Vay vốn làm giàu trên vùng đất Sóc Sơn

ANTĐ - Với tổng dư nợ cho vay tính đến hết tháng 10 lên tới hơn 1.117 tỷ đồng, nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Sóc Sơn đã và đang hỗ trợ người dân vùng đồi đất khô cằn sỏi đá đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi qua đó thoát nghèo và từng bước làm giàu. 

Vay vốn làm giàu trên vùng đất Sóc Sơn ảnh 1Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội)Vay cả tỷ đồng đầu tư chăn nuôi

Thăm hệ thống chuồng trại và đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc (ở thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) khiến chúng tôi hết sức thán phục. Bởi dù nuôi tới 50 con lợn nái và 500 con lợn thịt nhưng đi khắp khu chuồng trại không có chút mùi hôi thối. Để có được khu chuồng trại khang trang với hệ thống xử lý nguồn thải bằng mô hình biogas, ông Phúc đã đầu tư vào đây số vốn không hề nhỏ. 

Nhớ lại “cơ duyên” đến với nghề nuôi lợn, ông Phúc tâm sự: “Từng làm công nhân đường sắt, sau khi nghỉ chế độ, tôi chuyển sang kinh doanh vận tải. Trong quá trình này, tôi đã được tiếp xúc cũng như nghe thông tin trên đài về mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc. Sau khi tìm hiểu kỹ, ông quyết định dốc toàn bộ vốn liếng để đầu tư”. 

“Xây chuồng trại xong nhưng thiếu tiền mua con giống, mua thức ăn, tôi đã tìm tới Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Agribank để vay 300 triệu đồng. Với số vốn này, tôi đầu tư nuôi 200 lợn thịt và 30 lợn nái. Trên cơ sở đó, đàn cũng được nhân dần lên và vốn vay ngân hàng phát triển theo. Từ mức 300 triệu đồng ban đầu, số tiền vay trong các lần tăng dần lên 500 triệu rồi đến nay là 1 tỷ đồng”, ông Phúc cho biết.

Chia sẻ về quá trình vay vốn tại Agribank ông Phúc nói: “Trong 10 năm vay vốn từ Agribank, tôi luôn được ngân hàng tạo điều kiện. Có thể nói, thủ tục vay vốn tại Agribank hết sức nhanh gọn, mọi vướng mắc đều được các cán bộ tín dụng hướng dẫn tận tình. Bản thân tôi cũng luôn giữ chữ tín với ngân hàng thông qua việc trả nợ đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu”.

Khi được hỏi về những khó khăn của người làm chăn nuôi, ông Phúc cho biết: “Cái khó của người làm chăn nuôi là không phải cứ bỏ tiền ra mua hàng về bán rồi thu lại ngay như đi buôn. Nhiều khi do dịch bệnh và nhiều yếu tố tác động khác có thể sẽ mất trắng. Hay như mấy năm trước đây, giá lợn thì thấp chỉ 28.000-32.000 đồng/kg lợn hơi trong khi giá cám cao, toàn bộ gia sản dồn cả vào đàn lợn”. 

Tới thời điểm hiện nay, những khó khăn đã tạm qua đi, với mức giá hiện tại, một con lợn thịt khi bán có thể thu lãi 700.000 đồng, bán lợn con cũng thu mức lãi tương tự. Mỗi tháng xuất lợn bán gia đình ông Phúc có thể thu 50-70 triệu đồng, đủ để trả lãi ngân hàng và chi tiêu. Nói về dự định ngắn hạn, ông Phúc cho biết đang mong muốn tiếp tục vay thêm khoảng 1,2 tỷ đồng để đầu tư mở rộng đàn. Bởi quy mô chuồng trại đã đầu tư có thể nuôi tới 120 con lợn nái nhưng hiện tại mới chỉ đạt 50 con. 

80% nguồn vốn là cho vay “tam nông”

Có quy mô nhỏ hơn so với mô hình nuôi lợn siêu nạc của ông Nguyễn Văn Phúc, mô hình chăn nuôi gia cầm từ năm 2000 của ông Nguyễn Văn Chương (thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng làm thay đổi bộ mặt kinh tế gia đình.

“Hiện gia đình tôi đang nuôi 3.500 gia cầm đẻ trứng, 500 vịt thịt và 40 con lợn. Toàn bộ số trứng sẽ được đem ấp để bán con giống. Những lúc cao điểm, 4 ngày gia đình tôi xuất 5.000 con giống các loại”, ông Chương nói. 

Ông Chương chia sẻ: “Số vốn vay ban đầu là 50 triệu đồng sau đó tăng lên 100 triệu đồng và dự định sắp tới của tôi là vay 500 triệu để đầu tư mở rộng quy mô. Từ khi vay vốn tôi chỉ lựa chọn ngân hàng Agribank, bởi đơn giản mình là người nông dân thì vay vốn của ngân hàng nông nghiệp là chuẩn nhất”. Vay vốn làm giàu trên vùng đất Sóc Sơn ảnh 2
Nguồn vốn cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tín dụng

Đánh giá về nguồn vốn cho vay dành cho bà con nông dân, bà Trịnh Thị Loan – Giám đốc Phòng giao dịch Nỷ (Chi nhánh Agribank Sóc Sơn) cho biết: “Nguồn vốn vay đã được bà con nông dân sử dụng hết sức hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong hộ gia đình và tạo nguồn thu nhập cho bà con”. 

“Tại Phòng giao dịch Nỷ, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm tới 80% tổng dư nợ. Hầu như nguồn vốn của chúng tôi cho vay là để phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, tập trung vào các khoản vay từ 50-100 triệu đồng, khoản vay lớn nhất đối với hộ gia đình hiện đạt mức 1 tỷ đồng. Thực tế hoạt động cho thấy, dư nợ cho vay theo thành phần kinh tế hộ chiếm tỷ trọng vượt trội so với cho vay doanh nghiệp”, bà Loan chia sẻ. 

Chia sẻ thêm về những thuận lợi của Agribank trong quá trình cho vay vốn, bà Trịnh Thị Loan cho biết: “Thương hiệu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được đông đảo bà con biết đến. Giữa ngân hàng và bà con nông dân cũng có mối liên hệ gắn bó, thân thiện qua đó chúng tôi có được nguồn thông tin chính xác để đưa vốn đến đúng địa chỉ”. 

Khi đến với Agribank, bà còn luôn được cán bộ tín dụng tư vấn, hướng dẫn và thỏa thuận về cách thức vay cũng như cách thức trả nợ do đó công tác thu hồi nợ được đảm bảo. “Nhờ sự tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế nên trong những năm vừa qua tỷ lệ nợ xấu tại Phòng giao dịch Nỷ cũng liên tục giảm xuống. Mức nợ xấu hiện tại chỉ còn là 2%, thấp hơn so với quy định”, bà Loan cho biết thêm.