

Các doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Tạo dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch hơn

Trước những sự cố xảy ra trong tháng 5 vừa qua gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, bà Virginia cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh các hành động của Chính phủ và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả một cách minh bạch, hợp lý và chuyên nghiệp”.

Với các vấn đề nhằm đảm bảo sẵn sàng cho một số hiệp định thương mại hiện đang được đàm phán bà Virginia chỉ ra rằng: “Những hiệp định này sẽ đòi hỏi các quy định pháp luật phải ở mức độ tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, một số cơ sở hạ tầng cơ bản vẫn chưa sẵn sàng, chúng ta đều lo ngại về bẫy thu nhập trung bình có thể xảy ra với Việt Nam. Những lĩnh vực gặp khó khăn rất rõ ràng, chúng tôi lo ngại tham nhũng hiện đang là một vấn đề nan giải mà các hiệp định thương mại không thể khắc phục được”.

“Nền kinh tế vẫn phụ thuộc quá nhiều vào tiền mặt, phần lớn các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt, các khoản phí và tiền phạt nộp vào ngân sách được thu bằng tiền mặt tạo điều kiện tham nhũng và trì trệ. Cần có một hệ thống để thực hiện các công việc thu phí hạ tầng, các khoản thuế, phí theo luật để từ đó các khoản tiền phải nộp và việc thanh toán được thực hiện một cách minh bạch và được đánh giá thống nhất”, bà Virginia nhấn mạnh.

Những khó khăn khác như thủ tục phức tạp, các quy định và pháp luật không được thực thi thống nhất… cũng đã được bà Virginia chỉ ra. Đồng thời bà Virginia cho rằng: “Các giải pháp để giải quyết những vấn đề này là cho phép tất cả các doanh nghiệp được cạnh tranh dựa trên năng lực của mình, bao gồm cả khả năng tiếp cận vốn, đất đai và các cơ hội khác”.

“VBF cam kết hợp tác với các đối tác để giúp giải quyết các vấn đề tồn tại và tạo dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn, minh bạch, ổn định hơn. Các hiệp định thương mại mới đem lại những cơ hội nhưng sự chuẩn bị thực sự phụ thuộc vào chúng ta để có thể phát huy tối đa các tiềm năng”, bà Virginia nhấn mạnh. 

Ông Yoshihisa Maruta – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tính tới tháng 5-2014, số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đạt mốc 1.319 doanh nghiệp. Theo khảo sát, 70% doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục coi Việt Nam là một thị trường quan trọng cũng như duy trì chiến lược mở rộng hoạt động, đây là một tỷ lệ khá cao.

“Mặc dù đánh giá cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật Bản cũng ngày càng cảm thấy không hài lòng bởi chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, thủ tục thuế rườm rà… đang cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp hiện nay là một đòi hỏi cấp bách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông Yoshihisa Maruta nhấn mạnh.
Cơ hội hạn chế phụ thuộc vào thương mại Trung Quốc
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VBF chỉ ra rằng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm nay diễn ra trong bối cảnh tương đối đặc biệt. Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng (FTA), trong đó đặc biệt là FTA với các đối tác lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cân chuẩn bị sẵn sàng để đó nhận các cơ hội cũng như vượt qua các thách thức mà các hiệp định mang lại. 

Bên cạnh đó, sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đồng thời đe dọa trực tiếp các hoạt động hàng hải, thương mại quốc tế và gây mất an ninh, phá vỡ sự ổn định tại biển Đông và trong khu vực. Hành động phi pháp này của Trung Quốc có tác động đáng kể tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

“Do vậy, trong góc độ kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc đồng thời, tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này. Thông qua việc đa dạng hóa thị trường, tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTAs có thể là một cách thức hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu này”, ông Lộc phân tích.