Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946/19-12-2016):

Vang mãi âm hưởng huyền thoại mùa đông 1946

ANTD.VN - Những người con ưu tú của Thủ đô đeo khăn đỏ và tuyên thệ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trước khi ra trận đã dùng máu và lòng quả cảm của mình viết nên một huyền thoại cho Hà Nội trong mùa đông 1946 lịch sử.  

Người dân mang đồ đạc ra đường tạo các chiến lũy  (Ảnh tư liệu)

Hà Nội vùng đứng lên

Với ý chí bất khuất được  Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao trong “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” vang vọng “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân Hà Nội bình tĩnh, tự tin, chủ động đứng lên kháng chiến, bảo vệ những phẩm giá thiêng liêng của dân tộc, của Thăng Long - Hà Nội trước cuộc xâm lược và âm mưu đặt lại ách cai trị thực dân của các thế lực hiếu chiến Pháp.  

Đèn Hà Nội vụt tắt lúc 8h03 tối 19-12 và những khẩu pháo 75 ly từ pháo đài Láng, từ Xuân Canh nã vào các vị trí quân Pháp ở trong nội thành. Hiệu lệnh chiến đấu mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp được phát đi trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Lực lượng kháng chiến ở Hà Nội, dù thua kém đối phương mọi mặt về binh lực hỏa lực, đã đồng loạt bất ngờ, quả cảm nổ súng vào các điểm đóng quân của Pháp trong khắp thành phố. 

“Hà Nội vùng đứng lên”, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm” chuyển mình giận dữ, sông Hồng cuộn sóng với quân xâm lược.

“Hà Nội cháy...”.  Với tinh thần, ý chí rất cao, cuộc chiến đấu dù không cân sức diễn ra trên khắp các khu phố của Hà Nội đã làm lực lượng quân viễn chinh Pháp ở Hà Nội hoang mang. Sau những trận thử lửa quyết liệt ban đầu ở Bắc Bộ phủ, nhà Bưu điện, ở “trường Ke” (trên đường Trần Nhật Duật ngày nay), ở “nhà dầu Sen” (phố Khâm Thiên)…, quân Pháp đã không thể chiếm Hà Nội như một cuộc “đi dạo mát”.

Hơn 6.500 quân và lực lượng cơ giới tinh nhuệ của Pháp phần bị giữ chân xa lầy và lúng túng trong Liên khu I, phần bị chặn lại khi muốn đánh rộng ra các vùng ngoại vi, đã mất thế thượng phong như những gì chỉ huy của họ đã từng huênh hoang. Trên nhiều đường phố, quân ta và quân Pháp giành nhau từng bờ tường góc phố, xen kẽ chỉ cách nhau năm ba ngôi nhà. Ở các phố Hàng Giấy, Hàng Khoai quân ta chiếm dãy số lẻ cầm chân quân Pháp ở số chẵn...

Hầm hào được đào cắt ngang các phố để chặn xe cơ giới của địch. Đồ vật trong nhà được mang ra xếp thành chiến lũy. Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi góc phố là một chiến lũy. Tường nhà được đục thông tạo thành đường hầm xuyên dọc các phố để quân ta thoắt ẩn thoắt hiện, tiện cơ động đánh địch. 

Những người con ưu tú của Hà Nội đã chiến đấu vô cùng quả cảm, giữ từng căn nhà, từng góc phố để cuộc kháng chiến toàn quốc có thêm thời gian. Thời gian lúc này cũng là lực lượng.

Những chiến sĩ quyết tử Hà Nội đã giam chân lực lượng bộ binh tinh nhuệ và cơ giới của Pháp trong lòng phố cổ - gấp đôi thời gian dự kiến - để cả nước có thêm thời gian xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến còn lâu dài và gian khổ, để Bác Hồ và Trung ương Đảng an toàn hơn ở chiến khu Việt Bắc đang được củng cố. 

Tuy nhiên, càng ngày so sánh lực lượng càng không nghiêng về phía ta. Quân Pháp với binh lực và hỏa lực áp đảo ngày càng vây ép các chiến sĩ quyết tử trong khu phố cổ. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ngày càng ác liệt. Máy bay, xe tăng, xe bọc thép của Pháp mở những cuộc tấn công dữ dội vào khu vực chợ Đồng Xuân, phố Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Bút, Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng.

Địa bàn chiến đấu của Liên khu I ngày càng bị thu hẹp. Sau trận Chợ Đồng Xuân (14-2-1947), ta diệt được nhiều địch nhưng cũng có nhiều tổn thất, Bộ Tổng chỉ huy đã quyết định cho các chiến sĩ quyết tử rút khỏi Hà Nội để bảo toàn và xây dựng lực lượng cho giai đoạn kháng chiến tiếp theo.

Cuộc rút quân thần kỳ hẹn ngày về chiến thắng 

Ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến đấu, Nguyễn Ngọc Nại và Đội Hồng Hà do anh làm đội trưởng đã đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ duy trì liên lạc, hậu cần cho tuyến giao thông từ phía Bắc (Nhật Tân, Phúc Xá) chi viện cho Liên khu I. Trong cuộc họp bàn phương án đưa các đơn vị vượt vòng vây, bằng sự am tường tình hình và địa hình, Nguyễn Ngọc Nại đã đề xuất một con đường rút lui làm nên huyền thoại cho hơn 1.000 chiến sĩ và nhân dân Liên khu I. 

Hôm nay đi qua ngõ Phất Lộc sầm uất, đông vui tấp nập, những người trẻ thật khó hình dung những hình ảnh trong đêm 17-2-1947 từ 70 năm trước mịt mù khói sương có một đoàn người trang phục gọn nhẹ, vũ khí siết chặt trong tay, im lặng nối nhau chuyển dần qua dưới chân cầu Long Biên loang loáng ánh quét đèn pha từ những bốt gác của quân Pháp ở cả hai đầu cầu. Đoàn người lặng lẽ bí mật qua Bãi Giữa, ngược lên Tứ Tổng rồi được đoàn thuyền hàng chục chiếc của bà con chờ sẵn đưa sang sông.

Cả ngày 18-2-1947, việc đưa quân qua sông khẩn trương, cẩn trọng và an toàn. Trời sẩm chiều, cuộc rút quân thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô đã thành công trọn vẹn. Tới sáng 19-2, khi quân Pháp phát hiện “mất mục tiêu” trong Liên khu I thì đã quá muộn. Lực lượng lớn của Pháp tung ra để truy kích bị chặn lại bởi “Tiểu đội quyết tử Nguyễn Ngọc Nại” trên bãi dâu Tàm Xá.

Cuộc chiến đấu cuối cùng của người anh hùng mãi mãi là khúc tráng ca hào hùng ngân vang cùng nắng gió sông Hồng, để lại nhiều ngưỡng mộ và tiếc thương cho hậu thế, ghi đậm trên một trang hiện đại của lịch sử vẻ vang Thủ đô ngàn năm văn hiến. 

Ngay trong ngày 18-2-1947, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp biết tin cuộc rút quân thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô thành công trọn vẹn đã viết ngay thư chúc mừng: “… Các chiến sĩ đã chiến đấu 2 tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam. 

Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo tồn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần. 

Cho đến ngày Tổ quốc độc lập, thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất. Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”.

Trong cuộc mít tinh mừng thắng lợi ngày 22-2-1947 tại làng Thượng Hội, (huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông) cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lại hô vang lời thề “Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”. Lời thề đó đã được thực hiện sau 7 năm, khi “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” trong ngày mùa thu 10-10-1954.  

Thời gian còn chưa xa và ký ức còn chưa phai, “60 ngày đêm mịt mù khói lửa” mở đầu Toàn quốc kháng chiến là bản trường ca hùng tráng vẫn sẽ tiếp tục cùng nhịp với quân và dân Thủ đô vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại - Thành phố vì hòa bình, cùng cả nước vì cả nước và còn cùng cả bạn bè quốc tế trong thế giới hội nhập, cùng phát triển hòa bình, hữu nghị hôm nay.