Vào cuộc đủ mạnh

ANTĐ - Tết đang đến gần từng ngày, cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái cũng căng thẳng từng giờ, từng phút trên khắp cả nước. Số vụ và trị giá các mặt hàng bị bắt giữ ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Chứng tỏ, cuộc chiến này đang hết sức quyết liệt khi tội phạm vào mùa “làm ăn cao điểm”, bất chấp nỗ lực truy cản, ngăn chặn mạnh tay của các lực lượng chức năng. 

Tại buổi tọa đàm “Hàng gian, hàng giả thách thức sự phát triển bền vững” vừa diễn ra, con số thống kê cho thấy, năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 17.396 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả với giá trị 36 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ bắt giữ tăng 3.388 vụ, giá trị vi phạm tăng 3,9 tỷ đồng. Bất kể mặt hàng nào có thể kiếm lời đều bị làm giả, đứng đầu là mỹ phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, tiếp đến là sản phẩm  nông nghiệp, văn hóa phẩm. TP.HCM và Hà Nội, hai trung tâm sản xuất hàng hóa lớn nhất cả nước đồng thời cũng là địa bàn “nóng” nhất của tội phạm sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng lậu, hàng gian, hàng giả. 

Nhiều ý kiến trong hội thảo cho rằng, muốn chống hàng giả có hiệu quả phải có sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp cần chủ động chống hàng gian lận và người tiêu dùng cần “mạnh dạn” tố giác, tố cáo các sản phẩm của các công ty làm ăn sai trái. Thậm chí, cần lập hẳn một tổng đài phản ánh tố giác của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo đại diện Hội Luật gia, hiện nay cơ chế xử lý hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Mức xử phạt hành chính còn quá thấp, trong khi để xử lý hàng giả bắt buộc phải có kết luận giám định với chi phí tốn kém nên nhiều doanh nghiệp còn e ngại. Chưa kể, việc đưa ra tòa là cả một sự rắc rối, phức tạp cho doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng như người tiêu dùng. 

Bên cạnh nỗi lo hàng giả, hàng kém chất lượng vào dịp Tết, còn một nỗi ám ảnh thực phẩm bẩn bủa vây người dân. Tại một hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thừa nhận, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại nông sản bẩn vẫn nhức nhối khiến người tiêu dùng còn bất an. Trong khi,  các mẫu xét nghiệm chỉ có giới hạn nhất định, chưa phản ánh đủ bức tranh an toàn thực phẩm. Cần nhắc rằng, Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc chỉ đạo kiểm soát chặt vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Ất Mùi. Theo đó, Bộ Y tế thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. 

6 đoàn liên ngành có thể kiểm tra chưa xuể hết mọi vi phạm, nhưng khi cả các lực lượng cùng vào cuộc quản lý bữa ăn của người dân, thống nhất trong một ban chỉ đạo đủ mạnh thì tình hình mới biến chuyển. Yêu cầu đủ mạnh để các cơ quan chức năng đáp ứng được kỳ vọng thực sự là chỗ dựa, là nơi đặt niềm tin của người tiêu dùng. Mục tiêu tối thượng ở đây là nhất quyết không để người dân phải lo âu, không để người dân phải gồng mình thành nhà thông thái vì phải tự nhận biết hàng thật giả, thực phẩm sạch bẩn, nhất là trong những ngày năm hết Tết đến này.