Vang mãi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

ANTĐ -  Ngày 3-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làng Vạn Phúc, Hà Đông và ở tại nhà ông Nguyễn Văn Dương. Tại đây, ngày 19-12, trên căn gác xép nhỏ, Người đã viết bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Bản thảo được viết trên hai trang giấy một mặt có kích thước 13,5 x 20,5cm. 

Theo hồ sơ hiện vật đang lưu giữ tại Phòng Quản lý hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam có ghi chép: người đầu tiên được nghe Bác đọc bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là đồng chí Lê Chí Nam, công tác ở Văn phòng quân sự. Hiện trên bản thảo còn lưu bút tích sửa chữa bằng mực xanh của đồng chí Trường Chinh: Bác viết “Ai cũng phải ra sức chống Pháp cứu nước”, đồng chí Trường Chinh sửa thành “Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Bác viết khẩu hiệu “Việt Nam Độc lập muôn năm”, đồng chí Trường Chinh sửa thành “Việt Nam Độc lập và thống nhất muôn năm”. Ở dưới, Bác viết “Tên ký”, đồng chí Trường Chinh gạch chữ “Tên ký” thay bằng “Hà Nội, ngày 19-12-1946 - Hồ Chí Minh”.

Sau khi chỉnh sửa, đồng chí Trường Chinh đưa cho đồng chí Lê Chí Nam đem về sao lại đưa nhà in và gửi tới các địa phương. Sáng 20-12-1946, tại chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Đông, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, đồng thời hàng nghìn áp phích in toàn văn lời kêu gọi đã được phân phát các nơi trên toàn quốc. Bản gốc này được bộ phận lưu trữ của Văn phòng Trung ương lưu trữ, sau đó giao lại cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam) chịu trách nhiệm bảo quản. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngay từ khi ra đời đã có sức hiệu triệu tất cả người dân yêu nước nhất tề đứng lên đánh đuổi bè lũ thực dân xâm lược. Bản thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là 1 trong 30 bảo vật quốc gia đợt 1 vào ngày 1-10-2012 vừa qua.