Vẫn thiếu trường học!

(ANTĐ) - Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường đều đã ổn định số lượng học sinh cho năm học mới, nhưng hầu như trường nào cũng còn các danh sách các cháu xếp hàng... trên sổ để chờ đợi một cơ may được vào trường công lập.

Trước thềm năm học mới

Vẫn thiếu trường học!

(ANTĐ) - Cho đến thời điểm này, hầu hết các trường đều đã ổn định số lượng học sinh cho năm học mới, nhưng hầu như trường nào cũng còn các danh sách các cháu xếp hàng... trên sổ để chờ đợi một cơ may được vào trường công lập.

Môi trường giáo dục tốt sẽ ảnh hưởng tích cực tới nhân cách của trẻ
Môi trường giáo dục tốt sẽ ảnh hưởng tích cực tới nhân cách của trẻ

Theo Quyết định số 05/2003/QĐ-UB ngày 9-1-2003 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2010, thì mỗi xã, phường, thị trấn và các khu đô thị phải có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Nhưng thực tế hiện nay tại Hà Nội còn rất nhiều khu vực không có trường công lập, kể cả trong các quận nội thành, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em ở các độ tuổi. Một số phường chưa có hoặc thiếu trường tiểu học, THCS công lập và 6 phường chưa có trường mầm non công lập điển hình như là quận Đống Đa có 4 phường (Trung Liệt, Láng Thượng, Phương Mai, Ngã Tư Sở), quận Hai Bà Trưng có 2 phường (Thanh Nhàn, Lê Đại Hành). Còn phường Điện Biên (quận Ba Đình) chưa có trường tiểu học, THCS công. Điều đó dẫn đến cứ đầu năm học, bố mẹ công chức Nhà nước nào cũng phải tìm đủ mọi cách để con có một chỗ ngồi trong các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Các trường đã có từ lịch sử để lại thì cơ ngơi chật chội, nhất là các trường thuộc khu vực nội thành. Để đáp ứng nhu cầu học hành của con em nơi sở tại, theo sự tăng dân số cơ học đã không thể đủ, nên việc trẻ em từ nơi khác di cư đến theo bố mẹ là bài toán nan giải cho các trường này. Khi chúng tôi đến trường mầm non xã Mỹ Đình, cơ ngơi được xây mới khá khang trang, phụ huynh rất yên tâm gửi con ở đây vì trường đã đạt chuẩn quốc gia. Nhưng hỏi chuyện mới được bà Nguyễn Thị Kim Anh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường không cần tuyển sinh, vì có 2 lớp nhà trẻ đôn lên thành lớp 3 tuổi, còn các lớp kia cứ thế chuyển lên, nên nhà trường chỉ trong một ngày đã nhận đủ hồ sơ, một kỷ lục chưa bao giờ có. Đến ngày 15-6, nhà trường chỉ việc xét hồ sơ là đã đủ học sinh, các cháu khác đến sau thời điểm này đều không có chỗ xin học.

Nhiều bậc phụ huynh phàn nàn về vấn đề này nhưng chúng tôi không biết giải quyết thế nào. Năm học mới đây, nhà trường đang phải sửa một phòng của các cô để thành phòng học cho các cháu, vì quá đông cháu. Hiện trong sổ của hiệu trưởng nhà trường còn hơn 100 đăng ký, chờ đến khi nào có cháu khác chuyển đi thì... nhảy vào. Trường không dám nhận nhiều vì mỗi lớp đã 50 cháu, không đảm bảo chất lượng.

Thực tế, không phải khu vực Mỹ Đình này thiếu trường học cho các em. Đây là một khu đô thị mới được các nhà đầu tư chú trọng đến việc xây trường lớp. Đặc biệt khu Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2, có rất nhiều trường, nhưng lại là hệ thống trường dân lập chất lượng cao. Các trường này đều được học ngoại ngữ ngay từ khi đến trường, dù đó là mẫu giáo hay tiểu học. Vì vậy không nhiều phụ huynh có khả năng cho con học các trường này, mà chỉ một bộ phận nhỏ có thể theo được. Đại đa số bộ phận dân cư vẫn cần có những trường được Nhà nước hỗ trợ, với chi phí khoảng từ 300.000-500.000 đồng/tháng/học sinh.

Thiếu trường là bài toán khó giải vì ngay chính tại các phường thiếu quỹ đất để xây dựng trường lớp. Nhưng còn với các trường công lập đã có thì có thể có những biện pháp xây nhà cao tầng để giữ không gian sân chơi cho các em sinh hoạt. Thiếu trường lớp, quá tải trường lớp hiện nay cũng như chuyện thiếu đường đi ở Hà Nội. Mở thêm những tuyến đường mới, bố trí lại giao thông hợp lý sẽ làm giao thông bớt ùn tắc hơn. Và với câu chuyện các trường công lập, sẽ bớt đi cái cảnh ông bà bố mẹ, 3-4 giờ sáng đứng để xếp hàng chờ nhận một tờ đơn vào trường công lập.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi có đến xã Phục Linh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, địa phương vẫn bị “mang tiếng nghèo”, nhưng thật bất ngờ vì ngay từ trường mầm mon (dù vẫn còn một điểm lẻ) đã rất rộng rãi, “mời” học sinh đến học vì mỗi lớp chỉ có khoảng 20 cháu mà có tới 2 cô, không phải chen chúc và xếp hàng để được vào trường công lập. Nghĩ mà tủi cho trường công lập trong nội thành, bao giờ mới được bằng ngoại thành (?).

Châu Anh