Vay tiền trực tuyến P2P: Nhanh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì chưa có hành lang pháp lý

ANTD.VN - Chỉ cần 5 phút để hoàn tất thông tin vay, ngay lập tức hồ sơ của bạn sẽ được chuyển đến người cho vay. Nếu khoản vay được duyệt, sau khi ký hợp đồng bạn có thể nhận được tiền giải ngân thông qua tài khoản ngân hàng hoặc tại các điểm giao dịch của đối tác.

Ngồi nhà lướt di động để... vay tiền

Đây là những bước cơ bản để hoàn thành một giao dịch cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) được các nhà cung cấp giới thiệu. Nói một cách dễ hiểu, cho vay ngang hàng là hình thức kết nối người vay và cho vay, thông qua một ứng dụng trực tuyến trên điện thoại di động hoặc máy tính.

Mô hình này được các nhà cung cấp ví như Uber hay Grab trong lĩnh vực tài chính. Theo đó, những người có tiền nhàn rỗi chỉ cần tải ứng dụng, đăng ký tài khoản để trở thành nhà đầu tư. Khi có một khoản vay được phê duyệt, nhà đầu tư nhận được thông báo của ứng dụng. Nếu chấp thuận cho vay, khoản tiền sẽ được chuyển từ tài khoản của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay.

Còn với người đi vay, chỉ cần cài ứng dụng, đăng ký sau đó tải lên ảnh chụp một số giấy tờ liên quan là đã hoàn tất một yêu cầu vay tiền.

Hiện các công ty cho vay  P2P cung cấp các gói vay khá đa dạng, từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như: Vay tín chấp theo lương; vay trả góp theo ngày; vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, đăng ký xe máy, ôtô; vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ô tô đang thế chấp ngân hàng; vay mua ôtô, nhà trả góp...

Thậm chí, có ứng dụng còn cung cấp hình thức cho vay ngang hàng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như một hình thức gọi vốn đầu tư (P2P lending).

Với thủ tục nhanh gọn, tiếp cận khoản vay dễ dàng, không cần gặp mặt người cho vay, ngồi nhà cũng có thể vay được tiền nên cho vay ngang hàng đang mở ra kênh tiếp cận vốn cho những khách hàng cần những khoản vay nhỏ hay không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng...

Một mô hình cho vay ngang hàng được giới thiệu

Hình thức cho vay này đã xuất hiện cách đây hơn chục năm tại Mỹ và các nước Châu Âu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nó vẫn khá mới mẻ, mới được giới thiệu khoảng vài ba năm trở lại đây với khoảng dưới 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. 

Cần một hành lang pháp lý

Dù đem đến cơ hội tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn nhưng hình thức cho vay ngang hàng vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên các chuyên gia cho rằng sẽ dễ phát sinh rủi ro.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, rủi ro lớn nhất của mô hình cho vay ngang hàng là lãi suất cao và nếu không trả nợ đúng hạn sẽ chịu sức ép đòi nợ.

Theo vị luật sư, nếu các công ty cung ứng dịch vụ cho vay ngang hàng tổ chức huy động vốn để cho vay thì sẽ phạm luật. Bởi theo quy định Luật các tổ chức tín dụng thì chỉ có ngân hàng mới có quyền huy động vốn của dân chúng.

Điều này có nghĩa các công ty này chỉ đơn giản là môi giới, kết nối giữa người vay và người cho vay. Như vậy, khi rắc rối xảy ra các công ty này sẽ không liên quan trách nhiệm, hai bên sẽ phải tự giải quyết.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính khác cho biết bản thân cho vay ngang hàng là một hoạt động cấp tín dụng, nhưng lại không bị điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng. Do đó, quan hệ vay mượn trong trường hợp này sẽ điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự 2015.

“Chẳng hạn nếu người vay “xù nợ” thì người cho vay sẽ lãnh đủ, thậm chí phải tự đưa vụ việc ra tòa chứ không thể yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ P2P chịu trách nhiệm” – chuyên gia này cho biết.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần sớm bổ sung hành lang pháp lý, triển khai thử nghiệm để có biện pháp quản lý hoạt động cho vay ngang hàng. Được biết, Ban chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước cũng đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt là xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực Fintech, tập trung vào một số lĩnh vực, trong đó có cho vay ngang hàng…