Vào siêu thị, trung tâm thương mại, hãy nhìn cửa thoát hiểm trước tiên

ANTD.VN - Thay vì mải mê ngắm hàng hóa, Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng CAQ Cầu Giấy, Hà Nội lưu ý với người dân như trên khi vào siêu thị, trung tâm thương mại. Chỉ khi biết cửa thoát hiểm nằm ở vị trí nào, thì trong trường hợp không may xảy cháy, chúng ta mới có thể chủ động triển khai các kỹ năng thoát hiểm ra ngoài an toàn.  

Trong suốt hơn 2h đồng hồ ngày cuối tuần được Đại tá Nguyễn Trường Sơn phổ biến những kỹ năng về PCCC, hàng trăm bảo vệ dân phố trên địa bàn 8 phường của Cầu Giấy không ai rời khỏi vị trí ngồi tại Hội trường Trung tâm văn hóa quận. Những kiến thức về PCCC mà lần đầu tiên họ được tiếp cận dù đơn giản, nhưng có thể cứu sống nhiều người trong những hoàn cảnh bi đát nhất khi xảy cháy khiến họ vừa háo hức, vừa ngạc nhiên.

Bình tĩnh “chìa khóa” thoát chết khi xảy cháy

Không phải bằng chất giọng sang sảng kết hợp lồng ghép khéo léo, thực tiễn cuộc sống vào bài giảng, mà chính sự tâm huyết, trách nhiệm với nhiệm vụ tuyên truyền về PCCC, cứu hộ, cứu nạn của Đại tá Nguyễn Trường Sơn mới là sức hút, lôi cuốn với hàng trăm bảo vệ dân phố. Trong suốt hơn 2h đồng hồ đứng trên bục giảng, Đại tá Nguyễn Trường Sơn chẳng hề đề cập bất cứ một nội dung nào liên quan đến pháp luật về PCCC, cứu hộ, cứu nạn hay mức xử phạt khi vi phạm về PCCC.

Thay vào đó là những tình huống xảy cháy thực tế đã xảy ra trong các trường hợp nhà dân, nhà chung cư, trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Và điều quan trọng nhất, trong những tình huống nguy cấp đó, người dân cần phải làm những gì để tự mình cứu sống bản thân và hỗ trợ cho những người khác không bị chết ngạt vì cháy, vì khói…

Cảnh sát PCCC - CAQ Cầu Giấy hướng dẫn các bảo vệ dân phố cách thức sử dụng bình cứu hỏa

Tâm lý thông thường của bất cứ ai đó là khi gặp một tình huống bất ngờ, đáng sợ thì đều mất bình tĩnh. Đây cũng là mấu chốt nhất để dẫn tới những phản xạ, hành động đúng, sai trước mỗi tình huống nảy sinh.

Nếu chúng ta hành động, phản xạ đúng thì sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ, tác hại, còn ngược lại sẽ phải chịu những thiệt hại khôn lường. Bất cứ người dân nào, khi vào trong trung tâm thương mại, siêu thị lớn, trước khi đi mua sắm hàng hóa, hãy dành chút ít thời gian để định vị lối thoát hiểm.

Chỉ một thao tác nhỏ như vậy thôi là chúng ta có thể an tâm, không lo khi xảy cháy không biết đường nào mà chạy. Đối với những tình huống xảy cháy, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, “chìa khóa” để thoát chết đó chính là sự bình tĩnh. “Bình tĩnh giúp chúng ta sống đến 99,9% trong mọi trường hợp xảy cháy dù ở nhà ống, chung cư, hay trung tâm thương mại, siêu thị lớn” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn nói.

Việc sử dụng bình cứu hỏa đúng cách sẽ nhanh chóng dập tắt ngọn lửa

Cũng theo đại diện Cảnh sát PCCC, CAQ Cầu Giấy, khi phát hiện đám cháy ở bất cứ đâu, điều đầu tiên là chúng ta phải bình tĩnh chủ động chữa cháy tại chỗ cùng với việc nhanh chóng thông báo cho lực lượng 114. Trong trường hợp ngọn lửa quá hung dữ, không thể khống chế được thì hãy tìm cách thoát ra an toàn.

“Nếu trong trường hợp cháy ở tầng hầm tầng 1, khu vực kỹ thuật ở các khu chung cư mà khói bốc lên nhiều, người dân không thoát ra ngoài được thì hãy ở trong nhà đóng kín tất cả các cửa lại, gọi điện thoại cho 114.

Hãy lấy chăn, khăn mặt ướt chèn ở tất cả các cửa lại, cùng với băng dính chống cháy dán khe cửa ngăn không cho khói tràn vào nhà. Người dân đừng bao giờ lo nhà chung cư khi xảy cháy sẽ bị sụp đổ, bởi công trình khi xây dựng đã được thiết kế chịu lực, lửa không thể nung cháy bê tông. Hơn nữa, ngọn lửa cũng không thể cháy lan tường. Những nạn nhân chết trong các vụ cháy này gần như tất cả đều chết ngạt vì khói chứ ít ai chết vì lửa”- Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo.

Bình cứu hỏa vài trăm nghìn đồng... không mua

Có một thực tế hiện nay, đời sống của người dân ngày càng nâng cao thì nhu cầu mua sắm, hưởng thụ càng lớn. Đây là điều hết sức tự nhiên, bình thường trong xã hội. Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, nhiều người dân dù điều kiện kinh tế rất khá, mặc sức mua sắm chi tiêu cá nhân, nhưng những thiết bị bảo hộ về PCCC lại không hề quan tâm.

“Nhà biệt thự, chi hàng chục triệu cho một bữa ăn nhậu khi khánh thành, nhưng lạ một nỗi là tìm khắp nơi trong nhà cũng không hề có lấy một bình chữa cháy hay thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Bình chữa cháy chỉ vài trăm nghìn đồng cũng không mua. Cháy thì chẳng ai mong muốn và càng không biết trước được nó có thể xảy ra hay không, xảy ra lúc nào, thế nên cần phải chủ động để đối phó với tình huống đó” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.

Bình gas được xem là một trong những nguồn nguy cơ nổ khí gas, nếu như người sử dụng không biết cách đảm bảo an toàn

Nhấn mạnh vai trò của lực lượng bảo vệ dân phố trong công tác hỗ trợ lực lượng Công an đảm bảo ANTT trên địa bàn, chỉ huy CAQ Cầu Giấy khẳng định: Phải dựa vào dân và khi được nhân dân giúp đỡ ta thắng lợi hoàn toàn”. Ở góc độ công tác PCCC cũng vậy, nhân dân có giúp đỡ lực lượng Cảnh sát PCCC trong việc nâng cao ý thức tự giác phòng ngừa cháy nổ; mua sắm những thiết bị, phương tiện phù hợp với điều kiện để phòng ngừa nguy cơ hỏa hoạn... thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc Cảnh sát PCCC sẽ nhàn hơn rất nhiều.

Nhiều người thấy lửa cháy ở cổ bình gas thường hoảng loạn, mất bình tĩnh nhưng việc này không quá nguy hiểm nếu như chúng ta bình tĩnh, biết kỹ năng xử lý

“Qua khảo sát và điều tra cơ bản tình hình thực tế, vẫn còn rất nhiều hộ gia đình, nhà dân, cửa hàng, ban quản trị các khu chung cư cũng như cá nhân nhiều người vẫn còn lơ là công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn. Việc tập huấn kỹ năng PCCC, thoát hiểm, cho bảo vệ dân phố là rất hữu ích và lực lượng Cảnh sát PCCC rất mong những kiến thức, kỹ năng này sẽ được lan tỏa đến gia đình, từng người dân, khu phố” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn bày tỏ mong muốn trước hàng trăm bảo vệ dân phố quận Cầu Giấy.

Ngay sau khi được chia sẻ, hướng dẫn những kỹ năng về PCCC, thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ, hàng trăm bảo vệ dân phố đã được các CBCS của CAQ Cầu Giấy thực hành cách thức chữa cháy bằng các thiết bị chuyên dụng. Nhiều người lần đầu tiên cầm đến bình cứu hỏa, không biết rút chốt hay hướng vòi phun về đâu. Tất cả những kiến thức cơ bản nhất này đều được Cảnh sát PCCC tận tình hướng dẫn trong sự háo hức xen lẫn ngạc nhiên của nhiều người. Nói như bác Trần Văn Thắng, bảo vệ dân phố phường Yên Hòa: “Đừng tiếc mấy trăm nghìn đồng mua bình cứu hỏa, mà mất mạng sống khi chẳng may cháy nhà”.