Vẫn nóng bỏng tình trạng chống người thi hành công vụ

(ANTĐ) - Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm (từ 2001 - 2010),  tội phạm chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, tính chất nguy hiểm và mức độ phạm tội, thủ đoạn ngày càng manh động và liều lĩnh hơn với trung bình khoảng 900 vụ xảy ra mỗi năm.
Trong đó chỉ tính riêng năm 2009 có 749 vụ, năm 2010  xảy ra 718 vụ nhưng tính chất nguy hiểm và thiệt hại do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thương vong rất lớn cho lực lượng thi hành pháp luật, trong đó có 162 vụ chống lại lực lượng cảnh sát. Điển hình là vụ đối tượng buôn bán ma túy ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình xả súng vào lực lượng truy bắt khiến  3 chiến sỹ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh và 4 đồng chí khác bị thương; vụ đối tượng phạm tội ma túy khi bị vây bắt tại khu vực giáp biên giới đã sử dụng súng tiểu liên bắn bị thương 3 sỹ quan phòng chống ma túy Công an tỉnh Nghệ An; vụ một nhóm 7 đối tượng tấn công lực lượng cảnh sát đang dẫn giải đối tượng truy nã tại Hải Phòng… Đáng báo động là trong vài năm gần đây, số tội phạm chống người thi hành công vụ chiếm tới 1,5% trong tổng số tội phạm hình sự. 3 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra 178 vụ và theo thống kê chưa đầy đủ thì trong nửa đầu năm 2011 đã có trên 300 vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Vẫn nóng bỏng tình trạng chống người thi hành công vụ ảnh 1
Kịp thời bắt giữ một đối tượng chống người thi hành công vụ
Trong số các vụ án chống người thi hành công vụ thì đối tượng tấn công chủ yếu của bọn tội phạm là các cán bộ, chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ, trong đó đại đa số là lực lượng cảnh sát và công an xã. Từ năm 2008 đến 2010 đã có tới 82 cán bộ, chiến sỹ cảnh sát hy sinh, gần 1.000 CBCS cảnh sát và trên 500 công an xã bị thương, trên 1.000 CBCS cảnh sát bị phơi nhiễm HIV trong khi thi hành công vụ. Công cụ, phương tiện mà đối tượng sử dụng để chống lại người thi hành công vụ cũng rất đa dạng, từ vũ khí nóng (súng, lựu đạn, mìn) cho đến vũ khí tự chế, vũ khí thô sơ, gạch, đá, tay không;... trong đó số vụ dùng súng, dao, kiếm, mã tấu chiếm 14,5%, dùng gậy, gạch đá chiếm 23%, sử dụng phương tiện giao thông đâm trực tiếp vào cảnh sát hoặc thanh tra giao thông chiếm 8%. Những người phạm tội chống người thi hành công vụ có thành phần rất đa dạng, không chỉ có đối tượng trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp, có tiền án, tiền sự mà đã có nhiều hơn học sinh, sinh viên, người có trình độ học vấn cao, thậm chí cả cán bộ, công chức Nhà nước và cả cán bộ đang công tác trong các cơ quan thi hành pháp luật. Hành vi chống người thi hành công vụ trong nhiều vụ án không còn mang tính chất bột phát mà có sự chuẩn bị kỹ càng, có tổ chức với thủ đoạn rất tinh vi. Bọn chúng không chỉ chống đối lực lượng thi hành công vụ ở ngoài đường, nơi công cộng mà còn manh động tấn công cả các mục tiêu mà lực lượng cảnh sát đang canh gác, đập phá trụ sở cơ quan Nhà nước, vây đánh lực lượng công an đang làm việc tại trụ sở, gây rối tại phiên tòa… Điều đáng lưu ý là trong thời gian gần đây nổi lên một vấn đề mới, đó là việc bên cạnh sử dụng vũ lực để chống đối lại lực lượng thi hành công vụ thì nhiều đối tượng cũng lợi dụng quyền tự do, dân chủ, tự do ngôn luận và quyền khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, bôi nhọ, tố cáo sai sự thật, gây phức tạp về ANTT, cản trở và chống đối người thi hành công vụ và tiềm ẩn nguy cơ dễ bị bọn phản động trong và ngoài nước lợi dụng, xuyên tạc. Trước tình hình đó, Nhà nước và các cơ quan thi hành pháp luật đã có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để phòng chống loại tội phạm này. Bộ luật Hình sự đã có quy định về tội chống người thi hành công vụ và coi hành vi chống người thi hành công vụ là tình tiết tăng nặng trong cấu thành tội phạm. Các văn bản hướng dẫn và văn bản pháp lý cũng được dần hoàn thiện để tạo khung pháp lý chặt chẽ và nghiêm khắc về chế tài để xử lý loại tội phạm này. Các cơ quan tư pháp cũng đã kiên quyết điều tra, xử lý, đưa ra xét xử trước pháp luật hàng nghìn đối tượng chống người thi hành công vụ. Gần đây, nhiều vụ đối tượng chống lại người thi hành công vụ không phải là bộ đội, công an, thanh tra giao thông… cũng đã được các cơ quan thi hành pháp luật kiên quyết xử lý theo luật định. Dự báo trong thời gian tới, tội phạm chống người thi hành công vụ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có nhiều vấn đề mới nảy sinh cần kịp thời tháo gỡ. Điều này đòi hỏi Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục cần có các giải pháp hữu hiệu và có tính dự báo cao hơn trong cuộc chiến phòng chống tội phạm này nhằm giúp ổn định ANTT và đảm bảo cho việc thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao nhất.