Vàng tăng giá chóng mặt

ANTĐ - Ngay từ đầu giờ sáng qua (14-9), các doanh nghiệp vàng trong nước đã đồng loạt niêm yết giá bán tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với phiên giao dịch ngày 13-9. Giá vàng trong nước hiện ở mức 47,4 triệu đồng/lượng, mức cao nhất kể từ 12-9-2011.

Giao dịch vàng biến động mạnh

Theo đà tăng của thế giới

Sáng 14-9, Tập đoàn DoJi thông báo giá mua vào ở mức 47,18 triệu đồng/lượng và bán ra 47,4 triệu đồng/lượng, tăng từ 860.000-950.000 đồng/lượng so với sáng qua. Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết bán 47,35 triệu đồng/lượng, tăng thêm 900.000 đồng/lượng so với giá niêm yết sáng 13-9. Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu mua vào ở mức 43,95 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 44,25 triệu đồng/lượng. Vàng Phượng Hoàng của Công ty PNJ được đơn vị này niêm yết giá mua vào là 47 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 47,25 triệu đồng/lượng. Mức giá biến động mạnh nhất trong vòng 

1 năm qua này có tác động lớn từ giá vàng thế giới sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tung gói nới lỏng định lượng mới (QE3).

Sau thời gian lình xình, giá vàng trong nước hạ xuống mức trên 40 triệu đồng/lượng vào tháng 5-2012. Từ đầu tháng 8-2012 tới nay, giá vàng bắt đầu tăng mạnh. Đáng chú ý nhất là từ đầu tháng 9 này, giá vàng trong nước tăng càng mạnh theo đà tăng của vàng thế giới. Tuy nhiên sáng qua, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới tiếp tục chênh lệch từ 2,8-2,9 triệu đồng/lượng. 

Mất cân đối cung - cầu

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, giá vàng tại thị trường trong nước tăng theo đà biến động của thế giới là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mức chênh lệch giá lớn trên lại là điểm bất hợp lý, nhất là khi tỷ giá niêm yết ổn định, không có biến động. Trước đây, khi giá vàng tăng cao, vượt xa giá thế giới thì nguyên nhân được cho là bởi SJC độc quyền, không chịu cung hàng, tạo thiếu hụt giả tạo. Nhưng sau khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng và gần đây nhất là Quyết định số 1623 (ngày 23-8-2012) của NHNN quy định về việc tổ chức sản xuất và quản lý vàng miếng thì mọi hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh vàng miếng đều do NHNN quản lý. Sự chênh lệch giá vàng này có thể do thị trường vàng đang mất cân đối cung cầu bởi nguồn cung do NHNN quản chưa có động thái gì, đây có thể là “cầu giả tạo”.

Ông Ánh cũng cho rằng, khả năng các ngân hàng thương mại đang bị “âm” vàng nên tung tiền ra để mua vàng bù vào như thông tin đồn thổi là không có, bởi hơn ai hết, các các ngân hàng thương mại nắm rõ thông tin NHNN đang quản thị trường vàng và giá vàng trong nước với vàng quốc tế chênh lệch lớn như vậy. 

Bên cạnh lý do chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới thì các chuyên gia cũng cho rằng, việc thị trường chứng khoán và bất động sản đóng băng, trần lãi suất huy động giảm xuống chỉ còn 9%, cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhu cầu đổ sang vàng.  

Tại Hà Nội, ngày 14-9, mặc dù nhiều người theo dõi thông tin giá vàng rất sát nhưng giao dịch mua bán không có nhiều biến động. Tuy nhiên, lượng người mua vào vẫn lớn hơn người bán ra. Theo dự báo mới đây của ngân hàng HSBC, từ nay đến cuối năm, giá vàng sẽ chạm mốc 48 triệu đồng/lượng. Có thông tin cho rằng, Công ty SJC vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho dùng vàng nữ trang để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng nhằm giải bài toán khan vàng miếng trên thị trường hiện nay.

Đừng cuốn theo tâm lý đám đông

Một chuyên gia khác về lĩnh vực này lại cho rằng, thị trường vàng trong nước gần đây chịu tác động mạnh trước thông tin và tâm lý đám đông rõ nét. Yếu tố tâm lý khiến giá vàng tăng vọt. Thị trường diễn ra theo xu hướng một chiều là chính. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là diễn biến một chiều không kéo dài vài ngày, mà trong một ngày, thị trường vàng cũng có thể cùng nhau bán hoặc cùng nhau mua khiến giá vàng trong nước đầy rủi ro và biến động nhanh. Dự báo, giá vàng trong nước trong ngắn hạn tiếp tục có khoảng cách lớn so với giá vàng thế giới nếu không được hỗ trợ nguồn cung từ NHNN.