Vào chính vụ: Vải thiều bán ồ ạt từ chợ mạng tới vỉa hè

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vùng trồng vải thiều lớn nhất là cả nước tại tỉnh Bắc Giang vừa bắt đầu bước vào chính vụ thu hoạch. Trước đó, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) cũng được cắt bán. Từ nhiều ngày nay, vải thiều đã được bán khắp trên cả nước.
Bảo quản, vận chuyển vải thiều bằng xe chuyên dụng để chất lượng quả vải được tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng

Bảo quản, vận chuyển vải thiều bằng xe chuyên dụng để chất lượng quả vải được tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng

Sàn TMĐT, siêu thị bán hàng tấn vải mỗi ngày

Chưa năm nào vải thiều nói riêng và nông sản nói chung được đẩy mạnh tiêu thụ trên “chợ mạng” và hệ thống bán lẻ như năm nay. Các sàn TMĐT lớn như: Sendo, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, Shopee, Lazada… hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến tận tay người tiêu dùng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản lượng nông sản bán được mỗi ngày lên tới hàng tấn.

Đại diện Shopee cho biết, từ ngày 6-6-2021, Shopee đã tổ chức các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ các chi phí vận hành kho và chi phí vận chuyển sản phẩm vải thiều Bắc Giang giao ngay trong ngày tới tay người tiêu dùng tại hai thành phố Hà Nội và TPHCM.

Ngay trong những giờ đầu tiên mở bán sản phẩm vải thiều Lục Ngạn trong ngày 6-6, toàn bộ sản phẩm vải thiều Lục Ngạn trên gian hàng ShopeeFarm đã được bán hết.

Tương tự, sàn TMĐT Vỏ Sò cũng đã tiếp nhận 8.000 đơn hàng vải thiều; Sendo bán hàng tấn vải giúp bà con Bắc Giang sau 30 phút livestream trên sàn TMĐT.

Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên “chợ mạng”, hệ thống bán lẻ lớn trong nước đều vào cuộc. Theo đại diện hệ thống bán lẻ VinCommerce, hệ thống này sẽ thu mua 2.000 tấn vải thiều để hỗ trợ nông sản địa phương để đưa vào hơn 2.500 điểm bán trên toàn quốc.

Ngoài ra, khách hàng có thể mua sản phẩm này tại gian hàng VinMart trên trang thương mại điện tử Lazada vào thời gian tới. Hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart, Satra, MM Mega Market… đều sẽ bán vải thiều Bắc Giang.

Thống kê mới nhất của UBND tỉnh Bắc Giang cho thấy, đến hết ngày 7-6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được khoảng 55.038 tấn vải, giá bình quân 12.000-32.000 đồng/kg (cá biệt giá thấp nhất 8.000 đồng/kg đối với vải chất lượng thấp; 58.000 đồng/kg đối với vải xuất khẩu đi Nhật Bản), trong đó, tiêu thụ tại thị trường trong nước 36.017 tấn, qua các kênh phân phối chủ yếu như sau: chợ đầu mối tiêu thụ 19.529 tấn; siêu thị, trung tâm thương mại tiêu thụ 4.243 tấn; thương mại điện tử tiêu thụ 710 tấn; chế biến tiêu thụ 170 tấn; hệ thống thương nhân khác tiêu thụ 11.535 tấn;

Xuất khẩu đạt 19.021 tấn, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 18.971 tấn; Nhật Bản đạt 45 tấn; Hoa Kỳ đạt 5 tấn.

Đối với tỉnh Hải Dương, đến ngày 8-6, vải thiều của Hải Dương đã thu hoạch và tiêu thụ từ 38.000-40.000 tấn, chiếm khoảng 85% sản lượng vải sớm và bằng gần 60% sản lượng vải toàn tỉnh.

Riêng Thanh Hà đã thu hoạch khoảng 30.000 tấn. Giá vải vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 18.000-30.000 đồng/kg (Giá tại vườn); tùy theo chủng loại và phương thức đóng gói. Vải thiều của Thanh Hà luôn có giá cao hơn từ 10-15.000 đồng/kg so với các nơi khác.

Điểm bán tự phát dày đặc

Trong khi với nhiều địa phương khác, khách hàng đặt mua vải thiều chủ yếu thông qua các sàn TMĐT thì tại Hà Nội- địa phương có khoảng cách địa lý gần với Bắc Giang và Hải Dương, vải thiều được bán khắp các tuyến phố.

Từ vài ngày trước, tại số 80 Nguyễn Chí Thanh, một điểm bán vải thiều Bắc Giang đã được dựng lên. Điểm bán này sử dụng tầng 1 của một cửa hàng kinh doanh tạm đóng cửa để tập kết vải thiều. Người dân xung quanh đến mua rất đông, bởi điểm bán này treo băng rôn bán vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Cách đó chỉ vài trăm mét, tại ngã tư Nguyên Hồng- Huỳnh Thúc Kháng, nhà sách Tiến Thọ (đường Láng), chung cư Hapulico, phố Giảng Võ, phố Cương Kiên… đều có điểm bán vải thiều Lục Ngạn và vải thiều Thanh Hà. Trước đó, các điểm bán này cũng được trưng dụng để bán dưa hấu giúp bà con Bắc Giang, Bắc Ninh.

Chị Hương Giang (tập thể Thành Công) cho biết: “Giá bán vải thiều tại các điểm này khá tốt, từ 15.000-20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vải đã được buộc trong túi lớn cố định, thường khoảng 5kg/túi nên ăn lâu hết. Người bán không bỏ ra khỏi túi nên khó tránh một số quả bị hỏng thối. Nhiều người mua thiếu ý thức lại chọn lựa rồi mạnh tay quăng quật, nên vải hỏng nhiều, rất lãng phí”.

Cùng chung nhận định này, chị Bảo Anh (Trung Văn, Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Thấy nhiều điểm bán quá tôi cũng muốn mua ủng hộ, nhưng vải bán theo túi lớn, quả thì hỏng, quả thì còn chưa chín, mua một lần sau đó tôi không muốn mua nữa”.

Mùa vụ năm 2021, Bắc Giang dự kiến thu hoạch được 180.000 tấn vải. Một phần trong số này đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, EU, Australia… Còn lại phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu thụ nội địa.

Việc nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ Bắc Giang tiêu thụ vải thiều là việc làm cần thiết, vừa hỗ trợ nông dân trồng vải, vừa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc bảo quản, vận chuyển vải thiều tươi không dễ dàng, đặc biệt đối với các điểm bán tự phát. Do đó, các điểm tiêu thụ nông sản cần có biện pháp để thu mua, vận chuyển, phân phối vải thiều đảm bảo để loại quả này đến tay người tiêu dùng tươi ngon, đảm bảo chất lượng, từ đó việc phân phối vải thiều mang tính lâu dài hơn vì thêm nhiều người ủng hộ.