Vẫn ở… vạch xuất phát

(ANTĐ) - SEA Games 26 đang đến gần, trong khi các bộ môn khác đều đã tập trung đội tuyển và tập luyện được hơn một tháng thì bộ môn bóng bàn mọi việc vẫn ở vạch xuất phát.

 Không chỉ Kiến Quốc mà rất nhiều tuyển thủ khác cũng “ngán” lên tuyển.

 Không chỉ Kiến Quốc mà rất nhiều tuyển thủ khác cũng “ngán” lên tuyển.

Nhiều trụ cột đồng loạt rút lui
Theo dự kiến, đội tuyển bóng bàn với 20 VĐV (11 nam và 9 nữ) sẽ tập trung từ ngày 15-5 đến ngày 30-12-2011 tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội để chuẩn bị cho các giải đấu lớn, đặc biệt là SEA Games 26 diễn ra vào tháng 11 tới.

Song cho đến thời điểm hiện tại, kế hoạch tập trung đội tuyển vẫn chưa được thực hiện. Lý giải về sự chậm trễ này, Trưởng bộ môn bóng bàn Nguyễn Đức Long cho biết: “Chúng tôi đã gửi công văn đến các cơ quan chủ quản có VĐV trong đợt tập trung lần này, song việc có hay không chấp thuận “nhả quân” đều phải phụ thuộc vào họ.

Nếu họ đưa lý do như VĐV đang đi tập huấn nước ngoài, nghỉ ốm, nghỉ lo học văn hóa thì cũng… đành chịu”. Sau sự rút lui của Mỹ Trang (TP.HCM), mới đây tay vợt trẻ đầy triển vọng Việt Linh (Bộ Công an) đã làm đơn xin được miễn tập trung đội tuyển quốc gia để chuyên tâm học văn hóa. Chắc chắn, sự vắng mặt của 2 cây vợt chủ lực trong đợt tập trung tới sẽ khiến hành trình chinh phục đỉnh cao SEA Games 26 khó khăn hơn rất nhiều. 

Trong khi đó, bên phía đồng nghiệp nam, nhiều trụ cột tỏ ra mệt mỏi và rơi vào trạng thái… “buông” sau hàng loạt rắc rối, đặc biệt là sự cố bỏ cuộc hàng loạt (do yếu tố ngoài chuyên môn) tại giải VĐTG 2011 vừa qua. Một thông tin đáng chú ý trong đợt tập trung lần này là việc CLB Tập đoàn dầu khí Việt Nam (TĐDKVN), đơn vị chủ quản của VĐV Đoàn Kiến Quốc có ý định không cho nhà đương kim vô địch SEA Games này lên tập trung đội tuyển. Theo tìm hiểu được biết, lãnh đạo CLB đã nhiều lần gửi công văn tới Tổng cục TDTT đề xuất việc cho Kiến Quốc thi đấu trong màu áo CLB TĐDKVN tại giải Cây vợt vàng lần thứ 25 (diễn ra từ 12 đến       17-7-2011 tại TP.HCM) mà TĐDKVN là nhà tài trợ nhưng  chưa nhận được câu trả lời.  Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Kiến Quốc chưa tập trung đội tuyển nên vẫn thuộc quân số của CLB. Theo ông Trương Thới Nhiệm - Phó giám đốc Công ty Cổ phần thể thao văn hóa dầu khí, đã đến lúc bộ môn bóng bàn nên trao cơ hội cho các VĐV trẻ chứ không thể cứ mãi bấu víu vào những cái tên già nua.

Vì sao VĐV  “ngán” lên tuyển?

Trong thể thao, việc được tập trung đội tuyển quốc gia là điều vinh dự, thậm chí là đích phấn đấu của cả một đời VĐV. Ở đó, họ được tạo những điều kiện thuận lợi nhất về chuyên môn lẫn tinh thần để yên tâm luyện tập, thi đấu và cống hiến cho thể thao nước nhà. Nhưng đó là trên lý thuyết, mà từ lý thuyết đến thực tế đôi khi là một hiện thực đáng buồn. Từ lâu, chuyện trưởng bộ môn can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chuyên môn của HLV đã chẳng còn xa lạ tại đội tuyển bóng bàn.

Hay những lùm xùm liên quan đến công tác huấn luyện cũng khiến nhiều tuyển thủ cảm thấy ức chế. Trên thực tế, không hề có một HLV riêng cho ĐTQG mà hầu hết đều được tuyển chọn từ các địa phương, ngành có nền bóng bàn phát triển mạnh như Hải Dương, Quân đội, TP.HCM... Và việc các HLV này thiên vị cho những VĐV (cùng đơn vị chủ quản với mình) trên đội tuyển không phải là không có.

Bên cạnh đó, với các tuyển thủ bóng bàn, sân chơi quốc nội đôi khi quan trọng hơn các giải đấu quốc tế - nơi  khó có thể cạnh tranh ngôi thứ với các cường quốc bóng bàn khác. Đó là nguyên do dẫn đến những toan tính ích kỷ trong môi trường đội tuyển.

Nhiều VĐV không lên tuyển chỉ vì… sợ lộ các “miếng đánh” sở trường, từ đó các HLV sẽ tìm cách khắc chế và truyền “bí kíp” đó cho các học trò “ruột” của mình trong các cuộc đối đầu giải quốc nội. Nếu những bất cập trên chưa được giải quyết ổn thỏa thì có lẽ, việc các tuyển thủ đồng loạt xin rút hay lịch tập trung chậm đến vài tháng cũng chẳng phải là điều ngạc nhiên.