Quảng Bình:

Vật báu ngàn đời của người dân Uyên Phong

ANTĐ - Trong khi nhiều khu rừng đang dần bị bọn "lâm tặc" tàn phá bởi sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cấp, ngành chức năng, thì tại địa bàn xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình một khu rừng còn giữ nét nguyên sơ và mô hình giữ rừng của người dân nơi đây tự tổ chức đã phát huy tính hiệu quả.

Chưa đến 30 phút đi bộ từ trung tâm xã Châu Hoá, huyện Tuyên Hoá chúng tôi đã có mặt tại khu vực  rừng cấm Khe Trổ, thuộc địa bàn thôn Uyên Phong. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một khu rừng nguyên sinh còn giữ được vẽ thâm u, huyền bí với hàng ngàn cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm chen nhau toả bóng. Khu rừng, với nhiều loài gỗ quý như lim, gụ, nao, dỗi, sến, dẻ đen, thông tía ... cùng với đó là rất nhiều loài thực vật bản địa khác đã tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm mà không một ai xâm phạm.

Nhiều cây gỗ có đường kính trên dưới một mét, cao đến 40 mét, cành lá sum suê vươn thẳng lên trời xanh. Phía dưới là vô số những loài dây leo, tầm gửi, những loài cây bụi rậm rạp, chen dày làm tăng thêm độ che phủ của rừng.

Những gốc lim, gụ có độ tuổi hàng trăm năm

Rừng cấm Khe Trổ có diện tích khoảng 50 ha, đây cũng là nơi duy nhất ở huyện miền núi huyện Tuyên Hoá còn lưu giữ được hệ động, thực vật hết sức đa dạng và phong phú, dù rừng chỉ cách làng chưa đến 2km. Theo nhiều bậc cao niên trong làng cho biết thì khu rừng này không biết có tự bao giờ, chính nhờ khu rừng này mà bao đời nay sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây bị thiếu nước.

Ngoài ra, rừng cấm Khe Trổ còn có tác dụng điều hoà khí hậu, giữ môi trường trong sạch, bảo vệ cuộc sống của người dân. Vì thế mà ngay từ khi thành lập làng, các cụ đã cho xây dựng 3 con mương dẫn nước từ Khe Trổ về tưới cho cánh đồng Uyên Phong, gọi là "Tam điều thuỷ đạo". Đồng thời, đề ra hương ước để bảo vệ rừng và truyền đời cho hậu thế noi theo đó mà thực hiện. Trải qua gần ngàn năm lịch sử, nét đẹp ấy vẫn được người dân Uyên Phong lưu giữ và phát huy.

Ông Phạm Quang Tứ được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách bảo vệ rừng

Theo hương ước của làng, tất cả mọi hành vi xâm hại đến rừng cấm dù chỉ săn bắn một con chim hay chặt một que củi cũng bị xử phạt nặng. Nặng thì phạt lúa gạo, nhẹ thì đưa ra khiển trách trước làng. Vì thế mà ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây đã được truyền lại từ đời này qua đời khác. Nếu phát hiện người lạ vào chặt phá rừng hay làm điều nguy hại đến rừng họ đều ra tay ngăn chặn hoặc báo với người dân trong làng tổ chức vây bắt, đẩy đuổi.

Cũng để bảo vệ rừng, những người có uy tín như ông Phạm Quang Tứ, ở cái tuổi 70 hiện đang là một trong hai người được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách bảo vệ rừng với mức hỗ trợ 750kg thóc/1 năm do người dân đóng góp. Ông Trần Quang Đạo - Bí thư Chi bộ thôn Uyên Phong cho biết: Đặt ra quy định là vậy, thế nhưng từ trước đến nay thôn Uyên Phong chưa phải xử lý trường hợp nào liên quan đến việc chặt phá rừng cấm Khe Trổ, bởi với mỗi người dân nơi đây, ý thức bảo vệ rừng đã ăn sâu vào máu thịt, được truyền từ đời này sang đời khác.

Những cây gỗ quý có đường kính từ 3 đến 4 người ôm

Và vì thế mà bất cứ ai, dù người lớn hay trẻ nhỏ, hễ thấy người lạ có hành vi xâm hại đến rừng đều tự giác ngăn cản hoặc báo động cho người làng tổ chức lực lượng truy đuổi. Đã bao đời nay, người dân thôn Uyên Phong bảo vệ khu rừng này như bảo vệ báu vật của làng mình, không phải vì mục đích tâm linh hay mê tín mà xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống.

Trong khi diện tích rừng trên cả nước đang ngày càng bị thu hẹp; thiên tai, lũ lụt thường xuyên đe dọa cuộc sống của người dân; vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu đang là nhiệm vụ cấp thiết của toàn nhân loại thì mô hình bảo vệ rừng bằng hương ước tại thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa là một tín hiệu khả quan từ nhận thức và ý thức của người dân. Tuy nhiên đây mới chỉ là mô hình tự phát của một cộng đồng dân cư. Mong rằng các cấp chính quyền và ban ngành chức năng sẽ có sự đánh giá, nghiên cứu để khuyến khích nhân rộng.