Vận nước đang lên - Thế nước Rồng bay

ANTD.VN - Việt Nam bước vào năm 2020 bằng sự tự tin với thế và lực mới của đất nước sau gần 35 năm Đổi mới. Nói như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2019 và bàn về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 thì: “Không phải là chúng ta tự khen nhau, tự động viên nhau mà là sự thật, đúng với thực tế đã diễn ra và phù hợp với sự nhìn nhận, đánh giá của bạn bè quốc tế, không khí phấn khởi trong nhân dân thực sự cảm nhận được”.

Vận nước đang lên - Thế nước Rồng bay ảnh 1

Hội nhập, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, góp phần nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.

(Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương bàn về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020)

Việt Nam không chỉ làm chủ vận mệnh của dân tộc mình 

Cả Mỹ và Triều Tiên đều đồng ý chọn Việt Nam cho một cuộc gặp gỡ vô tiền khoáng hậu vào tháng 2-2019 tại Hà Nội, cũng là sự lựa chọn được cân nhắc kỹ, có chủ đích của các nguyên thủ quốc gia. Thế giới có cơ hội ngóng về Hà Nội để gửi gắm niềm tin vào hòa bình. Lịch sử thế kỷ trước từng cho thấy có những cơ hội hòa bình của Việt Nam từng trông chờ vào những hội nghị quốc tế ở rất xa.

Sau những ngày tháng Tuyên bố độc lập của Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, lãnh đạo Việt Nam tham gia Hội nghị ở Fontainebleau thuộc tỉnh Seine-et-Marne nước Pháp từ đầu tháng 7 đến trung tuần tháng 9-1946. Rồi Việt Nam từng trông đợi hòa bình từ Hiệp định Geneva (Thụy Sỹ) năm 1954, cho đến Hiệp định Paris ký ở Thủ đô Paris (Pháp) năm 1973. Nhưng, Thủ đô Hà Nội thế kỷ XXI hiện lên trên bản đồ truyền thông thế giới là “Thành phố Vì hòa bình”, là điểm đến của những cuộc gặp gỡ được cả thế giới mong đợi cho hòa bình, như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai.

Lịch sử sang trang khi Việt Nam không chỉ làm chủ vận mệnh của dân tộc mình, đất nước mình, mà trở thành điểm đến, điểm hẹn hòa bình, biểu tượng của hòa bình, nơi trông đợi cho hòa bình. Giữ cương vị quốc gia Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cũng đồng thời đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngay những ngày đầu tiên của năm 2020, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc luân phiên trong tháng 1-2020. Tư thế và vị thế đất nước khác xa thế kỷ trước từng chìm đắm trong chiến tranh, đói kém và nghèo nàn, lạc hậu. Vận nước đang lên là ở đây! Thế nước Rồng bay chính là nơi này!

Vận nước đang lên - Thế nước Rồng bay ảnh 2Việt Nam đạt kỳ tích 517 tỷ USD xuất nhập khẩu năm 2019

Kỳ tích 517 tỷ USD và chủ trương bảo vệ doanh nghiệp chân chính 

“Việt Nam từ một nước thiếu ăn, tem phiếu, bao cấp... đã trở thành một nước xuất khẩu lớn, tầm cỡ thế giới” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD vào ngày cuối năm 2019. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 517 tỷ USD, tăng xấp xỉ 8% so với năm ngoái. Thặng dư thương mại gần 10 tỷ USD. Và hoàn toàn không hề đơn giản để Việt Nam đạt cột mốc xuất nhập khẩu 500 tỷ USD khi thương mại toàn cầu năm qua sụt giảm nghiêm trọng - xuống mức thấp nhất 10 năm trở lại đây. Chiến tranh thương mại không chỉ có Mỹ, Trung Quốc mà còn có ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Quả xoài, thanh long Việt Nam xuất khẩu, đi khắp nơi trên thế giới. Chúng ta nhìn ra vấn đề là chi phí logistics (bao gồm chi phí vận tải, chi phí cơ hội vốn và chi phí bảo quản hàng hóa) chiếm đến 50% giá trị của trái cây Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Và để nâng cao giá trị xuất khẩu, chúng ta cần nâng cao chế biến sâu và giảm chi phí logistics. Đồng thời,  nếu đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ thì hàng hóa Việt Nam còn xuất khẩu mạnh mẽ hơn nữa.

Những câu chuyện như Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải xuất khẩu được xe buýt sang Philippines, như Công ty Tân Hiệp Phát mang nước giải khát Việt bán ở thị trường Mỹ, cạnh tranh với những “người khổng lồ” là tập đoàn đa quốc gia... là hai trong số rất nhiều ví dụ sinh động. Các doanh nghiệp Việt Nam đang dần trưởng thành hơn trong quá trình tiếp tục phối hợp, chia sẻ chuỗi giá trị, cung cấp công nghệ để bảo vệ hàng Việt Nam, đặc biệt cần tránh kiện tụng trong xuất nhập khẩu. Chính phủ Việt Nam với vai trò kiến tạo và hành động luôn thúc đẩy, hỗ trợ người dân kinh doanh, doanh nghiệp phát triển cũng đã nêu rất rõ chủ trương tiếp tục phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại để bảo vệ những doanh nghiệp xuất nhập khẩu chân chính.

Vận nước đang lên - Thế nước Rồng bay ảnh 3Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫy cờ Việt Nam sau cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội tháng 2-2019

Vươn lên tốp đầu thế giới khi khai triển 5G

Vươn lên tốp đầu thế giới ở một số lĩnh vực là khát vọng có thật mà Việt Nam vươn tới, như câu chuyện mạng 5G tức thế hệ thứ 5 của mạng viễn thông di động. Trong năm 2020 Việt Nam sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G.  Đó là cột mốc đánh dấu việc Việt Nam sẽ song hành với thế giới về công nghệ, không đi sau 7-8 năm như 3G, 4G nữa. 

Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Vingroup đã tự nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, là sản phẩm trí tuệ của người Việt Nam. Với lĩnh vực viễn thông, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam bước đầu thành công, đây là một thắng lợi cần phổ cập rộng rãi. Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hóa năm 2020 là tuyên bố từ nay Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. “Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới” - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tự tin báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai công tác năm 2020. 

Thủ tướng đặc biệt chú ý đến việc Viettel và Vingroup đã sản xuất được thiết bị 5G của Việt Nam, bởi theo ông đây là công bố rất quan trọng khi trên thế giới tính đến nay mới chỉ có 5 quốc gia sản xuất thiết bị 5G. Thủ tướng nhấn mạnh, “Make in Vietnam” - tức là làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất tại Việt Nam, là định hướng lớn của Chính phủ.

Có rất nhiều minh chứng sinh động về sự nỗ lực không mệt mỏi, tinh thần, ý chí Việt Nam mà trong khuôn khổ bài này, không thể kể hết ra đây được. Cũng như ý chí, tinh thần xả thân và nghị lực mạnh mẽ của những cầu thủ bóng đá cả nam và nữ giành vinh quang về cho Tổ quốc khi tham gia đấu trường thể thao ASEAN vậy. Nói như Tổng Bí thư - Chủ tịch nước thì “có người lạc quan cho rằng đó cũng là một trong những biểu hiện của vận nước đang lên”.

Đóng góp thiết thực trong một Chính phủ kiến tạo và hành động vì dân

Vận nước đang lên - Thế nước Rồng bay ảnh 4Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm thăm hỏi, chúc Tết CBCS Đội Cảnh sát giao thông trật tự - cơ động CAQ Ba Đình, Hà Nội năm 2019

Mọi sự nghi ngại về mất an toàn hay bị khủng bố ở Hà Nội đều bị đẩy lui khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra ở Hà Nội. Công tác đảm bảo an ninh, môi trường hòa bình cho phát triển đã được khẳng định. Thành công của công tác đảm bảo an ninh, an toàn những sự kiện vô tiền khoáng hậu được cả thế giới chú ý, là hết sức giá trị. Lực lượng Công an với vai trò nòng cốt đã khẳng định uy lực và sức mạnh của mình, đảm nhận vai trò này. Điều đó cũng khẳng định tầm vóc quốc tế của một lực lượng có bề dày bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ được thành lập ngay từ ngày đầu cách mạng. 

Sau khi đã tiên phong về tổ chức lại bộ máy mới của Bộ Công an tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thì năm 2019 cũng là năm Bộ Công an bắt đầu triển khai đưa Công an chính quy về xã. Việc này không tăng biên chế trong lực lượng Công an mà là sắp xếp lại tổ chức. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khi báo cáo tại Quốc hội đã khẳng định, nếu giảm được tội phạm sẽ giảm cả biên chế lực lượng Công an, dành ngân sách để làm những việc khác. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, so với năm 2018, trong năm 2019, tội phạm giảm 7,39% và đây là con số hết sức ấn tượng so với chỉ tiêu Bộ Công an mạnh dạn đăng ký lúc đầu là từ 3-5%. Người đứng đầu ngành Công an cũng đã nêu ra tại Quốc hội đề nghị tháo gỡ, tạo điều kiện để người dân thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và huy động tiền nhàn rỗi trong dân vừa ngăn ngừa tình trạng người dân có tiền nhưng không quản lý được sinh ra cờ bạc, tệ nạn xã hội, “tín dụng đen” và các tội phạm khác; vừa giúp người dân phát triển kinh tế. Đó là một chủ trương đúng, thể hiện sự đóng góp thiết thực của lực lượng Công an nhân dân trong một Chính phủ kiến tạo và hành động vì dân.

Thành công của một đất nước cần cù, chịu khó vươn lên về kinh tế, có nền tảng an ninh an toàn có thể nói là hàng đầu thế giới. Đấy là hình ảnh mới của Việt Nam, ngôi sao sáng trong khu vực và thế giới. Trong khi chúng ta vượt xa mốc 500 tỷ USD xuất nhập khẩu và xuất siêu gần 10 tỷ USD, xuất khẩu tăng khoảng 8% so với năm 2018, thì xuất khẩu của nhiều nước sụt giảm mạnh, thậm chí có nước tăng trưởng âm. Có lý khi Ngân hàng Thế giới đưa ra nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng Mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”.