Vào viện dưỡng lão để… đỡ đần cho con

ANTĐ - Tôi nghĩ kỹ rồi, ông với tôi vào viện dưỡng lão để đỡ đần cho các con, ông ạ.

- Hôm nay, hai vợ chồng nó lại không ăn cơm nhà hả ông? Còn thằng Long đi học thêm mấy giờ mới về?

Ông trả lời rành mạch từng câu hỏi của bà, ông cố ý nói chậm, nói to để bà nghe hết câu rồi ông đến bên giường bà nằm, đỡ bà dậy bóp vai, nắn tay cho bà. Từ sau cơn tai biến, bà bị liệt nửa người và tai dường như cũng lãng hơn trước. Hồi đầu con cái thay phiên nhau chăm sóc nhưng rồi ai cũng có công có việc nên phải tìm người giúp việc về để chăm bà. Có người giúp việc nhưng ông vẫn kề cạnh bên bà. Vì ông hiểu chăm người già mà lại là người bệnh vất vả lắm, với lại lúc bệnh tật thứ còn người ta cần nhất đó là tình yêu thương thực sự của những người trong gia đình.

Ông nhìn sang bà, bà lim dim mắt, ông nghĩ bà ngủ nên đi xuống bếp canh cho bà siêu thuốc. Nhưng bà không ngủ, bà đang nghĩ về cái điều mà tối qua ông gợi ý: Hay tôi với bà vào viện dưỡng lão sống?

Lúc mới nghe ông nói bà đã gạt đi nhưng nghĩ kỹ bà thấy có lẽ như thế sẽ tốt hơn. Ông bà đều đã có tuổi, nay ốm, mai đau, mỗi lần vào viện lại làm phiền đến con cái. Thằng con lớn của bà, có hôm ở trong viện chăm mẹ mà cũng chẳng yên. Điện thoại gọi đến gọi đi không biết bao nhiêu lần. Cô con gái đi làm không nghỉ được nhưng cũng tranh thủ buổi trưa mang đồ ăn vào cho mẹ. Lòng hiếu thảo của các con bà nhìn thấy rõ lắm. Nhưng vì bận rộn và căng thẳng nên chúng nó dễ nổi cáu và nổi nóng với nhau.

Thằng con trai của bà càu gắt với con em gái khi nó mang bữa trưa cho mẹ muộn. Lòng bà như bị xát muối khi nhìn con gái vừa múc cháo cho mẹ vừa rơm rớm nước mắt:

- Có phải em không lo cho mẹ đâu nhưng vì hôm nay cơ quan nhiều việc, thằng Tuấn lại học có nửa ngày nên phải qua trường đón nó rồi mới về nhà.

Con trai và con dâu bà “chiến tranh lạnh” với nhau cả tuần chỉ vì con dâu bận không về kịp để đưa con đi học thêm, gọi điện cho chồng nhưng máy điện thoại của chồng không liên lạc được. Chỉ có thế mà vợ chồng truy vấn, xét nét rồi to tiếng với nhau. Ông bà ngần này tuổi đầu, cũng trải qua không ít biến cố nhưng vẫn nhẫn nhịn nhau để sống. Nhưng giờ chúng nó không như vậy. Cũng có lần, khi con trai đi công tác bà gọi riêng con dâu vào phòng lựa lời khuyên răn nhưng con dâu phân trần:

- Mẹ cũng thấy đấy, con bận suốt ngày, đi làm đi học rồi còn đưa đón con, đối nội đối ngoại... việc gì cũng đến tay muốn anh ấy đỡ đần cho một chút cũng chẳng được.

Khi con dâu không có nhà, bà nói chuyện với con trai khuyên nó bớt nóng nảy thì con trai bà vò đầu:

- Mẹ có biết một ngày con phải giải quyết bao nhiêu là việc không? Việc ở công ty đã muốn nổ tung cả đầu về nhà vợ lại so đo, xét nét thì chịu làm sao nổi.

Bà lặng im, nén tiếng thở dài... bất lực, khi các con bà đều có lý còn bà không thể thay chúng sắp xếp cuộc sống được.

Tuổi già, hạnh phúc là được quây quần bên con cháu. Cứ nghĩ đến phải sống xa các con, các cháu, bà lại ứa nước mắt. Nhưng bà già rồi lại bệnh tật, chẳng những không giúp được gì cho các con mà càng khiên con cái thêm gánh nặng - bà nghĩ và thấy khổ tâm lắm.

Ông mang bát thuốc lên, tưởng bà đang ngủ nên ông nhẹ nhàng khép cửa phòng đi ra, bỗng giọng bà cất lên khàn khàn như người bị cảm:

- Tôi nghĩ kỹ rồi, ông với tôi vào viện dưỡng lão để đỡ đần cho các con, ông ạ.

Ông nhìn bà - mắt bà rưng rưng nước.