Vật lộn với “đám sương mù” chuyển giá

ANTĐ - Hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tinh vi và phức tạp. Để ngăn chặn có hiệu quả hành vi này, chúng ta cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao năng lực cán bộ.

Tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đã làm dư luận bức xúc từ lâu. Có thể tạm coi việc công bố kết luận thanh tra thuế tại Metro Cash & Carry là lời cảnh báo đến các doanh nghiệp FDI khác.

Lời cảnh báo nghiêm khắc

Từ năm 2011, khi dư luận bức xúc về việc Coca Cola liên tục báo lỗ, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi luôn có mức tăng trưởng kỷ lục, đầu năm 2012, Thanh tra Tổng cục Thuế đã tổ chức thanh tra thuế 25 doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, cho đến nay, dư luận không biết kết quả thanh tra ra sao, Coca Cola có chuyển giá không, có vi phạm các quy định pháp luật về thuế không? Chúng ta chỉ biết được những con số báo cáo chung nhất, không chỉ ra một doanh nghiệp nào vi phạm.

Theo Tổng cục Thuế, cơ quan này đã điều chỉnh tăng doanh thu, giảm chi phí do điều chỉnh giá sản phẩm trong giao dịch liên kết được hơn 6.488 tỷ đồng; điều chỉnh giảm số lỗ phát sinh theo kê khai của DN là hơn 1.116 tỷ đồng; truy thu thuế TNDN hơn 380,6 tỷ đồng; phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 15,6 tỷ đồng. 

Vật lộn với “đám sương mù” chuyển giá ảnh 1

Sau 2 năm vật lộn với đống sổ sách phức tạp, đến nay mới có kết luận thanh tra của Tổng cục Thuế về tình trạng chuyển giá, báo lỗ để trốn thuế tại Công ty Metro Cash & Carry (tính đến hết 2013). Tổng số tiền vi phạm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này là 507 tỷ đồng, trong đó lỗ do chuyển giá bất hợp pháp là 335 tỷ đồng.

Có thể tạm coi việc công bố kết luận thanh tra thuế tại Metro Cash & Carry là lời cảnh báo đến các doanh nghiệp FDI khác.

Chuyển giá ngày càng tinh vi

Hoạt động chuyển giá nhằm trốn thuế của nhiều doanh nghiệp FDI đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp. Tuy nhiên, để phát hiện được các vi phạm này lại không hề dễ dàng. Ngoài phương cách chuyển giá phổ biến là khai khống tiền đầu tư, tiền vay để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, còn có các hình thức như chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình, vô hình giữa các bên liên kết; qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên có quan hệ liên kết... 

Tại Công ty Metro Cash & Carry, chỉ riêng việc thanh toán tiền mua thương hiệu, trong 6 năm 2006-2013, khoản tiền này lên tới 731 tỷ đồng. Trong đó 3 năm đầu, Metro không đăng ký với Bộ Thương mại theo quy định của Nghị định 35 nên khoản tiền trả cho bên Đức ở giai đoạn này không được chấp nhận là chi phí được trừ khi tính thuế. Nhờ "gửi giá" ở công ty mẹ trong các đợt thanh toán tiền bản quyền thương hiệu, Metro có khoản lỗ chênh lệch bất hợp lý là 245 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Thanh tra, thanh tra giá chuyển nhượng chỉ được thực hiện trong vòng 5 năm trở lại. Do vậy, khoản lỗ trên liên quan giai đoạn năm 2009 trở về trước, tức quá 5 năm, nên Metro chỉ phải tự điều chỉnh lại kết quả kinh doanh, tức phải giảm lỗ 245 tỷ đồng trên trong sổ sách.

 Ngoài ra, đoàn thanh tra phát hiện Metro đã trích khấu hao tài sản quá cao, trích dự phòng bất hợp lý dẫn tới khoản lỗ 90 tỷ đồng. Khoản tiền này sẽ buộc phải giảm trong kết quả hạch toán với cơ quan thuế. Thủ đoạn điển hình là các công ty mẹ nước ngoài chuyển giao công nghệ, thương hiệu cho bên liên kết tại Việt Nam và thu tiền bản quyền, nhưng thực tế, việc định giá đối với loại tài sản vô hình này không dễ.

Lợi dụng điều đó, các doanh nghiệp ngoại thường tính và thu phí bản quyền rất cao đối với bên liên kết tại Việt Nam, khiến cho chi phí đầu vào của công ty ở Việt Nam bị đẩy lên cao, kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ, Chính phủ Việt Nam bị mất quyền đánh thuế thu nhập doanh nghiệp.

 Ngoài giảm lỗ 335 tỷ đồng, Metro Cash & Carry còn phải giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng số tiền là 110 tỷ đồng là khoản tiền thu của các doanh nghiệp để hỗ trợ quảng cáo, bán hàng trong siêu thị nhưng lại không kê khai khi nộp thuế. Metro cũng bị truy thu thuế, chủ yếu là thuế nhà thầu đối với lương chuyên gia nước ngoài là 62 tỷ đồng.

Sau khi thanh tra, đoàn công tác của cơ quan thuế kiến nghị cần quy định cụ thể hơn về tỷ lệ cụ thể đối với nhượng quyền thương mại, hoặc các quy định về việc trả phí cho chuyên gia nước ngoài. Quy định thiếu rõ ràng hiện nay đang là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng, tính chi phí tùy tiện.

Cần sớm hoàn thiện cả về pháp lý lẫn năng lực cán bộ 

Để ngăn chặn có hiệu quả hành vi chuyển giá, trốn thuế, nguồn nhân lực có trình độ cao, có trách nhiệm với công việc được coi là một trong những yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, ngành thuế chưa được trao quyền điều tra nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyển giá. Các quốc gia trên thế giới kiểm soát hiệu quả hoạt động chuyển giá đều được trao quyền điều tra. Việc chưa được trao quyền điều tra là rào cản trong công tác quản lý giá chuyển nhượng của cơ quan thuế.

Không chỉ vậy, thời hạn thanh tra chuyển giá bị khống chế bởi quy định chung tại Luật Thanh tra nên thường rất ngắn. Theo thông lệ quốc tế, để hoàn thành một vụ việc thanh tra, điều tra về giá chuyển nhượng thường kéo dài từ 18 đến 24 tháng. Tại Việt Nam, thời hạn thanh tra chuyển giá được quy định chung trong Luật Thanh tra  từ 30 đến 45 ngày/vụ việc là quá ngắn. 

Trước ý kiến cho rằng, việc thanh tra, chống chuyển giá sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút vốn FDI, các chuyên gia kinh tế khẳng định, doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc sẽ không lấy việc chuyển giá làm lợi thế đầu tư. Bởi hiện tại, Việt Nam đang dành nhiều ưu đãi về thuế, đất đai... cũng như có nhiều ưu thế về nhân công để thu hút đầu tư. Các chuyên gia cũng cho rằng, để đẩy mạnh thanh tra chống chuyển giá, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như nâng cao năng lực của cán bộ thanh tra. 

TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế: Ngoài truy thu tiền thuế, cần phải phạt thêm

“Truy thu thuế đối với các doanh nghiệp chuyển giá là việc làm cần thiết nhằm chống thất thu ngân sách, đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng giữa các doanh nghiệp.

Mặt khác, việc truy thu thuế này cũng đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, hiệu lực của quản lý Nhà nước. Với năng lực thanh tra có hạn, không thể triển khai ở diện rộng thì cơ quan thuế nên bắt đầu điều tra từ những doanh nghiệp có nguy cơ trốn thuế cao nhất. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp hoàn tất việc chuyển nhượng, sẽ rất khó khăn trong vấn đề truy thu thuế do vướng nhiều thủ tục liên quan. 

Đối với các doanh nghiệp chuyển giá như Metro, ngoài việc truy thu tiền thuế, cần tính tới việc phạt thêm. Vụ việc này cho thấy, việc thanh tra, chống chuyển giá cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa”.
Thái Nguyên (Ghi)