“Vâng, em sẽ làm ăn lương thiện”

ANTĐ - Lê Thị Yến, một người từng có học hành hẳn hoi ở TP. Vinh (Nghệ An), chị cũng từng là một diễn viên kịch vậy mà đã lao vào buôn bán ma túy để rồi phải chuốc lấy những năm tháng tù giam. Ra tù lại tái phạm. Lại một bản án mới. Để chồng con lại nheo nhóc, chồng chị đã phải đạp xích lô lấy tiền nuôi con đằng đẵng suốt hơn chục năm chị trả án.

Với sự nhanh nhẹn, buôn bán bằng gánh riêu cua, Lê Thị Yến đã cùng chồng vực dậy kinh tế gia đình và nuôi nấng con cái, bỏ lại quá khứ đầy tủi buồn và tội lỗi. Giờ họ đã có cháu gọi bằng ông, bà. Cuộc sống tuy còn những khó khăn, nhưng với họ, như thế đã là một sự nỗ lực giũ bỏ quá khứ tội lỗi.

Lê Thị Yến sinh năm 1958 ở Thanh Chương (Nghệ An), vì có tài ca hát, nên đã thi vào trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp, Yến vào Đoàn Kịch nói Nghệ An, đi biểu diễn ở nhiều nơi, rồi chị đi bộ đội, hoạt động nghệ thuật trong Sư đoàn 771 ở Tây Nguyên. Năm 1981, Yến xuất ngũ và cũng giã biệt luôn nghề diễn để về TP. Vinh làm ăn. Về Vinh, Yến đã gặp Nguyễn Sỹ Thành sinh năm 1954 tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, Nghệ An, học trước Yến một khóa ở trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Yến biết anh Thành sinh ra trong một gia đình đông anh em lại là người chịu thương chịu khó, chẳng nề hà bất cứ việc gì để kiếm sống. Yến đem lòng yêu người đàn ông nghèo này và năm 1982 thì làm đám cưới. Cuộc sống khó khăn vô vàn, không như Yến nghĩ, tức là chỉ cần “hai trái tim vàng”.

Quá khó khăn, lại nuôi hai con, vợ chồng Yến thường xuyên xảy ra cãi cọ. Đến năm 1987, hai vợ chồng ngày càng căng thẳng mâu thuẫn. “Tức nước vỡ bờ”, chồng Yến một mình bỏ vào Đắk Lắk làm ăn hai năm trời, mặc cho chị phải vất vả chăm con ốm đau, bệnh tật liên miên. Nhiều lần Yến gửi thư, gọi chồng về để cùng gánh vác, nhưng phải hai năm sau chồng chị mới về. Yến tâm sự: “Lúc chồng tôi về, dù là giận lắm, đau đớn lắm nhưng anh ấy xin lỗi một câu, mình lại bỏ quá cho”.

Những tưởng vợ chồng sẽ chung lưng đấu cật làm ăn, nhưng kiếm mãi mà chẳng ra, cuộc sống ngày càng khốn khó. Yến đã lao vào con đường ma túy và phải trả giá bằng một bản án 8 năm tù. Lúc này Yến mới thấm thía của một người mất tự do. Thương con và nhớ chồng, nhưng chẳng còn biết làm gì khác là cải tạo cho tốt chờ ngày ra.

Vợ chồng Yến - Thành

Tôi không thể làm khổ anh ấy hơn được nữa

Năm 2000, Yến được ra tù sau 8 năm trời đằng đẵng, nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào lại bị phường buôn cũ kéo vào làm một “phi vụ” khác. Yến lại bị phát hiện. Chị lại bị bắt giam 4 năm nữa. Chồng chị  muốn ngã khuỵu, những tưởng vợ về đoàn tụ làm lụng nuôi con. Nào ngờ, chị lại mang thêm một cái án 4 năm nữa. Vắng vợ, một mình gà trống nuôi con, anh Thành làm đủ thứ nghề kiếm sống, kể cả đạp xích lô.

Mãi đến năm 2004, Yến ra tù. Biết chồng đằng đẵng hơn chục năm trời khó nhọc nuôi con, Yến tự thấy mình có lỗi. “Tôi thương anh ấy quá! Rồi thấy không thể làm khổ anh ấy nhiều hơn. Với lại, ở tù mãi rồi cũng phải đến lúc tỉnh ngộ, không thì chẳng những khổ mình mà còn ảnh hưởng quá lớn đến với người thân…”.

Hoàn lương, sống tốt, chương trình Người xây tổ ấm - Đài Truyền hình Việt Nam đã tìm về gia đình của Thành - Yến làm chương trình. Nhà báo Đặng Vương Hưng hỏi Yến: “Chị sẽ làm ăn lương thiện chứ?”. Yến khụt khịt khóc: “Vâng, em sẽ làm ăn lương thiện. Giờ em chỉ ước có được 500.000 đồng để sắm đồ, làm một gánh riêu cua đi bán, để làm người lương thiện”. Nhà báo Đặng Vương Hưng rút ra 500.000 đồng, trao cho Yến. 

Từ đó, ở thành phố Vinh, mỗi sáng, người ta lại thấy Yến lại gánh bún riêu cua ra ga Vinh bán cùng chồng. Hai vợ chồng  chắt chiu nuôi con và xây dựng một căn nhà nhỏ không bao giờ tái phạm nữa. Anh Thành cho biết: “Vợ tôi từ ngày ra tù được nhiều người giúp đỡ đã chịu khó chịu thương, quyết tâm làm ăn lương thiện, không như cái kiểu muốn một ngày đổi đời như trước”. Còn chị Yến thì nói rằng, lao tù đã làm chị thấm thía sự trả giá. Làm ăn phi pháp, đặc biệt là buôn bán hàng cấm sớm muộn sẽ bị bắt và bị xử tù. Chị nhận ra, chỉ có con đường làm ăn lương thiện mới giúp mình sống thanh thản.

Hạnh phúc đã trở về

Đó là điều chị Yến muốn nói với chồng bởi những năm tháng đằng đẵng ở nhà, nuôi con đợi vợ ra tù. Và có lẽ, cũng chính vì thế mà  anh Thành - một người sống ở nơi chợ búa có nhiều đối tượng bất hảo, lại có thể giữ gìn được bản thân, không sa ngã như một số người. Khi nói đến chồng, chị Yến rất hào hứng: “Ở trong tù, tôi chỉ sợ anh ấy lại làm cái gì đó liều lĩnh thì không biết là ai sẽ chăm con. Tôi rất sợ, ví như anh ấy cướp của, ví như buôn bán ma túy, ví như trấn lột hoặc giết người... Rất nhiều con đường để trở thành một tội phạm. Ranh giới phạm tội ở một người bình thường còn quá mong manh, huống hồ với một người vắng vợ, nghèo túng. Anh ấy lại sống trong môi trường có nhiều kẻ bặm trợn, lọc lừa, sát phạt nhau, đè đầu cưỡi cổ lên nhau để sống. Ở môi trường đó, nếu không vững dạ, không biết tránh xa thì rất bị cám dỗ, nhúng tay vào tội lỗi!”.

Anh Thành cũng khoe mình có nhiều thơ tặng vợ rất cảm động, thi thoảng anh lại đọc cho chị nghe. Những câu thơ như thế này: “Bất ngờ anh gặp được em/ Hoàng hôn biển biếc sáng lên một vùng/ Để rồi lan giữa mênh mông/ Xa em anh những nhớ mong…biển chiều.”  Thế rồi cả nhà lại cười nghiêng ngả. Tôi cảm thấy hạnh phúc thật sự đã trở về ngôi nhà này.