Văn trẻ và những khát vọng chưa thành

(ANTĐ) - Ở một đất nước tuổi trẻ được coi như một thứ tôn giáo thì văn học trẻ luôn được coi là niềm hy vọng của cả nền văn học cũng là điều thật dễ hiểu.

Văn trẻ và những khát vọng chưa thành

(ANTĐ) - Ở một đất nước tuổi trẻ được coi như một thứ tôn giáo thì văn học trẻ luôn được coi là niềm hy vọng của cả nền văn học cũng là điều thật dễ hiểu.

Tuy nhiên, tự thân văn học trẻ chưa có được những thành tựu lớn. Những cách tân của những người trẻ tuổi vẫn chưa thực sự là một sự thay đổi về chất. Đó chính là mối hồ nghi về một sức mạnh lớn mang tên văn chương trẻ…

Các tác giả trẻ nhận giai thưởng "Bút mới"
Các tác giả trẻ nhận giai thưởng "Bút mới"

Không thể phủ nhận những nỗ lực của các nhà văn trẻ, đó là nỗ lực khác thế hệ trước và khác với chính mình của ngày hôm qua. Trong một biên độ rộng là Internet, ngày nay, bạn đọc đã không còn là những người thụ động nữa, chỉ cần một vài cú click chuột là họ đã tìm được cho mình một tác phẩm yêu thích. Chính vì thế, sự xuất hiện của các nhà văn trẻ cũng thật dễ dàng nhưng mức đào thải lại cao hơn gấp nhiều lần. Viết khác hơn, mới hơn và luôn lạ hóa các trang viết là một trong những tiêu chí mấu chốt cho một tác phẩm tồn tại và lưu nhớ cái tên của nhà văn trẻ.

Thế nhưng, không phải sự đổi mới nào cũng thành công và không phải cách tân nào cũng mang đến những sản phẩm sáng tạo lấp lánh tài năng và trí tuệ. Sự nổi loạn của nhóm “Mở miệng”, nhóm “Ngựa trời” hay những cách tân mang tính hình thức rõ rệt từ tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng có thể nói đó là hệ quả của việc tiếp nhận không trọn vẹn các trào lưu, xu hướng của văn học phương Tây. Sự tiếp thu để sáng tạo ra một sản phẩm nghệ thuật mới là quá trình tất yếu, đó như một cách nạp năng lượng. Nhưng “tiêu hóa” nó, dung hòa hay chí ít là từ tiền đề đó, tạo ra tác phẩm nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân, mang vẻ đẹp thẩm mỹ giản dị lại là việc không dễ dàng. Rất nhiều người khát khao theo đuổi con đường ấy đến nay vẫn chưa thành công.

Nếu đọc những tập sách mang tên 8X hay truyện ngắn trẻ sẽ thấy những nỗ lực của họ. Nhưng đôi khi sự nỗ lực của họ đã thất bại. Rất nhiều tác phẩm trong đó chỉ là sự cách tân vỏ ngoài, còn tư tưởng và giá trị nghệ thuật không có gì mới mẻ. Không ít cây bút nữ đã cố tình già hơn so với tuổi của mình. Tưởng tượng để viết ra những suy tư, dằn vặt, những đau đớn không phải của mình, có lẽ không chỉ có riêng ở thế hệ họ mà có ở mọi thế hệ khi người ta còn trẻ.

Văn học trẻ hôm nay có gì? Vẫn là sự xuất hiện và những niềm hy vọng. Sự khẳng định của một lớp các cây bút trẻ thế hệ trước như Trang Hạ, Phong Điệp, Châu Giang, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh, Dạ Thảo Phương… và sự xuất hiện hồ hởi của một thế hệ sau với những cái tên dần quen với bạn đọc như Phương Trinh, Trương Trọng Nghĩa, Thanh Xuân, Hà Thanh Phúc, Hồ Huy Sơn, Trần Thu Trang, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Ngọc Linh, Cấn Vân Khánh, Nguyễn Thị Cẩm… Văn học trẻ sẽ tìm cách thích ứng và tồn tại với bạn đọc của mình. Tuy nhiên, người ta vẫn còn phải trăn trở quá nhiều, vì những khát vọng của người trẻ vẫn chưa đủ sức mạnh trở thành sự thật. Bởi họ chưa đủ lớn so với tham vọng đổi thay của chính mình…

Hồ Binh